Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bằng tốt nghiệp chỉ là “tấm vé” vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 22-2, chương trình tư vấn kỹ năng “Chìa khóa thành công” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường CĐ Quốc tế Kent tổ chức đã diễn ra tại hai trường: THPT Marie Curie và THPT Hàn Thuyên.

Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) nêu những nét mới dự kiến áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia 2016

Từ sáng sớm, học sinh hai trường đã ngồi ngay ngắn trong sân trường chờ đón các thành viên Ban tư vấn.

Nhiều lối để vào đời…

Mở đầu chương trình, TS. Lê Thị Linh Trang (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) đề cập một hình ảnh gần gũi, quen thuộc là con đường mỗi ngày các học sinh đến lớp. TS. Linh Trang cho rằng có nhiều lối đi, nhưng hầu hết các lối đều dẫn học sinh tới được trường. Tương tự vậy, cũng có vô vàn cách dẫn các em vào đời. Điều quan trọng là học sinh cần biết xác định mục tiêu cụ thể ngay từ đầu để không bị… lạc hướng. Cũng theo bà Linh Trang, để đạt được mục tiêu, ngoài kiến thức, người học còn cần trang bị tốt kỹ năng, ngoại ngữ, tạo dựng được các mối quan hệ tốt, có sức khỏe và sự hài lòng.

Ông Nguyễn Quốc Cường thông tin: Dự kiến năm 2016, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 1 đến 4-7, đồng thời vẫn tổ chức thành các cụm thi. Điều này đồng nghĩa thí sinh vẫn thi ở nhiều địa điểm khác nhau, vì vậy các em cần xác định việc di chuyển nhiều địa điểm. Khâu xét tuyển cũng diễn ra sau khi thi. Với phương án xét kết quả thi THPT quốc gia, ở đợt 1, mỗi thí sinh có thể nộp 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Tuy nhiên, các em không được phép rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. Nếu không trúng tuyển đợt 1, ở đợt bổ sung thí sinh sẽ được nộp 3 trường, mỗi trường 2 ngành…

Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Kim Ngân (Trưởng khoa Quản trị kinh doanh và Marketing Trường CĐ Quốc tế Kent) nhận định, bằng tốt nghiệp mới chỉ là “tấm vé” để bạn trẻ vào đời, để có được vị trí công việc như mong muốn, thành công hoặc khẳng định được bản thân, người trẻ phải có thêm nhiều trải nghiệm, kỹ năng khác.

ThS. Kim Ngân còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trau dồi ngoại ngữ. Bà cho rằng, theo học chương trình quốc tế hay trong nước, nếu trang bị tốt ngoại ngữ đều đem lại lợi thế rất lớn cho người học. Bà Kim Ngân đơn cử, khi phỏng vấn tuyển dụng, nhà tuyển dụng thường đưa tình huống để ứng viên (dùng ngoại ngữ) xử lý. Khi đó, ứng viên nào thạo ngoại ngữ và kỹ năng sẽ tự tin nắm cơ hội thể hiện bản thân thay vì… đùn đẩy cho người khác, nhanh chóng ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Bà Kim Ngân chia sẻ thêm, học chương trình quốc tế, trong đó có các chương trình của Trường CĐ Quốc tế Kent, người học sẽ được xây dựng nền tảng ngoại ngữ vững để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Trường tổ chức buổi học theo mô hình một công ty, doanh nghiệp, người học được dạy cách xử lý các tình huống trong môi trường làm việc, mỗi một ngày học như một ngày làm trong doanh nghiệp.

Ưu tư chuyện làm trái ngành

Em Hoàng Diệu Vũ (học lớp 12A3 Trường THPT Marie Curie) đặt câu hỏi: “Khi học ĐH-CĐ ra làm trái ngành thì bản thân người học có gặp khó khăn gì không?”. Đây cũng là băn khoăn của nhiều học sinh khác. Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện các trường ĐH-CĐ trên cả nước đào tạo hàng trăm ngành khác nhau phục vụ cho khối lượng lớn công việc. Một ngành học, người học có thể làm được nhiều mảng công việc khác nhau. Do vậy việc học ngành này ra phục vụ vị trí công việc khác cũng không phải hiếm. Chẳng hạn, sinh viên học điện tử ra trường vẫn vận dụng được chuyên môn bán hàng cho siêu thị điện máy. Điều quan trọng, mỗi người cần biết dựa vào các khả năng, thế mạnh riêng của bản thân để tìm hiểu, tìm kiếm lĩnh vực việc làm phù hợp.

TS. Nguyễn Hà Bằng (Giám đốc khu vực miền Nam Công ty Tài chính GVL Việt Nam) nhắn nhủ thêm học sinh 4 điều để có thể sống tốt và làm việc hay, đó là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ. Theo ông Hà Bằng, trình độ chuyên môn là điều bất kỳ trường ĐH nào cũng sẽ trang bị cho người học. Riêng các yếu tố kỹ năng, ngoại ngữ đòi hỏi người học phải hết sức chủ động để tích lũy. Bên cạnh đó, thái độ sống, làm việc cũng cực kỳ quan trọng. Ông Hà Bằng ví von: “Con voi lớn được cột bằng sợi dây rất nhỏ, nhưng voi không bứt dây để được… tự do. Có lẽ bởi con voi được rèn thói quen, ý thức ngay từ nhỏ. Chúng ta cũng vậy, nếu rèn thái độ sống, học tập và làm việc tốt, người học không chỉ nắm bắt được cơ hội việc làm trong nước mà còn đủ bản lĩnh tràn ra nước ngoài để làm việc”.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Em Hoàng Diệu Vũ (học lớp 12A3 Trường THPT Marie Curie) đặt câu hỏi: “Khi học ĐH-CĐ ra làm trái ngành thì bản thân người học có gặp khó khăn gì không?”

Câu hỏi tuyển sinh

Em nghe nói Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM đào tạo theo chương trình quốc tế. Vậy em không giỏi tiếng Anh có thể theo học được không?

Nguyễn Hoài Hương (lớp 12A1 Trường THPT Lương Văn Can)

– Ông Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) trả lời: Hiện tại trường chúng tôi  đang đào tạo theo chương trình chuẩn quốc tế nên tiếng Anh là ngôn ngữ chính được sử dụng. Trúng tuyển vào trường, thí sinh sẽ được kiểm tra tiếng Anh đầu vào miễn phí. Nếu đạt yêu cầu, các em sẽ vào học chính thức, còn chưa đạt thì các em sẽ được nhà trường tổ chức các lớp học tiếng Anh dự bị miễn phí. Vì vậy những thí sinh có vốn tiếng Anh chưa tốt cứ yên tâm chọn ngành mà mình yêu thích.

Năm 2016, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có xét tuyển bậc CĐ không? Phương án xét tuyển có gì thay đổi? Trường có chế độ chính sách nào dành cho nữ học ngành kỹ thuật?

Đỗ Thắng (lớp 12A6 Trường THPT Lương Văn Can)

– Ông Trần Thanh Dũng (Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) trả lời: Năm 2016, trường chúng tôi không đào tạo bậc CĐ nữa, nếu không đủ điểm trúng tuyển vào ĐH thì em nên chọn trường CĐ hoặc trường ĐH khác có đào tạo bậc CĐ. Năm 2016, trường chỉ có một phương án xét tuyển duy nhất là lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Những thí sinh nữ trúng tuyển vào ngành kỹ thuật của trường sẽ được giảm 50% học phí. Ngoài ra, năm nay trường có 400 chỉ tiêu sư phạm kỹ thuật, ngành này sinh viên được miễn 100% học phí.

Minh Châu (ghi)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)