“Hãy đi trữ tinh trùng”, nhiều nam giới trẻ, thậm chí chỉ vừa 19-20 tuổi, bàng hoàng khi nghe lời khuyên này của bác sĩ vì được chẩn đoán bị ung thư tinh hoàn.
Bác sĩ phẫu thuật điều trị ung thư tinh hoàn cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng ung thư tinh hoàn thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, sự thật là, những khối u ác tính tinh hoàn là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới từ 15-35 tuổi.
Nỗi bàng hoàng của nam giới trẻ
Anh N.T.H (19 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến phòng khám nam khoa vì trong vài tháng gần đây phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng, to dần lên.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), phát hiện anh H. có một khối u tinh hoàn phải đã di căn. Việc điều trị buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Bệnh nhân còn quá trẻ, chưa có vợ con. Trước tình cảnh trên, các bác sĩ đã khuyên anh H. nên đi trữ đông tinh trùng trước khi can thiệp điều trị.
Chàng trai đã vô cùng bàng hoàng khi được bác sĩ thông báo thông tin về bệnh. Thậm chí, không thể tin đó là sự thật và rối trí vì quá sợ hãi, anh H. đã hỏi đi hỏi lại bác sĩ rất nhiều lần.
Bệnh nhân sau đó đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Giải phẫu bệnh sau phẫu thuật xác định là một u tinh hoàn ác tính, tức ung thư tinh hoàn. Anh H. tiếp tục được hóa trị hỗ trợ tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bình Dân, để điều trị triệt căn ung thư.
Khám sức khỏe “vùng nhạy cảm” trước khi quá muộn!
Theo phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân: Y văn thế giới ghi nhận ung thư tinh hoàn chỉ chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới. Tuy nhiên, ghi nhận tại Khoa Nam Học, Bệnh viện Bình Dân, chỉ tính riêng trong năm 2017 và 2018, đã tiếp nhận điều trị lần lượt là 63 và 78 trường hợp ung thư tinh hoàn. Đặc biệt, hầu hết bệnh nhân đều còn rất trẻ.
Độ tuổi trung bình của các trường hợp bướu tinh hoàn tại Bệnh viện Bình Dân chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, trong đó có nhiều trường hợp người bệnh là những nam thanh niên mới từ 16-19 tuổi.
“Ung thư tinh hoàn gây giảm sức khỏe, giảm chất lượng sống, hiếm muộn và có thể dẫn đến tử vong”, thạc sĩ – bác sĩ Trần Đoàn Thiên Quốc, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, đánh giá.
Theo bác sĩ Thiên Quốc, triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác.
Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn tăng cao khi người bệnh có: tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng), tinh hoàn bị teo, tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn và người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen).
Bác sĩ Cẩm Hoàng cho biết, việc điều trị chính trong ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt tinh hoàn có chứa bướu. Sau khi phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mà có thể phối hợp hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân.
“Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm có tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 95%. Ung thư tinh hoàn là ung thư có khả năng được chữa lành cao so với các loại ung thư khác”, bác sĩ Cẩm Hoàng thông tin.
Tuy nhiên, bác sĩ Cẩm Hoàng nhận định, chính sự chủ quan và ngại ngần đi khám bệnh “khu vực nhạy cảm” ở đấng mày râu là nguyên nhân khiến người bệnh ung thư tinh hoàn đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn trễ, gây khó khăn cho việc điều trị.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân chủ quan nghĩ rằng phẫu thuật cắt u là đã hết bệnh nên lơ là việc tái khám, cho đến khi u tái phát hoặc di căn xa mới đi khám lại thì đã muộn, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Nguyên Mi/TNO
Bình luận (0)