Trend (tiếng Anh) được hiểu nôm na có nghĩa là trào lưu, xu hướng của một sự vật, sự việc hay vấn đề nào đó trong xã hội, vốn được nhiều người quan tâm vào một khoảng thời gian nhất định…
Một thương hiệu “bắt trend” khá ấn tượng (ảnh minh họa)
“Bắt trend” được xem là hành động bắt chước, lặp lại, hưởng ứng của nhiều người đối với một xu hướng hay trào lưu nào đó đang được dư luận quan tâm. Các hành động “bắt kịp trend” thường thể hiện thông qua việc chế giai điệu âm nhạc, ca từ, hình ảnh… Thông thường, nếu biết được một trend nào đó, khi bắt gặp ai “bắt trend” thì chúng ta dễ bật cười thú vị vì nội dung đó gắn với một hiện tượng xã hội, gắn với một câu chuyện gì đó…, nhờ thế chúng ta nhớ lâu hơn, thấy ấn tượng hơn. Xã hội từng có những trào lưu khá rộn ràng với câu nói “nhà bao việc” được chia sẻ thông qua các trang mạng xã hội đã trở thành niềm cảm hứng sáng tạo khiến nhiều người nhanh chóng “bắt trend” và làm theo, đưa vào các video hoặc chế ảnh hài hước, vui nhộn. “Nhà bao việc” là cách nói gọn của câu “Nhà còn bao nhiêu là việc”; sau khi cư dân mạng rầm rộ chia sẻ câu nói này thì lập tức có vô số phiên bản chế cũng được ra đời theo, như “Yêu đương gì tầm này, nhà bao việc”, “Nhà bao việc mà cô bắt đi múa”, “Đi chơi gì chứ, nhà bao việc”… Giữa năm 2019, khi bộ phim truyền hình Mê cung được trình chiếu thì cụm từ “nhà bao việc” ra đời. Câu nói này là một câu thoại của nhân vật Thịnh Ngựa trong một phân cảnh bị cảnh sát thẩm vấn. Trong phim anh đã trả lời “nhà em còn bao việc” cùng với một nét mặt rất hài.
Hay cụm từ “500 anh em” cũng trở thành lời cửa miệng của rất nhiều người trong một thời gian dài, chứng tỏ trend này có sức sống khá tốt. Ngày 17-8-2017, Báo điện tử VnExpress đã đăng bài viết Đại tá công an ba ngày đấu trí để giải tán đại tiệc của 500 giang hồ, kể lại một cán bộ công an đã khéo léo, mưu trí, dũng cảm đấu tranh với một số “đại ca giang hồ” định mở buổi tiệc do một đối tượng cộm cán ở Hải Phòng tổ chức. Người này đã bao nguyên một khu resort để mời 500 anh em “trong giới” đến dự. Sau nhiều lần đấu trí căng thẳng, cuối cùng tiệc này cũng được hủy bỏ. Và từ đó, cụm từ “500 anh em” được dùng phổ biến để chỉ việc có đông (nhiều) người cùng tham gia một hoạt động nào đó hoặc đơn giản nói về việc có nhiều người.
