Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo chí càng hiện đại càng chú trọng vấn đề đạo đức nghề nghiệp!

Tạp Chí Giáo Dục

Đi hi Đng toàn quc ln th XIII đã xác đnh: “Xây dng nn báo chí, truyn thông chuyên nghip, nhân văn và hin đi”. Điu này hàm ý rng, bên cnh vic xây dng nn báo chí nưc ta không ngng phát trin, tiến b, chuyên nghip, tim cn vi xu hưng chung ca báo chí thế gii thì vn đ đo đc ca ngưi làm báo phi thc s đưc xem trng.


Phóng viên tác nghip trong mt s kin ti Trung tâm Báo chí TP.HCM. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM

Trong số các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo, “nhân văn” thực sự là một đòi hỏi rất quan trọng. Với một số nghề nghiệp, bên cạnh các quy định của pháp luật, vấn đề đạo đức được đặt ra với yêu cầu rất đặc biệt. Chẳng hạn, với nghề y, từ thời cổ đại, nhiều nền văn minh đã có những quy ước mang tính đạo đức buộc những người hành nghề phải tuân thủ và không ngừng được hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện thực tế và đã được khái quát thành chuẩn mực quan trọng nhất là “lương y phải như từ mẫu”. Hay nghề luật sư, người hành nghề không được “bẻ cong chân lý” mà phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ công lý, bảo mật, tôn trọng khách hàng… “Trong hoạt động nghề nghiệp, những lợi ích trực tiếp và thiết yếu nhất của con người được thực hiện. Khi thực hiện lợi ích của mình, con người không thể không có quan hệ về mặt lợi ích với người khác, với xã hội. Vì vậy, hoạt động nghề nghiệp cũng là hoạt động mà ở đó, những quan hệ đạo đức cơ bản giữa con người và con người, giữa con người với xã hội được thể hiện. Do tính đặc thù của hoạt động nghề nghiệp mà xã hội có những yêu cầu về nghề nghiệp cũng như về đạo đức đối với từng loại hoạt động nghề nghiệp nhất định”(1).

Đạo đức nghề nghiệp nói chung tuy không có chế tài để bắt buộc thực hiện như các quy định của pháp luật nhưng cũng có tính ràng buộc nhất định mà người vi phạm có thể bị những hình thức đón nhận hậu quả, như bị từ chối tiếp tục hành nghề, bị phản ứng của dư luận, bị lương tâm cắn rứt… Dù vậy, hiện nay các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được luật hóa (được ghi rõ trong Luật Báo chí năm 2016 tại điểm b, khoản 2 Điều 8 về trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”). Hiểu một cách chung nhất, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là những quy định, quy ước đạo đức có thể được văn bản hóa hoặc chỉ mặc nhiên thừa nhận, chấp nhận trong giới báo chí và được duy trì thực hiện trên thực tế bằng nhiều hình thức – đó là những quy tắc, nguyên tắc, quy định về hành vi đạo đức của nhà báo. Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng có ý nghĩa định hướng, tác động người làm báo; họ không phải “được làm” và “không được làm” theo các quy định của pháp luật mà chủ yếu là “nên làm” và “không nên làm”. Nói đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là nói đến lương tâm của người làm báo trước các sự kiện, các thông tin, các vấn đề, các cá nhân. Người làm báo phải luôn tự đặt câu hỏi: “Việc này có nên thông tin không?”, “Việc này nên thông tin như thế nào”, “Việc thông tin vì ai và có lợi cho ai?”, “Nếu không thông tin việc này thì có lợi cho ai và bất lợi cho ai?”, “Nếu thông tin sẽ gây bất lợi cho một số người thì nên thông tin như thế nào để giảm thiểu bất lợi?”… và phải trả lời một cách khách quan và thỏa đáng. Không chỉ vậy, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo còn phải gắn với lợi ích của đất nước, của dân tộc, của chế độ, của giai cấp mà người làm báo ở đất nước, dân tộc, chế độ, giai cấp đó đang hoạt động hoặc đang phụng sự. Gần như không có hiện tượng nhà báo phi đất nước, phi dân tộc và phi chính trị, bởi hoạt động của nhà báo nào cũng gắn với một đất nước, một dân tộc, một ý thức hệ nhất định. Ở nhiều xã hội, làm báo gần như là làm chính trị, chỉ có khác nhau về tính chất và mức độ. Như vậy, ở Việt Nam, người làm báo có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời có quyền thực hiện các hoạt động nghề nghiệp của mình sao cho bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước, của chế độ, của nhân dân.

