Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bằng điểm sàn, thí sinh có nhiều trường đại học để lựa chọn

Tạp Chí Giáo Dục

Điểm thi năm nay thấp hơn năm trước, điểm sàn năm nay có thay đổi? Các trường ngoài công lập có còn thiếu nguồn tuyển? Tại sao không có chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách? Đó là những băn khoăn của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.
Tính đến chiều ngày 27/7, cả nước đã có gần 150 trường ĐH,CĐ công bố điểm thi. Nhìn chung điểm thi tuyệt đối năm nay ít hơn năm trước, điểm thấp cũng khá nhiều… liệu có ảnh hưởng tới điểm sàn, các trường ngoài công lập có thiếu nguồn tuyển như mọi năm. Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) về vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng, hiện nay đã có gần 150 trường ĐH,CĐ công bố điểm thi. Nhìn chung điểm tuyệt đối năm nay rất ít, bên cạnh đó nhiều trường điểm thi rất thấp như trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM khối A có 3.562 thí sinh dự thi, nhưng chỉ có 198 thí sinh được điểm 13 trở lên. Còn khối B có 985/5966 thí sinh thi được tổng điểm 3 môn là 14 điểm trở lên. Trường ĐH Lạc Hồng, khối C chỉ có 21 thí sinh được 14 điểm trở lên…Với mức điểm trên, liệu điểm sàn năm nay (điểm sàn năm 2010: khối A,D: 13, B,C: 14) có thay đổi không thưa ông?
So với năm trước, mặc dù điểm tuyệt đối năm nay ít hơn nhưng vấn đề này không ảnh hưởng đến điểm sàn. Bởi, thực tế điểm của các trường tốp trên, tốp giữa vẫn rất cao và phổ điểm trung bình rộng ra hơn tập trung ở mức 5,6. Điểm thi thấp chủ yếu nằm ở các trường tốp dưới, trường ngoài công lập. Do vậy, nhìn chung điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ không giảm so với năm trước.
Về điểm sàn, năm nay không thể thấp hơn năm ngoái. Để đưa ra điểm sàn chính thức phải đợi toàn cảnh bức tranh toàn cảnh về điểm thi, trên cơ sở tính toán Hội đồng điểm sàn của Bộ mới ra quyết định.
Ông nghĩ sao khi nhiều trường ngoài công lập tổ chức thi tuyển nhưng số thí sinh đến dự thi quá ít vài chục thí sinh không bằng chỉ tiêu được giao, thậm chí thủ khoa ở 1 trường đại học ngoài công lập chỉ đạt 12,5 điểm?
Theo tôi, với các trường số lượng thí sinh dự thi ít hoặc những trường mà sau nhiều năm tổ chức thi có kết quả quá thấp thì không nên tổ chức thi tuyển mà nên thực hiện phương thức xét tuyển để thuận lợi hơn.
Tuy nhiên lãnh đạo nhiều trường đại học đó lại cho rằng tổ chức thi để tập dượt thi tuyển sinh, nâng cao uy tín của trường, để thí sinh biết đến trường nhanh hơn?
Thi tuyển không phải là cách tốt để quảng bá thương hiệu. Để cạnh tranh thu hút thí sinh, các trường cần chuẩn bị và tạo uy tín từ từ chứ không nên dồn dập.
Thực tế, 2 năm trở lại đây, một số trường ngoài công lập đều thiếu nguồn tuyển. Liệu năm nay các trường có rơi vào thực trạng này không thưa ông?
Việc lo thiếu nguồn tuyển hàng năm, năm nay các trường yên tâm. Hội đồng điểm sàn sẽ tính toán để số thí sinh trên điểm sàn nhiều hơn so với chỉ tiêu đề ra.
Năm nay, với thay đổi về việc được rút hồ sơ đăng ký NV2, NV3 mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra, thì tất cả các em trên điểm sàn đều có cơ hội trúng tuyển vào các trường thích hợp.
 
Thí sinh chỉ cần bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT sẽ có nhiều trường đại học để lựa chọn. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Thưa Thứ trưởng, mọi năm Bộ có giao cho một số trường tốp trên như trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân… đào tạo hệ ngoài ngân sách. Năm nay có tiếp tục thực hiện giao chỉ tiêu này cho các trường không?
Từ năm nay trở đi không có đào tạo hệ ngoài ngân sách. Bởi vì năm nay thực hiện theo Nghị quyết 50 của Quốc hội. Các trường được phép xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao. Đi đôi với đề án đó là khung học phí phù hợp để bù đắp những phụ trội. Bộ GD-ĐT cũng có chủ trương sẽ không duy trì chỉ tiêu ngoài ngân sách, ngoài chỉ tiêu chung cho trường như mọi năm, Bộ chỉ giao một chỉ tiêu chung, trên cơ sở đó, các trường tự cân đối và xây dựng đề án đào tạo chất lượng cao riêng của mình.
Hiện nay, có một số trường đại học đào tạo hệ 1B, hình thức đào tạo đó là như thế nào thưa Thứ trưởng?
Đào tạo hệ 1B hiện nay có một số trường đào tạo như ĐH Đà Nẵng, đó không phải là đào tạo hệ ngoài ngân sách. Các trường tuyển hệ 1B này không xây dựng điểm trúng tuyển theo ngành mà tuyển điểm trúng tuyển theo trường. Ví dụ: trường có 3.000 chỉ tiêu thì khi gọi thí sinh trúng tuyển lấy từ cao xuống thấp hết 3.000 chỉ tiêu đó. Sau khi thí sinh nhập học, trường mới phân ngành. Nếu thí sinh nào không đỗ NV1 vào ngành mình đăng ký được chuyển sang ngành khác còn chỉ tiêu.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 Về điểm thi khối xã hội năm nay thấp, đặc biệt là môn Sử, nhiều điểm thi dưới trung bình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Về điểm thi môn Lịch sử thấp năm nay là đúng vì theo nhận định của giới chuyên môn là đề tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức một cách có hệ thống chứ không thể học vẹt, học tủ. Tôi cho rằng có lẽ do cách dạy – cách học các môn xã hội hiện nay có vấn đề.
Vì vậy, chủ trương của Bộ GD-ĐT trong những năm tới là thay đổi cách dạy và học các môn xã hội cũng như cách thi các môn này để bảo đảm kết quả tốt hơn. Thay vì dạy và học môn xã hội quá chú trọng chi tiết, số liệu, ngày giờ, sự việc như hiện nay, dạy và học các môn xã hội, trong đó có môn Sử tới đây sẽ theo hướng để học sinh nắm những kiến thức cơ bản, như vậy sẽ dễ học, dễ thi hơn.
Theo Hồng Hạnh
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)