Cá là nguồn cung cấp protein lớn nhất trong chế độ ăn uống ở Bangladesh, vì vậy cần nâng cao nhận thức để bảo tồn thủy hải sản nước này (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Trường ĐH Stirling (Anh quốc) hiện đang giữ vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh giáo dục và giám sát các nghiên cứu thuộc ngành nuôi trồng thủy sản tại Bangladesh.
Trường ĐH Stirling đã theo đuổi các dự án tại Bangladesh trong hơn 30 năm qua. Tiến sĩ Andy Shinn là vị khách thường xuyên viếng thăm đất nước này, ông giảng dạy và giám sát các nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản. Cho đến nay, cá là nguồn cung cấp protein lớn nhất trong chế độ ăn uống và nhu cầu ngày càng tăng đã gây áp lực lên hệ thống thủy sản của cả nước. Nhận ra điều này, tiến sĩ Shinn đã thấy trước được sự cần thiết giúp một lượng lớn dân số mù chữ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn các loại thủy hải sản địa phương. Ông giải thích: “Chúng tôi biết được hiệu quả của việc giáo dục và bảo tồn để có thể bảo vệ các giống loài bị đe dọa cũng như tạo được một sự bền vững lâu dài. Vì thế chúng tôi thấy một nhu cầu cấp bách là mọi người hiểu và thấy được giá trị của lịch sử tự nhiên tại Bangladesh. Bên cạnh đó, cá luôn quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân và thật quá rõ ràng để xây dựng một ý tưởng hoàn chỉnh về môi trường thủy hải sản”.
Cùng làm việc với ông là giáo sư Mostafa Ali Reza Hossain đến từ ĐH Thủy sản Bangladesh (BAU), họ mong muốn Trung tâm Giáo dục tại Mymensingh mang đến cho mọi người ở các lứa tuổi cơ hội tiếp cận tri thức mà không phải tốn một khoản phí nào cả. “Chúng tôi được BAU xây tặng một ngôi nhà. Ở đây, chúng tôi nâng cấp lại và tiến hành triển lãm tại 5 căn phòng” – ông chia sẻ.
Viện bảo tàng về cá và Trung tâm đa dạng hóa sinh học đã được mở cửa cho mọi người tham quan. Vào ngày khai trương, có rất nhiều cơ quan báo chí đến tham dự và một đoạn phim tài liệu về bảo tàng cũng được phát sóng trên truyền hình cả nước. Với vai trò là giám đốc nước ngoài của viện bảo tàng tự nhiên đầu tiên ở Bangladesh, tiến sĩ Shinn cũng dành tất cả thời gian của mình cố gắng giúp đỡ các viện bảo tàng khác trên thế giới. Ông đang thương lượng với chính phủ các nước về việc thực hiện một bộ sưu tập các loài động vật châu Phi. Động thái này có thể mang đến một sự đóng góp quan trọng. Ông cũng tiếp nhận rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và họ hiện đang là nhân viên của BAU.
Nhận ra rằng chính sự nghèo khó đã đẩy nhiều trẻ em phải làm việc để giúp đỡ gia đình thay vì đến trường, BAU còn tổ chức các lớp học buổi tối. Diễn ra 5 buổi/ tuần, nhà trường mang đến cho khoảng 60 em học sinh trong độ tuổi từ 4-10 sự giáo dục cơ bản. Các em bắt đầu học từ lúc 20 giờ – 22 giờ mỗi tối sau khi làm việc. Các em này thuộc diện mồ côi hoặc được chăm sóc bởi anh chị và một số khác may mắn còn cha mẹ, nhưng các em có một điểm chung là tất cả đều sống trong một gia đình mà mọi người đều phải làm việc để kiếm sống. Lớp học buổi tối này không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ và hoạt động nhờ vào tiền quyên góp từ các nhân viên và bạn bè của BAU cũng như ĐH Stirling. Họ đã đóng góp và hỗ trợ ngân quỹ thông qua một loạt những hoạt động từ thiện. “Tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã chuyển khoảng 100kg những thiết bị cơ bản dùng trong lớp học như bóng đèn, vì các em thường phải học trong bóng tối. Khi làm việc ở Bangladesh, chắc hẳn phải có trái tim sắt đá mới không thương cảm trước cảnh khó khăn và nghèo khổ mà người dân nơi đây phải chịu đựng”.
Công việc vì cộng đồng của tiến sĩ Shinn ở Bangladesh là một ví dụ nổi bật cho mục tiêu cơ bản của Trường ĐH Stirling. Đó chính là tạo cảm hứng, thử thách, hỗ trợ và thúc đẩy các cá nhân với mong muốn tạo dựng thế giới tốt đẹp hơn. Hệ thống cựu sinh viên được mở rộng đến những nơi thiếu thốn nhất trên thế giới và nhiều dự án của chương trình đảm bảo cho tình hữu nghị và mối liên hệ lâu dài. Viện bảo tàng về cá và Trung tâm đa dạng hóa sinh học cùng với những lớp học ban đêm là những minh họa rõ nét cho điều này.
(theo aquacultureworld.com)
Xuân Chi
Bình luận (0)