Đặt vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo bởi trên thực tế báo chí có một quyền lực xã hội nhất định, do khả năng tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội và từ đó, người làm báo cũng có những quyền lực xã hội nhất định. Việc thông tin hay không thông tin, việc thông tin như thế nào của họ đều có thể có những ảnh hưởng nào đó đến xã hội hay một số cá nhân, tổ chức. Từ đó có thể nảy sinh sự lạm quyền, lộng quyền, thậm chí đơn giản là thiếu trách nhiệm của người làm báo, có thể gây ra những hậu quả và hệ quả khó lường cho xã hội. “Cho đến khi báo chí trở nên có “quyền lực” thì vấn đề phải có những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp mới đặt ra một cách bức thiết. Đó là thời kỳ kỹ thuật in ấn đã phát triển mạnh, báo chí được in ra hàng loạt, phục vụ mọi tầng lớp nhân dân. Chính tính chất đại chúng của báo chí thúc giục phải đề ra những nguyên tắc hoạt động để đảm bảo tính văn hóa của tác phẩm báo chí”(2). Do đó, gần như ở nước nào, ở xã hội nào cũng đặt ra vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, với những đặc thù khác nhau thì có chuẩn mực khác nhau. Ở Việt Nam, từ lâu đạo đức nghề nghiệp của nhà báo đã được đặt ra và ngày càng được báo giới cũng như xã hội xem trọng hơn. Các quy ước, quy tắc về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo ngày càng được hoàn thiện và có tính ràng buộc phải thực hiện ngày càng cao. Không chỉ vậy, việc giảng dạy, định hướng cho sinh viên ngành báo chí có những nhận thức cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng được quan tâm và không ngừng cải tiến phương thức truyền đạt, nâng cao chất lượng. Việc hoàn thiện nhận thức về đạo đức nghề nghiệp cũng được xem trọng ngang hàng với việc trang bị kỹ năng tác nghiệp của người làm báo, bởi có quan điểm, nhận thức đúng đắn thì mới có thể tạo ra tác phẩm đúng, hay, có ý nghĩa, đem lại những giá trị thiết thực của xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, báo chí đang phát triển theo một hướng rất mới là đẩy mạnh, tăng cường các loại hình, các sản phẩm trên không gian mạng, trên nền tảng số; đồng thời có sự cạnh tranh rất quyết liệt của mạng xã hội. Điều kiện đó có tác động rất mạnh mẽ đến người làm báo nói riêng và công chúng báo chí cũng như toàn xã hội nói chung. Bất kỳ sự thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm nào của người làm báo – không chỉ trong tác phẩm báo chí mà còn trên trang mạng xã hội cá nhân của mình – đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội. Đương nhiên, trong rất nhiều vấn đề của đạo đức nghề nghiệp người làm báo, yếu tố “nhân văn” vẫn nên được xem là quan trọng hàng đầu, bởi nếu người làm báo hay báo chí thể hiện rõ tính nhân văn thì sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy xã hội phát triển, tạo điều kiện để mọi người gắn kết với nhau tốt hơn, chia sẻ và truyền cảm hứng để mỗi người tin tưởng vào những điều tốt đẹp của xã hội, từ đó khích lệ mỗi người có hành động tích cực. Ngược lại, nếu thiếu tính nhân văn, với sự lan tỏa nhanh chóng của các nền tảng số, hậu quả của các sản phẩm báo chí đó sẽ thật khó lường!

Trnh Minh Giang

(1) PGS.TS Hoàng Đình Cúc (chủ biên), Đạo đức nghề báo – những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.10.

(2) PGS.TS Hoàng Đình Cúc (chủ biên), Đạo đức nghề báo – những vấn đề lý luận và thực tiễn, tr.17-18.

 

Bình luận (0)