Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bánh trung thu phục vụ ai?

Tạp Chí Giáo Dục

Còn hơn hai chục ngày nữa mới đến Tết Trung thu – tết cổ truyền dành cho trẻ em – nhưng thị trường đã tràn ngập bánh trung thu. Nhiều hãng đã lấn cả vỉa hè dựng cửa hàng để bán.

Chỉ nghe tên các loại bánh đã thấy “choáng”, nào là Dạ thu thưởng nguyệt, Vọng nguyệt, Minh nguyệt quang, Trăng vàng phú quý, Trăng vàng tinh tế…; nhân bánh thì quảng cáo với đủ loại chất dinh dưỡng. Với ngày càng nhiều dòng bánh cao cấp, cho thấy bánh trung thu không còn chỉ dành cho trẻ em mà trở thành dịp biếu xén với những hộp bánh có giá trị lên tới 6 triệu đồng…

Bánh trung thu bày bán trên đường phố Hà Nội. Ảnh: VIỆT LÂM

Siêu lợi nhuận

Tết Trung thu là lễ hội trăng tròn, được tổ chức vào đêm 15.8 âm lịch. Vào trung tuần tháng 8 trong năm, quỹ đạo mặt trăng nằm ở quỹ đạo thấp nhất so với đường chân trời, nên mặt trăng sáng và lớn hơn so với các thời điểm khác trong năm, nếu nhìn từ trái đất. Vì vậy theo tục truyền, đến ngày này cha mẹ bày cỗ trung thu gồm bánh (dẻo, nướng), kẹo, hoa quả chủ yếu là bưởi, mía để gia đình cùng ngắm trăng rằm và phá cỗ. Một cái Tết Trung thu cổ truyền vẫn gắn vào ký ức của bao thế hệ.

Nhưng khi đời sống kinh tế khá giả, xã hội phát triển, không ít nhà sản xuất bánh trung thu đã nhanh chóng nắm bắt thị hiếu, nhân dịp này không ít người đã biến thành ngày lễ tết cấp trên một cách “chính danh” biếu quà cho con sếp… nên dòng bánh cao cấp phục vụ cho mục đích này ngày càng phát triển phong phú. Có Cty chỉ cần chờ đến ngày tết này, xin giấy phép, thuê gia công bánh, Cty chỉ tập trung đầu tư làm vỏ hộp sao cho thật hấp dẫn, thật đẹp.

Vỏ hộp được coi trọng hơn chất lượng bánh, tỉ lệ thuận với giá thành bán ra. Dòng bánh trung thu cao cấp được đánh giá siêu lợi nhuận, vì chất lượng bánh đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, dù nhân bánh được quảng cáo hết sức hấp dẫn với đủ cả các loại chất dinh dưỡng. Nhưng thực tế, người tiêu dùng có ai hay biết là chất lượng bánh có như những lời quảng cáo.

Chỉ tính riêng Hãng bánh Kinh Đô, không thể kể hết tên thuộc dòng bánh được quảng cáo là siêu cao cấp như Hưng thịnh giá 2 triệu đồng, rồi Trăng vàng được gắn thêm: Phú quý, vinh hoa, tinh tế, tao nhã… giá khoảng trên, dưới nửa triệu đồng. Dòng bánh truyền thống của hãng này giá vẫn cao so với thu nhập thời tăng giá, khoảng trên, dưới 200 ngàn đồng/hộp, Hãng Long Đình An hộp bánh giá trị trên 3 triệu đồng, Hilton với 8 bánh nhỏ giá là 3,8 triệu đồng… Giá bánh thì cao ngất ngưởng, nhưng đã bị mốc xanh mốc đỏ sau có vài tuần kể từ ngày sản xuất.

Giá bánh trung thu cao ngất ngưởng như vậy rõ ràng không cần làm điều tra xã hội cũng đủ đưa ra nhận định rằng, dòng bánh cao cấp này phục vụ cho việc biếu xén là chính, đối tượng nếu bỏ tiền ra mua để thưởng thức cũng phải là các đại gia.

Từ bánh trung thu thấy khoảng cách giàu nghèo

Có mặt tại làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) – chuyên sản xuất dòng bánh truyền thống trong những ngày này – mới thấy sự nhộn nhịp của những thương lái nhằm đến đối tượng tiêu thụ là các địa phương, người lao động. Bà Nguyễn Thị Chân quê ở Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phú) là đầu mối đưa bánh từ Xuân Đỉnh về bỏ lại cho các điểm bán lẻ ở địa phương quanh vùng. Bà Chân nói rằng, trong thời buổi khó khăn về kinh tế, giá bánh trung thu càng rẻ càng dễ tiêu thụ, vì đối với người lao động nghèo ở nông thôn khá đông.

Nghèo đến mấy cũng cố mua bánh cho con, không nhiều thì ít, để tránh đám trẻ bị tủi thân, tủi phận. Khi được hỏi bà có quan tâm đến chất lượng bánh và vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Chân buông giọng: Vẽ chuyện, bánh được nướng chín thì vi khuẩn cũng chết hết, còn sạch chán so với rau được phun thuốc tăng trưởng, cá, mực đều ướp chất bảo quản, lợn, gà đều được tăng trọng…

Không ít gia đình lao động nghèo chờ đến khi dòng bánh bình dân đại hạ giá mới dám mua cho con ăn. Chị Nguyễn Thị Mang – quê Hoằng Châu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai ở khu vực quanh gò Đống Đa (Hà Nội) – cho hay, lo cho đám con ba đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn đủ hai bữa, được đến trường là khó khăn lắm rồi, nhưng tôi vẫn mua ít bánh, cố tìm loại nào rẻ để mua gửi về cho con.

Một hộp bánh giá nửa triệu đồng, bằng cả tháng “bán mặt cho đường, bán lưng cho trời” mới kiếm được, thấy người ta hỉ hả mua những hộp bánh vài triệu đồng mà thấy xót. Cụ Phạm Thị Chiêm ngõ 100 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) nói rằng, chỉ qua Tết Trung thu với mức tiêu thụ của dòng bánh siêu cao cấp, đã thấy được khoảng cách giàu nghèo ngày một doãng ra.

Hoài Việt / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)