Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã nhấn mạnh điều này tại Tọa đàm “Báo chí Chuyển đổi số để phát triển bền vững”, diễn ra sáng 23-12.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại tọa đàm
Tọa đàm do Hội Nhà báo TP.HCM, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp tổ chức tại Trung tâm Báo chí TP.HCM; với sự hỗ trợ, đồng hành của Công ty FSI, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT.
Tham dự tọa đàm còn có lãnh đạo các cơ quan báo chí TP.HCM và Trung ương đóng trên địa bàn TP; các nhà báo, phóng viên.
Ông Dương Anh Đức cho biết, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian gần đây, không riêng Việt Nam mà toàn thế giới đã khẳng định chuyển đổi số là một xu thế không thể thay đổi. Đặc biệt đối với tính chất, đặc thù của hoạt động báo chí, tốc độ, hiệu quả, chất lượng thông tin là những yếu tố quyết định cho sự thành công của một cơ quan báo chí.
“Với sự hỗ trợ của công nghệ, các kỹ năng, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí nếu có được sẽ góp phần thay đổi căn bản toàn diện hoạt động của cơ quan mình”, ông Dương Anh Đức cho hay.
Theo ông Dương Anh Đức, TP vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội lâu nhất trong lịch sử. Trong thời gian đó, chúng ta gặp nhiều khó khăn nhưng cũng là thời cơ, cơ hội để những ai nắm bắt được lợi thế công nghệ có thể bứt phá. Ông tin rằng nhiều tờ báo, cơ quan báo chí, phóng viên đã cảm nhận được hết sức rõ ràng vai trò, tác dụng của công nghệ số, cũng như nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ nói chung vào công tác hoạt động mà còn phải thay đổi cả quy trình làm việc, tư duy, suy nghĩ. Phải có một măng-sét mới để có thể thích ứng. Ý thức được điều này sẽ có quyết tâm thực hiện một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất quá trình chuyển đổi số”.
Ông Dương Anh Đức cho rằng, chúng ta đang ở thời đại thông tin. Khi thông tin được phát sinh ra từng giây, triệu giây, một tờ báo đăng lên sớm một chút, muộn một chút có thể thay đổi hẳn về số lượng người đọc. Thông tin thay đổi một vài từ cũng có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa thông điệp muốn chuyển tải. Như vậy, cùng với công nghệ thì ảnh hưởng của các cơ quan báo chí cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Do đó, “việc thực hiện chuyển đổi số phải được thực hiện căn cơ, toàn diện từ tòa soạn, lãnh đạo và phóng viên”.
Mặt khác, nếu làm chủ được các công nghệ số, xây dựng được quy trình ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động của mình thì báo chí không những tăng được tốc độ xuất bản mà còn có thể phân tích, tổng hợp đánh giá thông tin với mức độ nhanh, quan trọng. Lãnh đạo, ban biên tập có thể kiểm soát nhanh, tốt và đầy đủ những nội dung mà cơ quan báo chí của mình sản xuất ra. “Với khối lượng thông tin khổng lồ và tốc độ sản xuất thông tin hiện nay, nếu vẫn bám theo tư duy cũ, công nghệ cũ, cách làm cũ chắc chắn sẽ không theo kịp vì có những vấn đề nảy sinh trong qúa trình vận hành cơ quan báo chí của mình”, ông Dương Anh Đức nói và nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là một quá trình, khi không thể đạt được ngay thì phải tích cực tham gia vào quá trình này, tận dụng đầy đủ cơ hội mang lại. Chúng ta không thể là những người đi sau, đi chậm trong chuyển đổi số”.
Tọa đàm “Báo chí Chuyển đổi số để phát triển bền vững” hướng đến mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá và khả thi về chuyển đổi số trong bối cảnh mới, góp phần nhìn rõ thực trạng và thách thức chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí của TP.HCM. Đây cũng là cơ hội để báo chí và cơ quan quản lý trong lĩnh vực thông tin truyền thông có cơ hội đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin trao đổi, tìm kiến một số giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Trọng Dũng – Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM đã nêu bật chuyển đổi số có tầm quan trọng và là xu thế tất yếu đối với các cơ quan báo chí Việt Nam nói chung và báo chí TP.HCM nói riêng; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề cho các lĩnh vực của kinh tế, xã hội trong đó có báo chí.
“Các cơ quan báo chí TP.HCM đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động, có thu được một số kết quả, nhưng còn rất khiêm tốn và nhiều hạn chế khó khăn. Nếu không kịp thời có những giải pháp từ nội lực cũng như hỗ trợ của TP sẽ không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, khán thính giả, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vị thế, chức năng định hướng dư luận”, ông Trần Trọng Dũng cho biết.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
“Kết quả từ tọa đàm sẽ đóng góp những ý kiến xác thực góp phần xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số cơ quan báo chí tại TP.HCM, phù hợp với mục tiêu Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, ông Trần Trọng Dũng cho biết thêm.
Dịp này, Hội nhà báo TP.HCM chính thức công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số; chỉ định Ban chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đầu tư tại TP.HCM làm chủ nhiệm.
Đây là câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thứ 7 trực thuộc Hội Nhà báo TP.HCM, gồm 30 thành viên chuyên viết về lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thuộc các cơ quan báo chí TP và Trung ương trên địa bàn TP.
Cũng trong dịp này, Hội nhà báo TP.HCM và Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phát động và công bố Điều lệ Giải Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TP.HCM, lần thứ I – năm 2022. Dự kiến tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thông tin Truyền thông 28-8-2022.
N.Trinh
Bình luận (0)