Báo chí trong thời đại 4.0 đã và đang có những sự thay đổi rất nhanh chóng. Trước sự thay đổi đó, giảng viên giảng dạy ngành báo chí đã có sự thích ứng để bắt nhịp và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội. ThS. Trần Phương Nhung – Phó Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế đã có những chia sẻ xoay quanh chủ đề này.
ThS. Trần Phương Nhung cho rằng, giảng viên trong thời đại 4.0 phải thích ứng để đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu xã hội
Thay đổi để cạnh tranh và phát triển
Cách mạng công nghệ 4.0 tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” đối với báo chí truyền thống. Đứng trước thách thức đó, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là bản thân giảng viên ngành báo chí đã có những sự thay đổi để tránh bị tụt hậu.
ThS. Trần Phương Nhung chia sẻ: “Với vai trò là người giảng dạy báo chí, chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế cho sự thay đổi này, bởi lẽ ngay từ khi lựa chọn ngành nghề để theo đuổi, bản thân tôi và những giảng viên khác đều ý thức được đây là lĩnh vực không ngừng phát triển, tốc độ phát triển sẽ ngày càng nhanh, nếu không chuẩn bị sẵn tâm thế thì việc bị tụt hậu sẽ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, bên cạnh việc cung cấp cơ sở lý thuyết, nền tảng vững chắc để sinh viên áp dụng vào hoạt động nghề nghiệp, bản thân chúng tôi cũng ý thức được việc hiểu rõ thị trường lao động, những đòi hỏi của thực tiễn nghề nghiệp là điều rất quan trọng để cung cấp những kỹ năng cần thiết cho sinh viên”.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các talkshow, đối thoại nghề nghiệp, định hướng cho sinh viên, không chỉ chú trọng kiến thức chuyên môn mà cả vấn đề đạo đức nghề nghiệp và ý thức pháp luật. Tôi cho rằng, đây cũng là điều vô cùng quan trọng cho các bạn sinh viên trong quá trình hoạt động nghề nghiệp sau này”, ThS. Trần Phương Nhung nói. |
ThS. Trần Phương Nhung cho biết, bản thân và đồng nghiệp tại đơn vị không ngừng đổi mới cả chương trình và phương pháp giảng dạy thông qua việc lấy ý kiến của sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, nhà khoa học và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người học. “Chúng tôi tăng cường các môn học kỹ năng, thực hành, giảm tải các môn học lý thuyết cho sinh viên. Để giúp sinh viên sớm tiếp cận với nghề, các môn học kỹ năng thực hành được dạy từ học kỳ 2 của năm nhất. Đầu tư cơ sở vật chất giúp sinh viên được học và thực hành trong một môi trường chuyên nghiệp, sử dụng các trang thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm báo chí và truyền thông. Bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ và mời phóng viên, biên tập viên, chuyên gia truyền thông, nhà tuyển dụng… tham gia vào các lớp học và trực tiếp là người đánh giá sản phẩm của sinh viên. Điều này đã tạo ra rất nhiều hứng thú cho sinh viên, giúp các bạn có thêm nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Tăng thời gian thực tập, thực tế của sinh viên, đưa sinh viên về các cơ quan tòa soạn báo chí, doanh nghiệp truyền thông ngay từ năm thứ 2, tăng thời gian thực tập của sinh viên năm cuối lên. Qua đó, nhiều sinh viên sớm trở thành nhân viên tập sự tại các công ty truyền thông, cộng tác viên báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, ThS. Trần Phương Nhung chia sẻ.
Không ngừng học hỏi
Sự phát triển và tồn tại của AI là tất yếu của sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện nay. ThS. Trần Phương Nhung cho rằng người làm báo không nên xem đó là thách thức, thách thức chưa bao giờ đến từ công nghệ mặc dù AI có thể thay thế chúng ta trong rất nhiều công việc và thậm chí đe dọa vị trí việc làm của một số người. Hiểu và sử dụng tốt AI là việc mà theo tôi người làm báo nên làm, thay vì chối bỏ, tránh né, hãy tận dụng tốt những gì AI có thể làm để giảm tải sức lao động cho con người. Sau khi thực sự hiểu AI, chúng ta sẽ biết rằng nó không đáng sợ như chúng ta nghĩ, bởi suy cho cùng AI chỉ là công cụ của con người, nó không thể “đánh cắp” công việc của các nhà báo được. AI không có cảm xúc, đạo đức, lương tâm, tư duy mang bản sắc của nhà báo, góc nhìn đa chiều, những phân tích sắc sảo và quan trọng hơn hết là niềm tin của công chúng vào tên tuổi của một người làm báo nhất định là điều AI không bao giờ thay thế được. Do đó, cần nắm rõ AI có thể làm gì để biến nó trở thành công cụ, là thư ký đắc lực cho người làm báo, bên cạnh đó, nhà báo cũng cần trau dồi ngòi bút của mình để làm những công việc mà AI không thế làm được, tạo ra uy tín, niềm tin cho công chúng, độc giả.
Không chỉ giảng dạy, giảng viên ngành báo chí còn trực tiếp tham gia làm nghề để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy
Cách mạng công nghệ 4.0 tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Điều đó, buộc các giảng viên ngành báo chí phải không ngừng học hỏi, thay đổi và làm mới tư duy, phương pháp. “Bản thân giảng viên đứng lớp, chúng tôi cũng cố gắng trực tiếp tham gia làm nghề, như: cộng tác với các cơ quan báo chí, công ty truyền thông… để vừa tích lũy kinh nghiệm giảng dạy, vừa tạo mối quan hệ cho sinh viên trong công việc. Mặt khác chúng tôi cũng luôn không ngừng học hỏi, tham gia các lớp đào tạo trong và ngoài nước, cập nhật thêm các kiến thức chuyên ngành mới để làm tốt công tác đào tạo cho sinh viên”, ThS. Trần Phương Nhung nói.
Phan Lệ (ghi)
Bình luận (0)