Lê Quang Đức – chàng trai đoạt giải nhì tại hội thi “Học sinh giỏi nghề lần 5”
|
Có nhiều bằng cấp chưa hẳn là tốt, việc biết… bằng lòng còn quan trọng hơn đối với sự thành công. Đây là điều mà Lê Quang Đức (sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) – chàng trai vừa đoạt giải nhì hội thi “Học sinh giỏi nghề lần 5” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức – luôn tâm niệm và lấy làm động lực để cố gắng.
Việc học nghề gì chỉ mang tính định hướng, để thực sự giỏi thì người học cần bổ sung nhiều kiến thức không chỉ có trong sách vở được trang bị ở nhà trường…
Đường đi nhỏ, cơ hội vẫn lớn
Quang Đức cho rằng, đa số học sinh đều có suy nghĩ là học ĐH, CĐ thì dễ dàng xin việc hơn, nhưng thực tế không ít công ty, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu lao động trình độ TCCN hoặc hệ nghề. Đặc biệt, nhiều bạn học sinh chuộng học ĐH, CĐ bởi có tâm lý không vừa lòng với mức thu nhập đối với hệ nghề.
“Ngay cả bản thân em cũng từng rất muốn học ĐH, tuy nhiên điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên em chọn con đường ngắn hơn là học một nghề để “lận lưng” trước đã” – Quang Đức chia sẻ. Quang Đức cho biết thêm: “Em nhận thấy học nghề là đi trên con đường nhỏ nhưng cơ hội vẫn lớn nếu chúng ta biết nắm bắt. Học nghề còn giúp tiết kiệm được chi phí nhờ rút ngắn được đoạn đường”.
Cho đến thời điểm này, sự vững tin của Quang Đức vào con đường mình đang đi một phần là nhờ em đã có một lựa chọn vừa sức. Với em, lời chia sẻ của một thầy giáo “khi đi làm chưa hẳn nhiều bằng đã là tốt, điều cần thiết là biết… bằng lòng” thực sự đã khích lệ và động viên em rất nhiều.
“Học ĐH, CĐ hay TCCN hoặc hệ nghề cũng không khác nhau là mấy. Việc học ở trường chỉ cung cấp kiến thức cơ bản và mang tính định hướng, để giỏi hơn đòi hỏi người học phải tìm tòi, bổ sung thêm từ các nguồn kiến thức khác. Vì vậy, các bạn cũng đừng có tự ti khi mình học nghề. Thực tế, học nghề cũng không hề dễ dàng mà đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực không kém. Học nghề vì thế cũng có cái giá của nó!” – Quang Đức hóm hỉnh nói.
Không có việc gì khó…
Để giỏi nghề, chàng sinh viên trẻ thừa nhận rằng sự bền chí là hết sức quan trọng. Em luôn lấy lời dạy của Bác làm động lực cho những lúc khó khăn “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.
|
“Gia đình em hơi khó khăn, nhưng em luôn hãnh diện vì ba mẹ thường dạy cho em biết sử dụng đồng tiền đúng cách. Nhà em khá nhỏ mà có tới 5 thành viên nên luôn ở cạnh nhau, nhiều khi đi đâu cũng chạm mặt nhau! Mọi sẻ chia buồn vui vì thế cũng dễ dàng, nếu có mâu thuẫn cũng khó mà giận nhau lâu được…”, Quang Đức bộc bạch.
Đơn cử chính bản thân mình, Quang Đức cho biết việc học ở trường giúp khơi gợi trong em lòng yêu thích ngành mình đang học, nhất là mảng lập trình và bảo mật. Vì thế em cố gắng lên kế hoạch để vừa học ở trường vừa mở rộng nâng cao kiến thức bằng cách tìm hiểu thêm ở các trung tâm.
Tại hội thi “Học sinh giỏi nghề lần 5”, việc ôn tập không diễn ra suôn sẻ do lịch học của các thành viên trong nhóm với Quang Đức không trùng nhau. Quá trình tìm ra được ý tưởng sao cho có tính sáng tạo và khả thi cũng đã không đơn giản. “Mỗi thành viên trong nhóm đã cố gắng đưa ra một vài ý tưởng sau đó cùng hỗ trợ nhau xem xét, lựa đi lựa lại, chọn tới chọn lui mới có thể thực hiện được một cách hoàn chỉnh nhất” – Quang Đức nói.
Khó khăn lớn nhất đối với quá trình thi của Quang Đức chính là dữ liệu hình ảnh của Ban tổ chức rất ít và gần như không phù hợp với ý tưởng mà em theo đuổi. Vì vậy, hầu như toàn bộ hình, chi tiết, em đã phải tự thiết kế nên mất khá nhiều thời gian hơn các nhóm khác.
Giải thưởng nhỏ nhưng lại là những ghi nhận đầu tiên cho nỗ lực lớn để vượt qua những khó khăn của Quang Đức tại hội thi. Từ đây, có thể lòng yêu nghề trong em sẽ ngày một được thắp lên bừng sáng!
Bài, ảnh: Mê Tâm
Tại hội thi “Học sinh giỏi nghề lần 5” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức,Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm còn đoạt một số giải cao ở các ngành khác như: Ngành cắt may (giải 3 tập thể), ngành thiết kế thời trang (giải 3 tập thể), ngành tiện (giải 2), ngành điện lạnh và ngành điện công nghiệp (đồng giải khuyến khích). |
Bình luận (0)