Tòa soạnThư đi – tin lại

Bảng tương tác trong trường học có cần thiết?

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học với bảng tương tác tại Trường TH Lê Văn Sĩ (Q.Tân Bình). Ảnh: N.Trinh

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục (GD) nước nhà là một yêu cầu cấp thiết, mục tiêu sống còn đối với sự nghiệp “trồng người”. Để thực hiện mục tiêu to lớn này, đòi hỏi nhiều giải pháp tổng hợp: Từ đổi mới sách giáo khoa (SGK), đội ngũ GV đến áp dụng CNTT, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp và cải thiện CSVC, trang thiết bị trường học…
Do đó, đổi mới trang thiết bị trường học theo hướng hiện đại hóa – cụ thể là đầu tư màn hình đa chức năng (hay còn gọi là bảng tương tác) và lớp học tương tác mang lại hiệu quả dạy –  học như thế nào, nhất là môn ngoại ngữ? Đồng thời chúng ta cùng chia sẻ những băn khoăn của dư luận xã hội khi đặt vấn đề: Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc đầu tư những thiết bị hiện đại cho HS ở bậc tiểu học (TH) và mầm non (MN) có cần thiết hay không? Đấy chính là lý do mà Sở GD-ĐT TP.HCM phối kết hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi hội thảo “Đổi mới trang thiết bị trường học – Những vấn đề đặt ra” vào ngày 12-11.
Chưa khai thác hết tính năng
Bà Phạm Thị Thùy Trang, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.2 cho biết: “Sau khi được sự đồng thuận của lãnh đạo quận và sự hứng khởi của các trường trong việc đưa thiết bị hiện đại là bảng tương tác thông minh vào hoạt động, chúng tôi rất mừng và đã triển khai xuống 20 trường của quận (MN 12 trường, còn một trường vừa được xây mới, HS ít nên chưa trang bị và 8 trường TH). Với chủ trương 50% ngân sách và 50% kêu gọi xã hội hóa, phụ huynh đóng góp nên bình quân mỗi HS trên địa bàn quận phải đóng là 15 ngàn đồng/tháng.  Qua triển khai, HS rất hứng thú trong những tiết học với bảng tương tác, tuy nhiên do trình độ CNTT của cán bộ quản lý và GVMN còn hạn chế nên chưa sử dụng được nhiều tính năng của bảng tương tác. Một số phụ huynh điều kiện kinh tế khó khăn nên xin miễn giảm khoản đóng góp này cũng là trở ngại không nhỏ của Q.2 vì khó có khoản khác bù đắp qua”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nguyện – Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh chia sẻ: “Huyện rất ủng hộ chủ trương đúng đắn, kịp thời của TP nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho công việc dạy – học bằng các trang thiết bị hiện đại. Nếu không có chủ trương này và các quận, huyện cứ “ngồi đợi” đến khi nào có đủ 100% kinh phí mới đầu tư, HS và GV sẽ bị tụt hậu. Hiện nay trên địa bàn huyện có 29 đơn vị được đầu tư 49 bảng tương tác thông minh nhưng mới chỉ triển khai được 26 bảng. Tuy nhiên, CSVC của một số trường còn gặp khó khăn và đây là chủ trương mới nên huyện cũng rất thận trọng trong việc áp dụng”.
Thuận lợi hơn khi Q.1 cách đây gần 10 năm đã thực hiện việc áp dụng CNTT và đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào dạy học nên cán bộ quản lý, GV trên địa bàn Q.1 về tin học cơ bản rất tốt. Ba năm trở lại đây, sau khi bảng tương tác ra đời, Q.1 đã thực hiện trang bị bảng tương tác cho một số trường như TH Nguyễn Bỉnh Khiêm; Lê Ngọc Hân; Trần Hưng Đạo… Đặc biệt, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là đơn vị đi đầu của Q.1 và TP.HCM, hiện tại trường đã có 7 bảng. “Vấn đề ở chỗ, khi triển khai dự án này, kế hoạch ban đầu TP sẽ cấp 100% kinh phí, chúng tôi rất mừng nhưng bây giờ còn lại 50% nên gặp nhiều khó khăn với việc kêu gọi phụ huynh đóng góp. Bên cạnh đó, hiện tại Q.1 có ba trường MN có một đến hai điểm lẻ, việc đầu tư cho các điểm lẻ này gặp nhiều khó khăn do mức thu từ 10-15 ngàn đồng/HS/tháng, vậy trong hai năm khó thu hồi được vốn (nhiều trường có số HS 5 tuổi ít, thu không đủ chi”, thầy Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 nói.
Sử dụng sao cho hiệu quả
