Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Bằng thạc sĩ nhiều khó tìm việc, giới trẻ quay lưng với cao học

Tạp Chí Giáo Dục

Học thạc sĩ từng là xu hướng của giới trẻ Trung Quốc vì không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, gần đây họ nhận ra giá trị của tấm bằng không được đánh giá cao, nên đã quay lưng với xu hướng này.

Giới trẻ chuyển xu hướng thi công chức 

Mindy Li là sinh viên năm 2 tại một trường đại học ở Sơn Đông (Trung Quốc). Bất chấp sự thúc giục của gia đình, nữ sinh từ bỏ ý định tốt nghiệp xong học lên thạc sĩ. Mindy cho biết học thạc sĩ không có lợi ở hiện tại.

Nhận thức được chuyên ngành Văn học Trung Quốc đang theo đuổi ít có cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp. Nữ sinh suy nghĩ sẽ thi công chức sau tốt nghiệp: "Hiện nay, quá nhiều người có bằng thạc sĩ, nên giá trị không còn như trước. Mất 2-3 năm nữa học, tốt nghiệp xong không tìm được việc, lúc đó tôi vẫn phải thi công chức". 

Thay vì học lên thạc sĩ, nhiều cử nhân chuẩn bị tốt nghiệp như Mindy đều quay lưng với kỳ thi tuyển sinh sau đại học khắc nghiệt ở Trung Quốc. Vì bằng cấp cao không được coi trọng trong bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước.  

Mỗi năm, hàng triệu cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc lại lao vào thi thạc sĩ với mơ ước đổi đời, tìm được công việc tốt. Tuy nhiên, xu hướng này bị đảo ngược 1 thập kỷ gần đây, hầu hết người trẻ mong muốn tìm việc ở các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo sự ổn định.

Năm 2023, tổng số thí sinh tham dự kỳ thi sau đại học tương đối cao khoảng 4,38 triệu, nhưng đã giảm 7,6% so với năm ngoái. Đổi lại, số lượng thi công chức đạt mức kỷ lục tháng 11 vừa qua, khoảng 2,25 triệu người tranh giành 39.600 vị trí tuyển dụng tại các cơ quan nhà nước. Trung bình tỷ lệ chọi kỳ thi công chức năm 2023 là 1/57. 

Theo Cục Quản lý Dịch vụ Dân sự Quốc gia, những vị trí này được coi là 'bát cơm sắt'. Mặc dù lương thấp nhưng quyền lợi của họ được đảm bảo. Bối cảnh hiện nay, cứ 5 người trong độ tuổi từ 16-24 ở Trung Quốc lại có 1 người thất nghiệp. 

Sự mất giá của bằng thạc sĩ

Ông Trần Chí Văn – Nhà nghiên cứu Giáo dục, thành viên Hiệp hội Chiến lược Phát triển Giáo dục Trung Quốc, cho biết, số lượng thí sinh tham gia thi sau đại học ở Trung Quốc giảm đáng kể: "Giới trẻ lý trí hơn vì nhận ra sau khi có bằng thạc sĩ vẫn không có công việc ổn định".

Liên quan đến vấn đề nhiều người có bằng thạc sĩ làm các công việc như quản lý ký túc xá và giám sát việc phân loại rác, ông Văn cho hay, đây là những trường hợp cực đoan đang hạ thấp kỳ vọng bằng cấp.

Rose Ni là cử nhân Luật tốt nghiệp đại học năm 2021, đang làm tại cơ quan chính phủ ở Cám Châu (Giang Tây, Trung Quốc). Công việc chủ yếu của Rose là xử lý các vấn đề pháp lý cơ bản, mong muốn sau này trở thành luật sư.

Điều này, đồng nghĩa với việc Rose phải từ bỏ vị trí hiện tại nhiều người mong muốn để học lên thạc sĩ. "Tôi không lo bị sa thải hay áp lực đạt thành tích. Trong khi các bạn cùng lớp làm việc ở công ty luật nhiều áp lực nhưng không ổn định", Rose nói.

Ông Alfred Ngô – Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định: "Đây là thời điểm khó khăn để giới trẻ bắt đầu sự nghiệp ở Trung Quốc, cơ hội phát triển không như trước".

Thầy Lý Phong (26 tuổi) ở Sơn Đông, cho biết, tham gia kỳ thi công chức 5 lần từ năm 2018-2023: "Tôi ứng tuyển vào vị trí hàng trăm đối thủ cạnh tranh. Việc vượt qua kỳ thi thời điểm này khó khăn hơn trước".

Ông Trữ Chiều Huy – Nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho hay, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm tăng cao, không đồng nghĩa Trung Quốc đang tạo ra nguồn nhân lực nhiều doanh nghiệp cần. 

"Bằng cấp cao chưa đủ, chúng ta đang chứng kiến những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ đi giao đồ ăn kiếm sống và nhiều công việc chân tay. Điều này cho thấy tình trạng không phù hợp giữa đầu ra của hệ thống giáo dục và những gì thị trường cần", ông Huy nhấn mạnh.

Theo Thắm Nguyễn/ Vietnamnet (Nguồn SCMP)

 

Bình luận (0)