Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo chí đóng vai trò quan trọng đối với công tác lãnh đạo của các cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU cho thấy, kết quả xử lý thông tin, phản ánh và xử lý kỷ luật toàn TP đã tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm 12,15%. Thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.


Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp

Vấn đề này được Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh tại Tọa đàm “Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy”.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, qua tổng hợp kết quả thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU cho thấy thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí rất nhiều. Kết quả xử lý thông tin, phản ánh và xử lý kỷ luật toàn TP đã tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm 12,15%.

“Qua xử lý thông tin phản ánh của báo chí, các cấp ủy đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó cho thấy thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.


Quang cảnh tọa đàm

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, công tác tuyên truyền Quy định số 1374-QĐ/TU luôn được các cơ quan báo chí TP quan tâm, có nhiều phương pháp thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và đến đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân.

Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí còn đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm.

Qua thông tin phản ánh của báo chí, phần nào đã giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng nắm bắt các sự việc, vấn đề liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương một cách kịp thời, nhanh chóng.

Và, “trên cơ sở những thông tin báo chí phản ánh, tại các báo cáo tình hình báo chí hằng ngày, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh thêm.

Quy định số 1374-QĐ/TU được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành ngày 1-12-2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yêu cầu 100% cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ thành phố tập trung tổ chức, triển khai thực hiện.


Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan báo chí chia sẻ việc thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU

Quan điểm thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU để góp phần giải quyết những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân, phục vụ nhân dân.

Trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định số 1374-QĐ/TU, theo quy định của Luật Báo chí, khi cơ quan báo chí phản ánh thì các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm xử lý các thông tin phản ánh. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, nhiều cơ quan, đơn vị có thông tin báo chí phản ánh nhưng chưa kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý. Do đó, Quy định số 1374-QĐ/TU đã hình thành cơ chế yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc giải quyết thông tin báo chí phản ánh, làm rõ đúng sai và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm.

Quy định số 1374-QĐ/TU đã chỉ rõ thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, xử lý từ 04 nguồn, trong đó nguồn thứ tư là phản ánh của báo chí. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: Thông tin phản ánh của báo chí “liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp và Ban Thường vụ cấp trên; văn phòng cấp ủy cấp trên của đơn vị tổng hợp, báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; ban tuyên giáo cấp các cấp tham mưu, đề xuất Thường trực cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tư tưởng chính trị, bức xúc trong dư luận xã hội của thành phố, địa phương, đơn vị”.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)