Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bánh trung thu trong thời khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Khách hàng đang chọn mua bánh trung thu. Ảnh: Lê Toàn

Mùa bánh trung thu năm nay, theo các doanh nghiệp cho biết, lượng bánh xuất khẩu sụt giảm mạnh. Còn ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp cũng phải tìm nhiều cách để duy trì mức tiêu thụ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Các năm trước hoạt động xuất khẩu bánh trung thu khá thuận lợi. Gần như tất cả thương hiệu có tiếng trên thị trường như Bibica, ABC, Kinh Đô, Hỷ Lâm Môn, Nhà hàng Đồng Khánh… đều tham gia xuất khẩu với số lượng hàng trăm tấn. Nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp nói rằng họ chỉ xuất theo đơn đặt hàng với số lượng hạn chế, như Kinh Đô và Nhà hàng Đồng Khánh xuất khoảng 6 đến7 container, tương đương vài chục tấn bánh, đi các nước Mỹ, Đức, Pháp, Nhật…

Theo ông Lưu Lập Chánh, chủ cơ sở Hỷ Lâm Môn, đa số các nhà sản xuất bánh trung thu Việt Nam đều đưa bánh qua một trung gian nhập khẩu nước ngoài chứ không bán trực tiếp đến tay khách hàng. Do kinh tế nhiều nước chưa hồi phục, các nhà nhập khẩu trung gian này gặp nhiều khó khăn và cắt giảm đơn hàng, khiến cho sản lượng bánh trung thu Việt Nam xuất khẩu sụt giảm.

Ở thị trường trong nước, trong bối cảnh người tiêu dùng cũng tiết kiệm chi tiêu, các nhà sản xuất đang đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để duy trì mức tiêu thụ. Mặt khác, các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào phân khúc sản phẩm giá rẻ.

Tăng dòng sản phẩm bình dân

Nếu như năm 2007 các doanh nghiệp bánh trung thu cạnh tranh nhau trên phân khúc sản phẩm trung và cao cấp, tung ra thị trường hàng loạt loại bánh lạ, có giá lên đến 3 triệu đồng/hộp 4 bánh thì sang năm 2008, do khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà sản xuất đã gặp khó khi lượng bánh bị tồn kho nhiều.

Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, mùa bánh trung thu năm nay, ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô cho biết, công ty tập trung vào dòng bánh có giá từ 295.000 đến 590.000 đồng/hộp 4 bánh hoặc 6 bánh, nâng tỷ lệ của dòng bánh này lên 50% tổng sản lượng. Hỷ Lâm Môn cũng tăng sản lượng của dòng bánh có mức giá tương tự. Một số thương hiệu khác như Givral, Brodard ghi nhận sức mua mạnh ở dòng sản phẩm giá 100.000 đồng trở xuống.

Nhắm đến người tiêu dùng trung bình

Bên cạnh việc tăng sản lượng các dòng bánh giá thấp hơn, các nhà sản xuất tập trung mở rộng mạng lưới phân phối, đưa bánh trung thu đến tay người tiêu dùng nông thôn, công nhân các khu chế xuất-khu công nghiệp.

Một phó tổng giám đốc khác của Kinh Đô là ông Mai Xuân Trầm, cho biết, năm nay Kinh Đô mở thêm các điểm bán hàng tại nông thôn, từ 8.000 điểm trên cả nước năm 2008 lên 10.000 điểm năm 2009. Đây cũng là lần đầu Kinh Đô đưa bánh trung thu đến các điểm vùng sâu ở huyện Phú Giáo, Xuân Lộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…và nhiều tỉnh thành khác. Để phù hợp với chi tiêu của những người dân có thu nhập thấp tại các vùng này, bánh trung thu Kinh Đô bán ở đây chủ yếu là loại 150gr một trứng; Vinabico có bánh loại nửa trứng với giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/bánh.

Các nhà sản xuất cũng nhắm đến lượng khách hàng đông đảo tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM và các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai – nơi có hàng trăm ngàn công nhân lao động. Sản phẩm được phân phối qua các điểm bán lẻ hoặc được các doanh nghiệp đặt mua để tặng cho công nhân vào dịp Tết Trung thu.

Ông Lưu Lập Chánh của Hỷ Lâm Môn cho biết, nhờ lượng bánh cung cấp cho hai khu chế xuất Linh Trung và Tân Thuận, sức mua của cơ sở tăng 30%. Công ty Kinh Đô cũng cho biết lượng bánh phân phối đến các khu công nghiệp chiếm đến 30% tổng sản lượng bánh năm nay.

Theo TBKTSG

Bình luận (0)