Trong vòng một năm rưỡi, nhóm người bí ẩn này đã tống tiền các công ty sản xuất kẹo lớn nhất Nhật Bản. Chúng chất lên giá các siêu thị các loại sô cô la và kẹo nhiễm xyanua. Chúng viết thư khoe khoang về chiến tích và nội dung thư được đăng trên hầu hết báo chí Nhật Bản. Chúng tự gọi chúng là “người bí ẩn có 21 khuôn mặt”.
Ngày 18/3/1984, ông Katsuhisa Ezaki trở về nhà sau một ngày dài ở văn phòng, cởi quần áo và ngâm mình trong bồn nước ấm. Ông Ezaki sắp làm chủ tịch tập đoàn Ezaki Glico ở Osaka trị giá nhiều tỷ USD được hai năm. Công ty bán đủ các loại từ kem tới thịt hamburger, nhưng mặt hàng nổi tiếng nhất là bánh kẹo: bánh pudding Pucchin, sô cô la Pocky, caramel Glico…
Cảnh sát kiểm tra sản phẩm của Công ty Ezaki Glico ở một siêu thị tại Osaka tháng 12/1984.
|
Ông Ezaki mới ngâm mình được vài phút thì nghe thấy tiếng ồn ào đâu đó trong nhà. Đột nhiên, hai người đàn ông trùm mặt, mang vũ khí ập vào phòng tắm và lôi ông ra ngoài bồn. Ông Ezaki kêu cứu nhưng mấy gã đàn ông đã đi trước ông vài bước. Chúng đã trói vợ và con gái ông Ezaki, cắt đường dây điện thoại. Chúng thậm chí còn đột nhập vào nhà bên cạnh, nơi mẹ ông Ezaki sống và trói gô bà lại. Chúng lôi ông Ezaki ra ngoài, đưa áo khoác và mũ lưỡi trai cho ông rồi lái xe đưa ông tới một nhà kho biệt lập.
Ngày hôm sau, khi cảnh sát tìm kiếm tung tích của ông Ezaki và những người bắt giữ ông thì họ tìm thấy một mẩu tin nhắn đòi tiền chuộc trong buồng điện thoại gần đó. Bọn chúng đòi 4,3 triệu USD và gần 100 kg vàng miếng. Các thám tử bắt đầu lần theo dấu vết. Sau hai ngày bị bắt giữ, ông Ezaki đã trốn thoát khỏi nhà kho. Mọi người đều hi vọng rằng thủ phạm sẽ bị bắt và mọi chuyện sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu.
Hai tuần sau, các tòa soạn báo khắp Nhật Bản nhận được bản sao một bức thư lạ lùng có nội dung như sau: “Gửi lũ cảnh sát ngu xuẩn. Các người là lũ ngu ngốc à? Nếu các người chuyên nghiệp, các người sẽ bắt được chúng ta. Vì các người thiểu năng nên chúng ta sẽ cho các người vài gợi ý”.
Sau đó, bức thư tiếp tục trình bày chi tiết hơn về vụ bắt cóc ông Ezaki. Ví dụ như chiếc xe chúng dùng để chở ông Ezaki đi có màu xám, chúng mua đồ ăn trong siêu thị Daiei – một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất Nhật Bản. Nhóm tội phạm còn mỉa mai: “Chúng tôi có cần bắt cóc cả trưởng cảnh sát tỉnh không nhỉ?” Ký tên dưới bức thư là “kaijin nijuichi mens” – nghĩa là “người bí ẩn có 21 khuôn mặt”.
Các tờ báo đều đăng bức thư. Vài tháng tiếp theo, họ tiếp tục đăng những gì mà nhóm “người bí ẩn có 21 khuôn mặt” gửi. Bọn chúng gửi hàng chục bức thư đầy lời lẽ bông đùa, chế nhạo cùng nhiều manh mối vô thưởng vô phạt. Một số bức thư phần lớn chỉ nhằm mục đích trêu tức cảnh sát. Một số lại tiết lộ thêm các vụ chúng sẽ thực hiện trong tương lai. Trong một bức thư gửi giữa tháng 5/1984, nhóm này tuyên bố chúng đã trộn thêm xyanua vào vài gói kẹo của công ty Ezaki Glico nhưng không nói rõ là loại nào.
Một bảng quảng cáo sản phẩm của Glico ở Osaka.
|
Ngay lập tức, công ty đã phải thu hồi toàn bộ sản phẩm kẹo. Dù kết quả xét nghiệm đều cho thấy không có xyanua trong kẹo nhưng điều đó cũng không thể cứu nổi danh tiếng công ty. Người dân Nhật Bản vì quá sợ hãi đã tẩy chay kẹo Glico. Thời điểm đó, mỗi khi tặng cho ai một gói quà là bánh kẹo, người tặng phải trấn an người nhận rằng đó là kẹo của công ty khác sản xuất. Giá trị tài sản của công ty Ezaki Glico đã bị sụt giảm mạnh mẽ và công ty đã phải sa thải 1.000 công nhân.
Khi uy tín của Ezaki Glico chìm nghỉm, nhóm “người bí ẩn có 21 khuôn mặt” ngày càng trở nên khét tiếng. Nhà nhân loại học Marilyn Ivy giải thích trong bài viết “Lần theo dấu người bí ẩn với 21 khuôn mặt” rằng nhóm tội phạm này đặt tên nhóm theo một tên trộm biến hình khét tiếng trong cuốn tiểu tuyết trinh thám của Edogawa Rampo. Biệt danh của tên trộm này là “người bí ẩn với 20 khuôn mặt”. Trong cuốn tiểu thuyết, ở mọi ngóc ngách và mọi ngôi nhà, người ta lúc nào cũng bàn tán về người đàn ông bí ẩn có 20 khuôn mặt như thể là nói chuyện về thời tiết.
Băng nhóm ngoài đời thật cũng thu hút sự chú ý của dư luận Nhật Bản, cho dù nhóm này không hề bị bắt. Chúng thường đòi một khoản tiền lớn nhưng lại không xuất hiện để lấy tiền. Không có bằng chứng nào cho thấy chúng đã nhận bất kỳ khoản tiền nào. Có lần, chúng hướng dẫn nhân viên Công ty Ezaki Glico đến một bốt điện thoại cụ thể vào một thời gian cụ thể để chờ tin nhắn. Tuy nhiên, khi cảnh sát trá hình xuất hiện, họ không nhận được cuộc gọi nào.
Ngày hôm sau, chúng viết thư: “Các người nghĩ các người có thể lừa chúng tôi khi mặc bộ quần áo rồi đóng giả như công nhân. Tuy nhiên, mắt các người đảo liên tục đã làm lộ chân tướng”. Tờ báo Yomiuri Shimbun viết trong một bài xã luận: “Chúng tôi không biết có một vụ nào mà tội phạm lại biến cảnh sát thành lũ ngốc như vậy”.
Thùy Dương/ Tin tức
Bình luận (0)