Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bằng chứng về giác quan thứ 6 ở người

Tạp Chí Giáo Dục

Một nhà nghiên cứu tại Mỹ tin rằng ông đã tìm ra bằng chứng về giác quan thứ 6 ở người, là khả năng cảm nhận từ trường Trái Đất bằng tiềm thức.
Theo Science Alert, khả năng cảm nhận từ trường –"magnetoreception" đã được xác nhận ở chim, côn trùng và một số loại động vật có vú. Chúng dựa vào khả năng này để di trú và tự định hướng thế giới xung quanh.
Động vật có vú như chó sử dụng khả năng này để bài tiết phân dọc theo trục bắc – nam. Chuột gỗ và chuột chũi làm tổ dọc theo đường sức từ của Trái Đất.
Nhà địa vật lý Joe Kirschvink ở Viện Công nghệ California cho biết ông đã xác định được con người cũng có khả năng này.
Ông tuyên bố thí nghiệm của mình có thể lặp lại để xác nhận, điều mà các thí nghiệm trước đó chưa làm được. Kết quả thí nghiệm được công bố hồi tháng 4 tại hội nghị của Viện Hàng hải Hoàng gia Anh.
Có hai giả thuyết hàng đầu để giải thích các quá trình sinh học cơ bản của magnetoreception. Giả thuyết thứ nhất cho rằng cho rằng từ trường của Trái đất có thể kích hoạt các phản ứng lượng tử trong các protein gọi là cryptochromes. Những protein này được tìm thấy trong võng mạc của các loài chim, chó, và cả con người, nhưng cơ chế đưa thông tin trở lại não vẫn chưa được xác định.
Đo sóng não trong thí nghiệm xác nhận giác quan thứ 6 ở người.
Đo sóng não trong thí nghiệm xác nhận giác quan thứ 6 ở người.
Giả thuyết khác cho rằng thực sự có những tế bào thụ cảm trên cơ thể có chứa các "kim la bàn" rất nhỏ làm bằng một loại khoáng chất có tính sắt từ được gọi là magnetite, có khả năng tự định hướng theo từ trường của Trái đất.
Magnetite đã được tìm thấy trong các tế bào bên trong mỏ chim và mũi của cá hồi, nhưng, một lần nữa, không có đủ bằng chứng để giải thích đầy đủ khả năng này.
Kirschvink nghiêng về giả thuyết thứ hai, nhưng mối quan tâm của ông là chứng minh magnetoreception thực sự xảy ra ở con người. Các thí nghiệm trước đây thất bại có thể là do sự giao thoa điện từ trường đã làm sai lệch kết quả.
Do đó, ông đã chế tạo một cái lồng Faraday, một cái hộp bằng nhôm mỏng dùng để khử mọi nhiễu nền điện từ, đặt dưới hai tầng hầm tại Caltech.
Người tham gia thí nghiệm sẽ ngồi trong lồng, chỉ tiếp xúc với một từ trường thuần tuý, không có kích thích khác. Họ sẽ được đeo máy giám sát điện não đồ EEG để theo dõi hoạt động của não bộ.
Kết quả cho thấy, khi từ trường quay ngược kim đồng hồ, sóng não alpha của người tham gia cũng thay đổi.
"Sự thay đổi của sóng alpha tương ứng với một quá trình của bộ não: một tập hợp các tế bào thần kinh phản ứng lại từ trường, yếu tố duy nhất thay đổi trong thí nghiệm", ông nói.
Sự thay đổi sóng alpha chậm hơn sự thay đổi từ trường khoảng vài trăm mili giây, cho thấy đây thực sự là hoạt động của não bộ. Nếu chỉ là dòng điện cảm ứng của não bộ được gây ra bởi từ trường, nó sẽ phải xảy ra ngay lập tức không có độ trễ.
Tuy thí nghiệm của Kirschvink mới chỉ được thực hiện trên 24 người tham gia và ông vẫn đang viết một bài báo khoa học về vấn đề này, ông đã nhận được khoản tài trợ 900.000 USD và đang hợp tác với các phòng thí nghiệm tại Nhật Bản và New Zealand để giúp xác nhận kết quả.
"Joe là một người rất thông minh và làm thí nghiệm rất cẩn thận", nhà hóa lý Peter Hore ở đại học Oxford – một người đi đầu trong lĩnh vực magnetoreception nhưng không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết.
"Anh ấy sẽ không công bố kết quả tại cuộc họp nếu không tin rằng mình đúng. Và bạn không thể nói như vậy về mọi nhà khoa học trong lĩnh vực này".
TT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)