Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bánh chưng đắt hàng dù giá tăng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Cặp bánh chưng loại 1,8kg chào giá 200.000 đồng, mỗi kg bánh tét cũng lên 55.000-60.000 đồng, đắt hơn năm ngoái 20.000-30.000 đồng, tuy nhiên sức mua ở TP HCM vẫn ở mức cao.
Dịch vụ gói bánh chưng, bánh tét tại TP HCM đã khởi động từ 20 âm lịch và nhộn nhịp hẳn sau 25 tháng chạp. Đến thời điểm này, nhiều nơi nhận đặt đã tăng giá bán 5.000-10.000 đồng mỗi kg bánh chưng so với 3 ngày trước đó.
Giá bánh chưng năm nay đắt hơn năm ngoái 20-30%. Ảnh: B.H.
Nhận đặt bánh từ 3 năm nay, bà Trâm, chủ cửa hàng chuyên bán thực phẩm Hà Nội trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, cho biết giá bán năm nay đắt hơn cùng kỳ 20-30%, do nguyên liệu làm bánh đồng loạt tăng giá. Cụ thể, nếp tăng gần gấp đôi năm ngoái, chưa kể đường, đậu, thịt, lá gói cũng nhích 40-50% nên thành phẩm sau cùng phải bán tăng lên tương ứng. Đơn cử như: lá dong hiện có giá 120.000 đồng (lá lớn, 50 cây), 100.000 đồng (lá trung bình), loại nhỏ hơn cũng lên 50.000-60.000 đồng, tăng 30.000-40.000 đồng so với năm trước. Lạt buộc 5.000 đồng một bó, lá chuối gói bánh tét từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng mỗi kg.
 
Nguyên liệu tăng nên giá nhận đặt bánh chưng hiện nay khoảng 120.000 đồng đối với cặp loại 1 kg, 150.000 cho cặp 1,5 kg và 1,8 kg tương ứng số tiền 200.000 đồng, tăng 20.000-30.000 đồng so với Tết năm trước. Trong khi đó, bánh tét cũng nhích lên 55.000-60.000 đồng mỗi đòn (tương đương một kg), tăng 10.000-15.000 đồng mỗi kg.
Dù giá tăng nhưng mãi lực không vì thế mà giảm đi so với năm ngoái. Anh Trung, nhận đặt bánh ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh khẳng định: "Càng gần đến Tết, giá bán có thể tăng nhẹ so với hiện tại, nhất là 28 và 29 âm lịch, thông thường sức mua tăng cao nhất". Anh cho biết, nếu mua hàng bây giờ và đặt cọc trước một nửa số tiền, ngày mai sẽ được nhận bánh với mức giá của ngày hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đến chủ yếu dọ giá, so sánh giá bán giữa các nơi rồi mới đến mua, khi đó bánh có thể đã ở giá khác. Hiện bánh loại 1-1,5 kg bán chạy nhất, do khuôn bánh vừa phải, khả năng chín đều từ trong ra ngoài cao hơn loại 2 kg và đảm bảo để đến mùng 1, mùng 2 vẫn ổn do gói chặt và có ép chân không.
 
Nhận đặt bánh tét và cam kết với khách là loại bánh từ Bến Tre vận chuyển lên tiêu thụ ở Sài Gòn, chị Tâm, bán ở chợ Bà Chiểu cho biết tới lúc này đã nhận đặt trên 100 kg, vượt dự kiến ban đầu. "Tôi chỉ đặt mối ở Bến Tre chừng 120 đòn do lo ngại giá tăng, người mua sẽ ít đi, nhưng mới đến 25 âm lịch con số đã lên 140 nên từ ngày mai không dám nhận thêm". Để bánh tươi ngon và giữ được lâu, đến sáng 30 chị mới giao hàng cho khách, còn hiện tại chỉ thống kê số lượng đặt mua.
Là loại bánh không thể thiếu trong 3 ngày Tết nên dù giá có tăng, sức mua vẫn ở mức cao. Với nhiều người, nếu là bánh ngon, chín đều thì đắt hơn vài chục nghìn một cặp không quan trọng. Chị Hằng, quận 10 cho biết năm ngoái mua phải cặp bánh không chín đều, bị sượng một bên và chỉ để được 2 hôm là hỏng. Rút kinh nghiệm năm nay chị đặt mua ở chỗ có uy tín, cam kết để được nhiều ngày và cũng không dám đặt mua loại lớn 2 kg mà chọn loại nhỏ hơn chừng 1-1,5 kg.
Ở các cửa hàng thực phẩm Hà Nội, ngoài các loại bánh xuất xưởng tại TP HCM, còn có những loại mang từ ngoài Bắc vào với giá đắt hơn (trên 70.000 đồng mỗi kg).
Bạch Hường / VNE

Bình luận (0)