Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Báo cáo tài chính quý II: Lạc quan hay bi quan?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Càng gần đến thời điểm công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II của các công ty, nhà đầu tư càng quan tâm tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn có nhiều biến động.

Cắt giảm chi phí hoạt động
Các công ty chứng khoán (CTCK) và các quỹ đầu tư là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất khi thị trường chứng khoán lao dốc, doanh số môi giới sụt giảm mạnh cũng như danh mục đầu tư của CTCK/quỹ ghi nhận lỗ do đánh giá lại. Biện pháp các CTCK áp dụng – kể cả các CTCK thuộc top 10 – là cắt giảm chi phí hoạt động: đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch, cắt giảm lương ít nhất 30% hoặc sa thải bớt nhân viên, đồng nghĩa với việc nhân viên CTCK sẽ không có thưởng trong năm 2011. Trong tháng 6, sóng tăng trưởng phục hồi ngắn hạn không giúp ích nhiều cho CTCK gia tăng nguồn thu nhằm bù đắp chi phí, vì tính đầu cơ thể hiện rõ qua dòng tiền nóng tập trung vào các penny stock. Lợi nhuận nửa đầu năm của CTCK rất khó cán đích 30%-50% chỉ tiêu cả năm.

Kết quả kinh doanh của các doanhnghiệp ngành thép trong Quý 2 được dự báo là không mấy sáng sủa