UBND TP.HCM dự kiến trang bị 994 bảng tương tác cho các trường MN, TH trong năm học 2013-2014. Tuy nhiên, khi tính lại dựa trên nhu cầu thực tế là 860 bảng. Tính đến ngày 22-10-2013 các trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp để nhận 578 bảng. Nhằm tránh những “khuất tất” trong việc mua sắm, UBND TP đã chỉ đạo ngành GD-ĐT chọn một quận để tổ chức đấu thầu công khai và Sở GD-ĐT TP đã chọn Q.5 thực hiện thí điểm đấu thầu mua sắm thiết bị nêu trên. Trên cơ sở kết quả đấu thầu này, các quận huyện còn lại thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp cho các trường trực thuộc quận huyện quản lý; trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán kinh phí mua sắm cho nhà cung cấp. Vấn đề này đã được làm việc kỹ với Sở Tài chính, phòng tài chính – kế hoạch các quận huyện để trình UBND TP. Cô Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được TP và Sở GD-ĐT tin tưởng để làm thí điểm đấu thầu, khi thông báo chúng tôi nhận được hồ sơ đăng kí của 5 công ty xin tham gia đấu thầu, sau đó Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty Tiến bộ) trúng thầu vì đáp ứng được các yêu cầu từ trang thiết bị, giá thành, công tác tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, GV… Trong quá trình sử dụng, cũng có một số GV gặp khó khăn vì chưa hiểu hết được các chức năng của bảng”. Cô Lê Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm là trường đi đầu của TP trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học nhưng phía nhà cung cấp (Công ty Tiến bộ) cần phải có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn thường kì cho 100% cán bộ quản lý, GV liên tục và lâu dài, và phải có sự cam kết với nhà trường. Vì nhà trường không phải xin nhà đầu tư!”.
Đại diện Phòng Giáo dục TH và MN của sở cũng yêu cầu: Công ty cung cấp phải tập huấn liên tục và phải phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn của sở để thiết kế phần mềm, đặc biệt nhà đầu tư cần biết GV, HS cần những tính năng gì của bảng, hai bậc học MN, TH có nội dung giảng dạy khác nhau. Tránh tình trạng sử dụng bảng mang tính hình thức!
Mong muốn xã hội chia sẻ chủ trương chung
Ông Nguyễn Đình Thái Châu – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở GD-ĐT cho biết: UBND TP chấp nhận và ban hành kế hoạch thực hiện hai dự án trên nhằm giúp CSVC trường lớp của toàn TP được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Vì vậy mà hàng năm toàn TP có gần 2.000 phòng học được đưa vào sử dụng để không chỉ đáp ứng chỗ học cho HS có hộ khẩu TP mà trên 230.000 HS không có hộ khẩu TP cũng có chỗ học. Đồng bộ với việc đầu tư CSVC, TP cũng chấp thuận dành 2.200 tỷ đồng để bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhằm đạt chuẩn cho GV. Riêng việc đầu tư bảng tương tác, chúng ta cần biết rõ: Đầu tư thiết bị này TP đã chấp thuận chi 740 tỷ đồng (từ năm 2011-2015) để mua sắm, không chỉ có bảng tương tác riêng mà kèm theo bảng là các trang thiết bị khác. “Đây là chủ trương chung của UBND TP về việc trang bị thiết bị hiện đại cho ngành GD-ĐT để phục vụ đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS TP” và “Phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi”. Đây là một chủ trương thể hiện sự quan tâm đặc biệt của TP đối với sự phát triển của ngành GD-ĐT”, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh. Ông Nam kết luận: “Về việc có cần thiết hay không, tôi cho rằng khi có phương tiện hiện đại kết hợp với các phương pháp dạy học trước đây thì sẽ tăng thêm hiệu quả cho giáo dục. Thực tế thời gian qua các trường MN đã thực hiện các chương trình tin học ứng dụng trên máy tính, giúp trẻ làm quen với CNTT thông qua các trò chơi. Dù giai đoạn 1 thí điểm tại hai bậc MN và TH có những thuận lợi – khó khăn khác nhau nhưng đây là một chủ trương đúng đắn của TP. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai mô hình này từ lâu. Do đó, khi TP triển khai mô hình này sẽ có những khó khăn bước đầu, có những luồng quan điểm ngược lại. Tôi cũng đề nghị nhà đầu tư (Công ty Tiến bộ) phải xây dựng kế hoạch xuyên suốt trong năm học để bồi dưỡng, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, GV của những trường thực hiện thí điểm và sau này là tất cả GV sao cho các thầy cô đều sử dụng bảng một cách linh hoạt, sáng tạo và hiểu rõ mọi chức năng của bảng. Riêng việc thực hiện dự án này tại huyện Cần Giờ phụ huynh được miễn 100% tiền đóng góp, những trường khó khăn, HS có hoàn cảnh sở sẽ kiến nghị TP đầu tư 100% và miễn giảm các khoản đóng góp”.
Sở GD-ĐT cũng mong các bậc phụ huynh hãy chia sẻ với ngành, có nhận thức đầy đủ về việc cho trẻ có cơ hội tiếp cận với các phương tiện thiết bị hiện đại.
Lê Quang Huy

Bình luận (0)