Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Bangladesh: Tín hiệu tốt cho việc thống nhất hệ thống giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Chính phủ Bangladesh đã thông qua chính sách giáo dục quốc gia trong một cuộc họp nội các được chủ trì bởi Thủ tướng Sheikh Hasina, qua đó giới thiệu nhiều môn học bắt buộc đối với cấp 1 và cấp 2 cũng như ở các trường Hồi giáo, giáo dục hướng nghiệp với mục đích thiết lập một hệ thống giáo dục thống nhất.
Chính sách này đưa ra mục tiêu là tạo ra cho học sinh cả nước một hệ thống thống nhất bất kể tôn giáo, giới tính, khả năng thể chất, điều kiện kinh tế xã hội hay khu vực địa lý.
Bangladesh thống nhất hệ thống giáo dục bất kể tôn giáo, giới tính, khả năng thể chất… (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – ông Nurul Islam Nahid đã thông báo cho giới báo chí ngay sau cuộc họp nội các rằng các kỳ thi chung để đạt bằng tốt nghiệp cấp 2 (Secondary School Certificate – SSC) sẽ vẫn được tổ chức cho học sinh khi vào lớp 10. Còn ông Abul Kalam Azad – thư ký báo chí của Thủ tướng khi tóm tắt thông tin cho các phóng viên, đã nói: “Một ủy ban sẽ sớm được thành lập để đưa chính sách này vào thực hiện. Người dân sẽ được tiếp cận với các môn học về khoa học, công nghệ thông tin và tôn giáo. Hơn thế nữa, bản thân người giáo viên cũng sẽ nâng cao kiến thức rất nhiều”.
Tờ Daily Star ghi nhận Thủ tướng đã nói với các đồng sự của mình là các vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách này chắc chắn sẽ được giải quyết kịp thời và Quốc hội rất đồng tình với việc tổ chức một chính sách giáo dục thống nhất. Những người đứng đầu cho rằng chính sách này sẽ giúp xây dựng một xã hội Bangladesh hiện đại và làm cho hệ thống giáo dục của đất nước này đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.
Kể từ khi đất nước giành được độc lập, đã từng có 8 hội đồng và ủy ban được thành lập. Tuy nhiên, những kiến nghị của họ chưa được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Ngày 6-4-2009, Chính phủ đứng đầu bởi bà Awami League đã thiết lập một hội đồng gồm 16 thành viên để nghiên cứu lại những bản báo cáo của Ủy ban Giáo dục Shamsul Haque vào năm 1997 và của Qudrat-e-Khuda vào năm 1974. Đứng đầu hội đồng này là giáo sư Kabit Chowdhury đã đệ trình bản dự thảo chính sách lên Bộ Giáo dục vào ngày 2-3-2009. “Những chính sách quốc gia sẽ tạo nên sự thay đổi từ gốc của cả hệ thống giáo dục” – ông Qazi Kholiquzzaman Ahmad, một thành viên trong ủy ban cho biết. Bộ Giáo dục đã công bố bản dự thảo này lên trang web với mong muốn nhận được những phản hồi từ công chúng về các điều khoản của chính sách này.
Mặc dù vậy, bản chính sách này đã vấp phải sự phản đối của các đảng phái và tổ chức chính trị liên quan đến tôn giáo. Do đó, Bộ Giáo dục đã xem xét và có một số thay đổi nhưng vẫn giữ lại những điểm chính cơ bản. Đó là, giáo dục tiểu học sẽ được miễn phí và bắt buộc cho đến lớp 8, những học bổng đặc biệt sẽ được trao dựa trên kết quả năm học lớp 5 của học sinh. Tất cả học sinh sẽ được học về tôn giáo và tín ngưỡng. Ngoài ra, cấp 2 sẽ bắt đầu từ lớp 9 đến lớp 12 cùng một thời khóa biểu thống nhất, phân bố chương trình sẽ phân ra ở mức độ tổng quát với phần dành cho các trường đạo Hồi và trường hướng nghiệp. Các môn học bắt buộc là tiếng Bangla (ngôn ngữ phía đông vùng Indo – Argan), tiếng Anh, Toán, môn học nghiên cứu về Bangladesh, môn Paribesh Parichiti (môn học về sự thay đổi môi trường xã hội và khí hậu), công nghệ thông tin và khoa học. Ở bậc học cao hơn, chính sách này sẽ thay đổi thời gian cho mỗi chứng chỉ/ bằng cấp, cụ thể được kéo dài 4 năm thay vì 3 năm. Ủy ban giáo dục cũng đề nghị rằng Trường Đại học Quốc gia nên thiết lập các trung tâm cho tất cả các ngành. Các trung tâm này sau đó sẽ được chuyển đổi thành trường đại học hoặc cao đẳng. Về công tác giáo dục đạo Hồi, học sinh cấp 1 và cấp 2 bắt buộc học theo một thời khóa biểu và phân bố chương trình mẫu.
“Hệ thống giáo dục hiện nay không trang bị đầy đủ cho học sinh những kiến thức thực tế. Phương thức học tập phụ thuộc quá nhiều vào sách đã lạc hậu và cần phải được cập nhật để đáp ứng những nhu cầu của xã hội hiện đại” – ông Rasheda K. Choudhury, cựu cố vấn Chính phủ và cũng là một nhà giáo dục nổi tiếng cho biết. Theo chính sách này, giáo viên sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về cơ sở vật chất và tăng cường các khóa đào tạo nâng cao kiến thức cũng như từng bước tạo khung cho Bộ luật Giáo dục tích hợp song song với việc hình thành một quy ước về giáo dục mang tính chặt chẽ và cố định.
(Theo thedailystar.net)
Ngọc Trúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)