Thời gian qua, có nhiều trend không chỉ được cộng đồng mạng mà còn được báo chí sử dụng. Thí dụ, cụm “thanh xuân như một tách trà”, “sao kê”, “trà xanh”, “quay xe”…, nhất là với các báo điện tử hoặc ở một số bài viết mang tính giải trí. Thí dụ, Báo Tiền Phong ở bài Showbiz 1/6 ngày 1-6-2022 có câu “Nữ chính “Người ấy là ai” tập 3 là hotgirl, tiết lộ bị “trà xanh” ngang nhiên chen vào chuyện tình”. Còn Báo điện tử Dân Trí ngày 13-5-2022 có bài Thấy gì từ pha “quay xe” hàng loạt của fan Đông Nhi?; ngày 19-2-2022 thì có bài mang tiêu đề Vừa thuê trọ ở Hà Nội, sinh viên “khóc ròng” vì trường “quay xe”…
Trên thực tế, báo chí mang hơi thở của cuộc sống nên ngôn ngữ cũng thể hiện sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống. Những cách nói, cách diễn đạt đang có nhiều người dùng thì sẽ dễ xuất hiện trên báo chí. Thời gian qua, có nhiều trend được cộng đồng xã hội sử dụng rộng rãi, có khá nhiều người “đu”, như “Hình như tôi chiều các em quá nên các em hư rồi phải không?”, “Đi đường quyền”, “Chào em, anh đứng đây từ chiều”, “Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé”, “Trứng rán cần mỡ, bắp cần bơ”, “Toang rồi bu em ạ”, “Vui vẻ hông quạu”, “Học ăn, học nói, học gói mang về”, “Vậy tiền nhiều để làm gì?”, “Sau này sẽ gặp lại nhau khi hết dịch”, “Nhà tôi 3 đời…”, “Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về”, “Nếu đẹp, xin hãy tử tế!”, “Amazing good job em”, “Mang tiền về cho mẹ”…
Trên thực tế, báo chí mang hơi thở của cuộc sống nên ngôn ngữ cũng thể hiện sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống. Những cách nói, cách diễn đạt đang có nhiều người dùng thì sẽ dễ xuất hiện trên báo chí. |
Việc báo chí sử dụng các trend có thể coi là một điều khá bình thường. Trend thường sẽ dễ tạo ấn tượng, sự hấp dẫn người đọc, bởi chỉ dùng một cụm từ ngắn gọn có thể thể hiện được ý nghĩa của bối cảnh, câu chuyện, khi người đọc đã mặc định hiểu được cụm từ đó, giúp họ tiếp cận nhanh hơn và thấm sâu hơn. Có thể nói, nếu dùng khéo, người làm báo sẽ góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ báo chí, từ đó ít nhiều làm giàu thêm cho tiếng Việt. Bên cạnh đó, các diễn đạt này cho thấy báo chí gần gũi hơn với công chúng báo chí, nhất là giới trẻ, đồng thời qua đó cũng giúp công chúng báo chí nhiều tuổi có thể dễ tiếp cận với một số trào lưu, với các hiện tượng ngôn ngữ mới. Ngoài ra, trong các quảng cáo trên báo chí, sử dụng trend hợp lý sẽ dễ tạo hiệu ứng tích cực, dễ lan tỏa, dễ đọng lại, và từ đó có thể tác động đến hành vi tiêu dùng. Chẳng hạn, một thương hiệu cà phê khá tên tuổi thì dùng trend: “Ờ mây zing, gút chóp ly”;… Những kiểu “đu trend” này thường tạo ra viral (sự lan tỏa) đáng kể, đem lại cảm giác thú vị cho người tiếp nhận.
Tuy nhiên, sử dụng trend trên báo chí nên xem là con dao hai lưỡi. Nếu lạm dụng nó, sử dụng tùy tiện, không sát bối cảnh, văn phong và đối tượng tiếp nhận, không chú ý sáng tạo… thì rất dễ gây ra phản ứng cho công chúng báo chí. Từng có lúc, báo chí rất thường dùng các cụm như “đắng lòng”, “hơi bị…” dẫn đến nhàm chán, đơn điệu và dần gây khó chịu cho người tiếp nhận. Hay trong một số trường hợp cần chỉn chu, nghiêm trang mà lại dẫn các trend không phù hợp thì rõ ràng sẽ phản tác dụng, gây phản cảm. Hay việc lặp lại nhiều lần của các trend, dù là trend mới, thì cũng dễ tạo cảm giác “bắt chước”, “ăn theo” mà thiếu sự đầu tư, sáng tạo, tìm tòi cái mới của riêng mình, kể cả trong nội dung hay ở các quảng cáo, từ đó sẽ dễ khiến gây cảm nhận thiếu tích cực ở công chúng báo chí. Không chỉ vậy, trong nhiều trường hợp, sử dụng các trend trong văn nói, trong giao tiếp thì có thể chấp nhận, nhưng nếu dùng trên báo chí, nhất là khi không có sự chọn lọc phù hợp, thì có thể làm méo mó tiếng Việt. Bởi không ít trend là cách nói không đúng với tiếng Việt hoặc không thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt, mà báo chí thì phải là lực lượng đi đầu trong việc dùng đúng và làm giàu cho tiếng Việt. Do đó, người làm báo phải rất cân nhắc, thận trọng với các trend và đu trend trên từng sản phẩm báo chí của mình.
Trúc Giang
Bình luận (0)