Kết quả của CTCK TP.HCM (HSC) tỏ ra vượt trội so với thị trường, lợi nhuận thực tế (LNTT) 5 tháng đầu năm ước tính là 85 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đạt mức khiêm tốn 28,7% so với Nghị quyết ĐHCĐ đặt ra. Để về đích theo kế hoạch kinh doanh, nhiều CTCK đã chủ động giảm chỉ tiêu lợi nhuận xuống cho phù hợp với thực tế. Trong quý II, nhiều CTCK vẫn tiếp tục trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán, điển hình là VNDirect.
Sự khởi sắc ngắn ngủi của thị trường không giúp ích cải thiện nhiều giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đại chúng như VFMVF1 hay VFMVFA. Cuối quý I, NAV của VFMVF1 là 19.052 đồng/chứng chỉ quỹ, trong khi ở thời điểm đầu tháng 6, NAV quỹ này chỉ ở mức 17.042 đồng/chứng chỉ quỹ. Thời điểm cuối các quý thường chứng kiến nhiều phiên tăng điểm nóng được cho là động thái các quỹ đầu tư làm đẹp báo cáo NAV, nhưng xem ra việc đạt NAV tăng trưởng so với quý I vẫn là hy vọng khá mong manh.
Chi phí tài chính tăng vọt
Mặt bằng lãi suất vay vốn tăng cao 24%-26%/năm dẫn đến các chi phí lãi vay “phình to” gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay là yếu tố xói mòn nhanh nhất lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có thói quen dựa vào đòn bẩy tài chính, trong điều kiện đầu ra khó khăn. Tính đến cuối quý I/2011, dư nợ vay ngắn hạn của CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) là 2.125 tỷ đồng, trong đó 1.290 tỷ đồng vay VND. Chi phí lãi vay tăng ít nhất 50% so với quý trước đã làm tăng chi phí đáng kể. Tuy nhiên, HVG là doanh nghiệp dẫn đầu về mặt hàng cá da trơn, doanh thu và lợi nhuận gộp của HVG khá lớn, vẫn bù đắp được chi phí tài chính.
Bên cạnh đó, lãi suất vay USD 5% – 8%/năm, rẻ hơn nhiều lần so với vay vốn VND, đặc biệt tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu ổn định trong quý II nhờ sự can thiệp của Chính phủ. Chênh lệch tỷ giá sẽ không biến động mạnh như trong quý IV năm ngoái hay quý I năm nay nên nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang vay ngoại tệ kỳ hạn ngắn để giảm thiểu chi phí vay VND tăng cao. Tình hình tỷ giá ổn định trong 6 tháng đầu năm có tác động tích cực tới doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Kỹ thuật Hạ tầng TP.HCM (CII) với đợt phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi cho Goldman Sachs trị giá 15 triệu USD, lãi suất 4%/năm vào tháng 4/2011. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo khả năng tỷ giá tăng vào cuối năm do tăng trưởng tín dụng USD trong 5 tháng đầu năm rất nóng.
Không hiện thực hóa được lợi nhuận tài chính
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp từng lãi lớn về khoản lợi nhuận đột biến về thu nhập tài chính cũng sẽ gặp khó khăn trong quý II năm nay. Trở lại với trường hợp CTCP Đầu tư Kỹ thuật Hạ tầng TP.HCM (CII) với hoạt động kinh doanh chính là quản lý các trạm thu phí. Lợi nhuận biên của mảng kinh doanh này lên đến 45-50%, tuy nhiên, xét trên số tuyệt đối thì chỉ nhỉnh hơn chi phí hoạt động, lãi không đáng kể. Phần lớn lợi nhuận của CII đến từ việc thoái vốn khỏi danh mục đầu tư tài chính (các dự án BOT góp vốn, các khoản đầu tư vào công ty liên kết). Đầu tháng 6, CII công bố thông tin có khả năng thua lỗ lớn trong quý II do khả năng thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, khi CII không muốn bán rẻ tài sản đầu tư với mức chiết khấu (IRR) cao. Tương tự như CII, CTCP Xuyên Thái Bình (PAN), được dự báo có kết quả kinh doanh quý II không hấp dẫn vì tỷ trọng lợi nhuận tài chính chiếm phần lớn cơ cấu lợi nhuận trong bối cảnh thanh lý khoản đầu tư gặp khó.
Rủi ro hàng tồn kho tăng cao
Khi cung vượt cầu trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất chịu gánh nặng của hàng tồn kho do sức tiêu thụ chậm, chi phí lãi vay cao, khiến họ “thiệt đơn thiệt kép”, ví dụ như ngành thép. Hiện nhiều doanh nghiệp thuộc ngành này phải cắt giảm mạnh sản xuất, hoạt động cầm chừng chỉ khoảng 40% so với công suất thiết kế. Các công ty sản xuất thép niêm yết trên sàn như VIS, VGS, TLH, HMC… dự báo có kết quả kinh doanh quý II không mấy sáng sủa.
Giống như ngành thép, thị trường bất động sản đóng băng cũng khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng khốn đốn. Tắc nghẽn hàng tồn kho dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn lưu động; gồng mình chịu lãi vay cao là những gì mà các doanh nghiệp bất động sản hiện đang phải trải qua. Theo BCTC cuối quý I của Công ty Bất động sản Phát Đạt (PDR), giá trị hàng tồn kho của công ty này là 3.386 tỷ đồng, chiếm 83% tổng tài sản, trong đó vay dài hạn lên đến 2.124 tỷ đồng. Quý II/2011 chưa phải là thời điểm tốt lành của các doanh nghiệp bất động sản hiện đang gánh chịu rủi ro hàng tồn kho cao.
Lơ lửng nợ xấu và các khoản trích lập dự phòng
Tương phản với thực trạng doanh nghiệp đang “cõng” ngân hàng trên lưng với lãi suất cắt cổ, các ngân hàng vẫn sẽ ghi nhận lãi lớn trong quý II khi chủ yếu tập trung vào mảng tín dụng. Thu nhập lãi cận biên (NIM) lên tới 6-7%/năm, các ngân hàng lớn thuộc hàng Top 5 như VCB, CTG đang có lợi thế kinh doanh trong điều kiện hiện nay nhờ hoạt động cho vay trên cả thị trường I và II. Khả năng về đích lợi nhuận cả năm là khả thi khi Tiên Phong Bank công bố 5 tháng lợi nhuận trước thuế 139 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm 360 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay là yếu tố xói mòn nhanh nhất lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có thói quen dựa vào đòn bẩy tài chính
Tuy nhiên, “bóng đen” bao phủ hoạt động tín dụng là Chỉ thị 01/CT-NHNN quy định giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống 22% vào ngày 30/06 và 16% vào ngày 31/12. Đợt chào bán thành công 4.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với lãi suất 12,3%/năm cho thấy NHTM đang dư thừa tiền mặt nhưng không thể cho vay vì bị Chỉ thị 01 khống chế. Đồng thời, việc chấp nhận lỗ tạm thời (4-6%/năm) của NHTM phản ánh kỳ vọng lãi suất sẽ hạ trong 6 tháng cuối năm khi CPI đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Thêm vào đó, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch dự báo nợ xấu các ngân hàng Việt Nam ở mức 13% trên tổng dư nợ do doanh nghiệp đi vay không đủ khả năng trả nợ, mà chủ yếu vay để đảo nợ. Đầu tháng 6, Vinashin tổ chức họp với các chủ trái phiếu nội tệ và yêu cầu xóa nợ 90% khoản vay trong nước do Tập đoàn này mất khả năng thanh toán 3.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 10 năm. Các chủ nợ của Vinashin như Habubank, Tài chính Dầu khí (PVFC) buộc phải đối mặt với việc trích lập dự phòng nợ xấu. Theo BCTC năm 2010 của PVFC, dư nợ gốc vay cho Vinashin là 1.299 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này không trích lập dự phòng cho khoản nợ khó đòi, cũng không chuyển thành nợ xấu với lý do tái cơ cấu lại Vinashin theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp của Vinashin bắt đầu châm ngòi cho làn sóng nợ xấu trên BCTC của các ngân hàng và định chế tài chính. Điều này có nghĩa chúng ta cần xem xét thận trọng hơn chất lượng tín dụng, bất chấp lợi nhuận được báo lớn của các tổ chức này trong quý II.
Nguồn DOANH NHÂN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)