Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bằng nghề chỉ để… tham khảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhà tuyển dụng nước ngoài đòi hỏi tiêu chuẩn nghề quốc tế trong khi rất ít trường nghề trong nước chịu đầu tư công nghệ giảng dạy đúng chuẩn

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN đang trong giai đoạn khó khăn do các thị trường cắt giảm nhu cầu tuyển dụng. Thế nhưng, hiện vẫn có không ít doanh nghiệp (DN) XKLĐ có nhiều đơn hàng cung ứng thợ hàn, nhất là cho khu vực Trung Đông, châu Âu, Úc, New Zealand… Nghịch lý là, tuy đơn hàng có nhưng DN lại không đủ lao động để cung ứng.

Các công trình lớn đòi hỏi hàn công nghệ cao rất cần thợ giỏi chuyên môn. Ảnh: N.HỮU

“Sốt” thợ hàn
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty DV XKLĐ Lasec, cho biết theo đơn đặt hàng, đối tác ở Úc có nhu cầu tuyển 200 thợ hàn/năm, thu nhập bình quân từ 1.000 đến 1.200 AUD/tuần. Airseco và Suleco là hai DN đang khai thác thị trường Bồ Đào Nha với hợp đồng cung ứng thợ hàn ống, lắp ống dẫn dầu cũng với thu nhập rất hấp dẫn. Việc tuyển dụng đang  được hai DN tiến hành thường xuyên, mỗi đợt 50 người. Đại diện Công ty Simco – Sông Đà cũng cho biết ở một số nước châu Âu, đơn đặt hàng dành cho lao động lành nghề làm việc trong lĩnh vực cơ khí, nhất là các loại thợ hàn 3G, 6G, tiện, phay, cơ khí chế tạo… rất lớn. Chẳng hạn như Ba Lan đang cần số lượng lớn thợ hàn có tay nghề cao để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ Giải Vô địch Bóng đá các quốc gia châu Âu sẽ diễn ra tại nước này vào năm 2012.
Ngoài ra, với các dự án, công trình xây dựng đường ống dẫn dầu, giàn khoan ở các quốc gia Trung Đông như UAE, Ả Rập Saudi, các xưởng đóng tàu tại Đài Loan, thợ hàn là đối tượng ưu tiên số một. Hơn 50 DN XKLĐ hiện nay đều dư thừa đơn hàng tuyển thợ hàn từ Trung Đông.
Từ thiếu đến yếu
Tình trạng khan hiếm thợ hàn khiến hầu hết các đơn hàng cung ứng lao động ra nước ngoài bị đổ bể. Ông Phạm Anh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nhân lực Quốc tế, nhận định: “Nếu dốc hết thời gian, công sức cho việc tạo nguồn thì giỏi lắm các DN cũng chỉ đáp ứng được 30% lao động cho các đơn hàng”. Còn theo ông Tống Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Châu Hưng, dù lương thợ hàn ở Trung Đông đạt từ 1.000 – 1.500 USD/tháng, cao gấp đôi so với lao động phổ thông ngành xây dựng nhưng tìm thợ hàn “đỏ con mắt” cũng không đủ để cung ứng.
Ở thị trường Úc, hiện có gần chục DN được phép cung ứng thợ hàn. Nhưng kết quả đạt được rất đáng tiếc: Từ năm 2006 đến nay, chỉ tuyển được khoảng 70 thợ hàn, trong đó chừng 20 người đã xuất cảnh. 
Có một điều đáng suy ngẫm là tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa đào tạo, cung ứng và nhu cầu thị trường. Điển hình như ở ngành cơ khí, đặc biệt lĩnh vực hàn, phần đông những người tốt nghiệp trường nghề không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các DN.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, thợ hàn mà các nhà tuyển dụng nước ngoài cần là thợ hàn công nghệ cao, được đánh giá theo tiêu chuẩn nghề quốc tế, như thợ hàn TIG, MIG, 3G, 4G… và cao nhất là 6G. Trong khi đó, một học sinh tốt nghiệp trường nghề chỉ có thể biết hàn… gió đá, hàn que, hàn điện bình thường. Còn ở các nước Trung Đông, đơn đặt hàng thường là thợ hàn 3G, 4G trở lên. Song, có tình trạng “tréo ngoe” là thợ hàn có trình độ này thì không muốn đi; còn số muốn đi thì không đáp ứng yêu cầu. 
Một vấn đề đáng lưu ý khác là bằng cấp nghề của VN gần như chỉ mang tính tham khảo đối với các DN nước ngoài muốn tuyển dụng. Bằng tốt nghiệp của VN được cấp theo hệ, trong khi ở nước ngoài được cụ thể bằng chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn của từng loại nghề, chẳng hạn như chứng chỉ thợ hàn MIG, TIG… Khi xem xét tuyển dụng, vì thiếu chứng chỉ nghề theo từng loại tiêu chuẩn nêu trên nên đối tác thường bỏ qua hồ sơ. Ông Phạm Anh Thắng cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc đào tạo dàn trải theo chương trình khung mà ít đầu tư đào tạo nâng cao chuyên môn theo nhu cầu thực tiễn.

ÔNG PHẠM NGỌC MINH, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY LASEC:

Ít trường chịu đầu tư công nghệ

Hầu hết thợ hàn mà doanh nghiệp tìm được là  tu nghiệp sinh ở Nhật Bản trở về hoặc một số người đã từng làm việc ở các hãng sản xuất xe hơi, dầu khí như Mercedes-Benz, Vietsovpetro… Trong khi đó, chất lượng chuyên môn của học sinh tốt nghiệp trường nghề chưa đáp ứng. Rất ít trường nghề đầu tư trang thiết bị công nghệ cao để đào tạo thợ hàn nói riêng, các ngành nghề khác nói chung theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thế nào là thợ hàn 6G?

Theo phân tích của một số chuyên gia, ngoài hai phương pháp hàn phổ thông là hàn điện và hàn gas (CO2), các phương pháp hàn hiện đại chủ yếu sử dụng thiết bị kiểm soát hàn tự động như MIG, TIG, Max… Các tiêu chuẩn định vị thợ hàn hiện nay áp dụng tương ứng theo từng loại thiết bị nói trên, chẳng hạn như thợ hàn MIG, TIG hoặc theo tiêu chuẩn quy ước quốc tế  như thợ hàn 3G, 4G, 6G – tương ứng với từng loại tư thế hàn. Thợ hàn 6G  – sử dụng thuần thục 6 tư thế hàn được xem là loại thợ hàn bậc cao nhất, thường được sử dụng  ở các lĩnh vực hàn phức tạp như hàn ống dẫn dầu, khí, thân tàu. Trong khi đó, loại thợ hàn 3G hay 4G sử dụng ở cấp chuyên môn thấp hơn như hàn khung thép tiền chế, ô tô, cầu đường…
Trong xu hướng  tuyển dụng hiện nay, ở lĩnh vực hàn công nghệ cao, các tiêu chuẩn tuyển dụng thợ hàn thường đòi hỏi người có bằng nghề 3/7, tối thiểu phải biết sử dụng các phương pháp hàn TIG, MIG. Các thiết bị này không còn xa lạ trong ngành hàn, nhưng  vì nó khá đắt tiền (một thiết bị vài trăm triệu đồng), trong khi ít người học nên phần lớn các trường nghề không đầu tư hoặc đầu tư không nhiều.

D.Q

NGUYỄN DUY (NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)