Cô Diễm Trang – Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi dạy tiếng Anh với bảng tương tác
|
Một vài năm trở lại đây, một số trường học trên địa bàn TP.HCM đã thay bảng đen phấn trắng bằng bảng tương tác thông minh. Theo đó, mỗi tiết học đều tạo được hứng khởi cho các em học sinh. Chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng cao…
Học mà chơi
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 có 6 bảng tương tác thông minh. Trong đó, 4 bảng do phụ huynh các lớp (khối 1-2 lớp, khối 2-1 lớp và khối 3-1 lớp) trang bị cho con em mình. Đây đều là các lớp học chương trình Cambridge, 2 bảng còn lại do nhà trường mua từ ngân sách. Học sinh không chỉ học tiếng Anh với bảng tương tác thông minh mà các em học tất cả các môn học.
“Với nhiều tính năng nên bảng tương tác đã hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong hoạt động giảng dạy. Qua đó, tạo niềm vui trong học tập của các em học sinh. Chẳng hạn như học về một bức tranh, trong bức tranh có cây cối và dòng sông. Trên dòng sông có một con thuyền, nhưng giáo viên làm ẩn con thuyền. Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh hãy tìm con thuyền. Học sinh sẽ dùng kính lúp ở trên bảng tương tác và dò tìm con thuyền…”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết.
Thật vậy. Dạy và học trên bảng tương tác rất thú vị, không chỉ thú vị đối với học sinh mà giáo viên cũng rất “mê”.
Cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 kể lại: “Trước đây chưa có bảng tương tác, mỗi khi giảng bài, ngoài cuốn sách giáo khoa, “đồ nghề” của giáo viên còn có thêm một bộ tranh khổ A4 ép plastic, ti vi, một bộ thẻ từ (từ ngữ – PV)… Nếu học về con vật, giáo viên giơ hình con vật và thẻ từ tương xứng với tên con vật đó lên cho học sinh nhìn. Sau đó, bật ti vi để học sinh nhìn thấy con vật di chuyển. Song, nay có bảng tương tác, giáo viên không chỉ đưa hình ảnh con vật sống động lên màn hình để học sinh theo dõi mà còn có cả âm thanh nữa. Giáo viên không cần phải cầm thẻ từ giơ lên nữa. Học về các chữ, trên bảng tương tác có một dãy chữ, kế bên là một dãy hình. Học sinh lấy tay rê chữ vào hình sao cho khớp. Học sinh làm đúng sẽ được nghe lời khen ngợi, tiếng vỗ tay (do giáo viên chèn vào – PV)…”.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 3 bảng tương tác thông minh được gắn tại 3 phòng chức năng. Chủ yếu là dành cho học tiếng Anh, tất nhiên những môn học khác cũng có thể học tại các phòng này nếu giáo viên có nhu cầu sử dụng bảng tương tác…
“Học chay” sẽ không thể học tốt
“Muốn học tốt môn tiếng Anh, học sinh phải được học trong điều kiện tốt. Nếu chỉ “học chay” thì không thể phát triển được”, cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 chia sẻ.
Xuất phát từ suy nghĩ này, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã phối hợp với phụ huynh đầu tư 3 phòng chức năng. Trong đó, mỗi phòng đều được trang bị bảng tương tác, máy chiếu… Những thiết bị tốt nhất để học sinh dễ dàng tiếp thu bài. 3 phòng chức năng này chủ yếu dành cho 8 lớp, trong đó có 3 lớp 1, 3 lớp 2 và 2 lớp 3 – Đây đều là các lớp tăng cường tiếng Anh. Mỗi khi đến giờ học tiếng, học sinh của những lớp nói trên di chuyển vào phòng chức năng để học.
Dẫn tôi đi tham quan các phòng chức năng, cô Diễm Trang khoe: “Mỗi phòng đều được trang trí thật gần gũi với môi trường tiếng Anh, tất cả các chữ trong phòng đều là tiếng Anh. Với môi trường này, học sinh rất dễ thuộc bài và cũng nhớ bài lâu hơn”.
Ngoài học tiếng Anh, thỉnh thoảng các phòng chức năng cũng được sử dụng để học những môn khác. Theo cô Thúy Hà – Hiệu trưởng nhà trường thì: “100% giáo viên của trường biết lên tiết dạy trên bảng tương tác, biết soạn giáo án điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã phần nào nâng cao tay nghề của giáo viên”.
Ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy. Tất cả các giáo viên đều biết sử dụng thuần thục bảng tương tác và soạn giáo án điện tử. Những tiết học với bảng tương tác đều tạo được hứng thú học tập cho học sinh.
Bài, ảnh: Anh Kim
Ngoài hai trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Trỗi, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có một số trường bằng nguồn vốn ngân sách, xã hội hóa đã đưa bảng tương tác vào lớp học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học… |
Bình luận (0)