Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo chí đồng hành tích cực hơn nữa trong tuyên truyền phòng, chống dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Công tác truyền thông phòng, chống dịch vẫn còn hạn chế. Do đó, cần tổ chức lại những khâu cung cấp thông tin, chủ động phân phối thông tin thành một mặt trận với thời lượng tin bài cụ thể. Các cơ quan báo chí cần xác định đúng đối tượng truyền thông và có trọng tâm với nội dung, thông điệp truyền tải cụ thể, đầy đủ.


Toàn cảnh buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí trao đổi  thông tin tình hình và công tác phòng chống dịch Covid-19

Thông tin này được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí trao đổi thông tin về tình hình và công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra chiều 14-7.

Truyền thông có trọng tâm và đúng đối tượng

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ khác với thực hiện trên phạm vi cả nước vì TP.HCM là đầu tàu kinh tế. Ngoài những việc tuyến đầu phải làm còn xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vấn đề ăn ở, sinh hoạt, đi lại của người dân. Điều này đòi hỏi TP phải tính đến cả việc khắc phục, xử lý vấn đề phát sinh. Ông lưu ý, dù còn nhiều việc phải tiếp tục làm, nhưng nếu để thời gian càng kéo dài thì TP càng thấm mệt.

Ngay công tác truyền thông, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định vẫn còn hạn chế. Do vậy, cần tổ chức lại những khâu cung cấp thông tin, chủ động phân phối thông tin thành một mặt trận với thời lượng tin bài cụ thể. Các cơ quan báo chí cần xác định đúng đối tượng truyền thông và có trọng tâm với nội dung, thông điệp truyền tải cụ thể, đầy đủ. Trung tâm báo chí TP cần phát huy cao vai trò, tiếp tục tăng tần suất họp báo để thông tin đủ “đậm”, qua đó người dân hiểu, nắm, ủng hộ, chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của TP và hạn chế các thông tin sai sự thật. “Chú ý truyền thông cả sự chung tay đóng góp của các tầng lớp nhân dân, mặt trận đoàn thể, mạnh thường quân; ghi nhận cả những việc làm, nghĩa cử, tấm gương cao đẹp để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Sự đóng góp của toàn xã hội là những điều rất đáng trân quý, là nguồn năng lượng tích cực thể hiện TP.HCM là TP nghĩa tình, TP sẻ chia, góp phần thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói.

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên còn trao đổi một số nội dung. Trong đó, ông nhấn mạnh đến mức độ nguy hiểm của chủng vi rút Delta với mức độ lây lan rất nhanh, mang đến thách thức rất lớn cho các nhà khoa học, y học trong và ngoài nước. Không riêng TP.HCM luôn tuân thủ gần như tuyệt đối nguyên tắc phòng chống dịch mà các thầy thuốc, ngành y tế cả nước nói chung, TP nói riêng đưa ra. Cùng với đó là tinh thần lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch từ các nước bạn bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, khi đưa ra được văn bản hướng dẫn thí điểm rút ngắn thời gian điều trị F0 có thể gọi là chiến lược có đổi mới, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn TP hiện nay.

Ông nhấn mạnh trọng tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP là giãn cách, cách ly và phong tỏa một số vùng. TP vừa truy vết, xét nghiệm, tầm soát F0 để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng; đồng thời tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ tích cực nhằm hạn chế tối đa các ca tử vong. Muốn đạt được mục tiêu đòi hỏi phải có kế hoạch lo từ xa, cụ thể phải lo nâng cao thể trạng để bệnh nhân đủ sức đề kháng vượt qua bệnh tật. “Phải xác định “rút ngắn thời gian + nâng cao thể trạng” thì mới có kết quả; và việc làm này tương tự đối với các trường hợp F1”, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, khi đưa ra văn bản hướng dẫn thí điểm rút ngắn thời gian điều trị F0 hay cách ly F1 tại nhà, TP phải có hướng dẫn cụ thể để người dân nắm và dễ thực hiện.  Cung cấp các số điện thoại để người dân liên lạc khi cần thiết; bố trí, chuẩn bị đội ngũ trực đường dây nóng và cả đội xe cấp cứu để kịp thời xử lý tình huống bất ngờ xảy ra.

Mỗi ngày, các hệ thống phân phối bán 5.000 tấn thực phẩm tươi sống, 6.000 tấn rau củ quả

Tại buổi gặp gỡ, thông tin về dịch bệnh Covid -19 và công tác phòng chống dịch bệnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ ngày 27-4-2021 đến 6 giờ ngày 14-7-2021, TP có 17.239 ca nhiễm trong cộng đồng. Tính từ ngày 1-7-2021 đến nay, trung bình mỗi ngày TP phát hiện 1.140 ca bệnh.

Về công tác điều trị, TP có 24 bệnh viện điều trị Covid-19 với tổng quy mô 44.890 giường (trong đó 19 bệnh viện đang hoạt động, 5 bệnh viện đang thiết lập) đang điều trị cho 16.757 người. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP quyết định đưa vào sử dụng một bệnh viện hồi sức Covid-19 tại TP.Thủ Đức với quy mô 1.000 giường hồi sức.

Về công tác tiêm vắc xin Covid-19, qua 4 đợt tiêm, TP đã tiêm được 991.872 người, trong đó có 943.215 người tiêm mũi 1 và 48.657 người mũi 2. TP sẽ tiếp tục có kế hoạch để triển khai tiêm vắc xin trong thời gian tới cho các đối tượng ưu tiên theo thứ tự.


TP.HCM luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống người dân

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song TP vẫn luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng, nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân. TP công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắn trên địa bàn 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa; đồng thời triển khai đến các hệ thống phân phối về phương châm “tiêu thụ đến đâu, lấp đầy đến đó” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, TP đã yêu cầu các hệ thống phân phối nâng cao năng lực dự trữ và bán hàng với 5.000 tấn thực phẩm tươi sống, 6.000 tấn rau củ quả hàng ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

TP đã phối hợp với Thành đoàn tổ chức chương trình “Chợ tình nghĩa” từ ngày 23-6-2021 đến nay; thí điểm thành công việc đưa hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã hỗ trợ đến người dân tại các khu cách ly, vùng phong tỏa 3.907 sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp với một số đơn vị triển khai chương trình “Siêu thị 0 đồng” từ ngày 26-6 nhằm hỗ trợ người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với 8.000 giỏ hàng nhu yếu phẩm với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong công tác chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể thực hiện gói hỗ trợ 886 tỷ đồng theo Nghị quyết số 09 của HĐND TP, đến nay các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã giải ngân cho hỗ trợ được trên 134,9 đồng. Đối với các đối tượng khác như lao động ngừng việc; hoãn việc; nghỉ không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp… TP đã giao các sở ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức lập danh sách…

Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)