Sự kiện giáo dụcTin tức

Bánh trung thu dỏm: Thấy là ớn lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Hằng năm, cứ mỗi lần đến mùa Trung thu, hàng loạt các cơ sở sản xuất bánh lại chạy đua để đón đầu người tiêu dùng. Và trong cuộc cạnh tranh để dành sự ưu ái của “thượng đế” đã xuất hiện không ít cơ sở sản xuất bánh dỏm, chất lượng kém, theo lối chụp giật vì một năm chỉ có một mùa để làm ăn. Các cơ quan chức năng lại vào cuộc để kiểm tra chất lượng bánh trung thu và người tiêu dùng không lạ lẫm với chuyện “kiểm tra tới đâu phát hiện sai phạm đến đó”. Mùa bánh trung thu năm 2008 cũng vậy vừa kiểm tra đã phát hiện sai phạm, đáng nói là nơi xảy ra sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm lại là những “đại gia” nổi tiếng và làm ăn lâu năm trong làng sản xuất bánh trung thu ở TP.HCM. Chỉ trong vòng mấy ngày kiểm tra, Thanh tra Y tế TP.HCM đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu không đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như Đông Hưng Viên (Q.6), Đồng Ký (số 253B Bãi Sậy, quận 6), Ái Huê (Trần Hưng Đạo B, quận 5), Hỷ Lâm Môn (Bạch Đằng, Bình Thạnh)… những cơ sở này sản xuất bánh trong một nhà xưởng chật chội và dơ bẩn, thậm chí nơi trộn bột để làm bánh đặt cạnh nhà vệ sinh. Trong đợt kiểm tra 8 cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn TP.HCM do Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế thực hiện, 8 cơ sở được kiểm tra đều có sai phạm. Các vi phạm chủ yếu là điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, nguyên liệu sản xuất không rõ ràng về nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm in sai so với công bố tiêu chuẩn chất lượng được đăng ký… Cụ thể thiết bị trộn nhân không được cọ rửa, dụng cụ sản xuất cũ, đầy bụi; lò nướng bánh còn là nơi để đặt nhiều vật dụng sinh hoạt như bát nhang, quần áo cá nhân phơi treo đầy khu vực sản xuất; nguyên liệu bơ thì đựng trong thùng phuy đặt dưới nền đất, bánh thành phẩm đặt dưới nền nhà… Vấn đề đặt ra là tại sao bánh trung thu kém chất lượng vẫn tăng trong khi các cơ quan liên tục xử phạt? Theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP xử phạt hành chính vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 15 triệu đồng khi các cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm trong kinh doanh, chế biến, sản phẩm có tạp chất lạ, nhiễm độc hại ảnh hưởng sức khỏe con người… Một cán bộ Thanh tra Y tế TP.HCM cho biết lợi nhuận của ngành sản xuất sản phẩm này từ 200-300 % nên việc xử phạt như hiện nay là không đủ mạnh để họ chấm dứt làm hàng kém chất lượng.

Theo các chuyên gia y tế, thời hạn sử dụng bánh dẻo trung bình từ 8-10 ngày, bánh nước từ 20-30 ngày nhưng nhiều cơ sở muốn bánh “trữ” được lâu đã dùng nhiều loại hóa chất chống  mốc, thiu có thời gian sử dụng 40-50 ngày, đây là nguy cơ tiềm ẩn cao khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng. Bởi vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo muốn không phải vào bệnh viện vì ăn bánh trung thu người tiêu dùng nên mua những chiếc bánh có sự “bảo hành” về chất lượng của các cơ sở sản xuất hoặc mua sản phẩm của các hãng có tên tuổi uy tín. TP.HCM hiện có trên 200 cơ sở sản xuất bánh trung thu đã được cấp phép sản xuất và hàng trăm cơ sở sản xuất chui. Do mùa kinh doanh bánh trung thu diễn ra trong một thời gian ngắn nên tính cạnh tranh càng quyết liệt và chất lượng bánh cũng khó kiểm soát, đặc biệt là các lò bánh vô danh chỉ tồn tại trong mùa sản xuất bánh. Thế nên bao giờ, điệp khúc “kiểm tra tới đâu, sai phạm tới đó” mới chấm dứt để người tiêu dùng yên tâm thưởng thức bánh trung thu.

Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)