Tôi đậu vào lớp đệ thất Trung học Vĩnh Bình. Ở trọ nhà người cô. Thỉnh thoảng ra sạp báo mua 1 quyển tạp chí nhi đồng về đọc. Mùa hè năm lớp đệ ngũ (lớp 8) 1968-1969, tôi không về quê vì vùng chiến tranh ác liệt. Người cô chuyển gia đình về chợ quận, tôi ở nhà trọ một mình. Tôi tranh thủ đi làm mướn nhưng làm hư hết nên chủ cho về. Tôi ra tiệm thuê sách về đọc. Trong xóm, có một bác chắc là công chức, tôi ngang qua nhà ngày chủ nhật thấy ông cầm tờ báo trước hiên. Lấy can đảm, tôi đến nói chuyện, thấy ông vui vẻ hỏi tôi học lớp mấy, tôi lễ phép trình bày và mượn tờ nhật trình, hứa rằng sẽ trả lại, ông vỗ vai nói chiều qua nhà bác lấy đọc, mở mang trí óc là tốt. Thế là tôi đọc báo và làm quen rồi đến mê tiểu thuyết đăng trang trong, quen với các tác giả như Lê Xuyên, Hàn Giang Nhạn… Đây cũng là vốn liếng để tôi học môn quốc văn thuộc tốp đầu trong lớp.

1.Năm lớp 10, được lớp bầu làm Trưởng ban Báo chí – Văn nghệ. Trường tổ chức cuộc thi bích báo (báo tường) và chia thành 2 cấp: Đệ nhất cấp từ lớp 6 – lớp 9, Đệ nhị cấp lớp 10 – lớp 12. Ban giám khảo là các giáo sư dạy Việt văn. Lớp có một nhóm học sinh (HS) tập hợp tại nhà trọ của tôi thảo luận. Cuối cùng quyết định lấy tên báo là “KHÁT VỌNG”, cả trang báo vẽ hình và viết bằng bút chì. Các bạn tôi như Trương Thanh Bá vẽ dây kẽm gai kéo ngang; Bùi Văn Hoài, Nguyễn Thanh Vân cùng viết bài về khát vọng hòa bình, khát vọng tuổi trẻ học hành giỏi giang, thành đạt. Chữ tôi cũng bay bướm nên được giao viết bài, còn tựa bài thì một bạn khác tài hoa hơn lãnh trách nhiệm…
Tờ báo hình thành, cả bọn ngắm nghía, thấy hả hê. Đem vô lớp, cả lớp vỗ tay. Khi trưng bày, thấy thầy cô và các lớp dưới thán phục, còn các lớp đàn anh thì ngạc nhiên lắm. Tờ bích báo vượt qua vòng loại vào vòng xếp hạng nhưng không được giải, chỉ được ban giám khảo khen là có ý tưởng hay. Cũng nhờ thành tích do tờ bích báo nổi bật màu chì, khát vọng tuổi học trò mà năm lên lớp 11B4 tôi được các bạn bầu vào chức vụ Liên Toán trưởng (trưởng lớp).
Vào đại học tôi chọn Ban Việt Hán và ghi tên vào học phân khoa Báo chí – ĐH Vạn Hạnh. Thế giới báo chí mở ra với phần nhập môn và quyển Lịch sử báo chí Việt Nam của GS. Huỳnh Văn Tòng làm cho tôi náo nức. Nhưng được nửa năm tôi hết tiền đóng học phí nên đành nghỉ. Lúc này chiến tranh ở quê nhà rất dữ dội. Tiền tía má gửi lên rất ít, tôi đành vào thư viện đọc đủ loại nhật trình, tạp chí, nguyệt san, tuần san, bán nguyệt san văn học, kịch trường, âm nhạc, điện ảnh…
Đất nước thống nhất, ĐH Sư phạm và Khoa Giáo dục – ĐH Vạn Hạnh hợp nhất thành ĐH Sư phạm TP.HCM, còn Ban Việt Hán đổi thành Khoa Ngữ văn. Năm học 1975-1976, tôi học năm thứ 4.
Chuẩn bị vào năm học đầu tiên sau hợp nhất, Đoàn trường tổ chức in ronéo tập san của Chi đoàn Ngữ văn. Tôi vào Ban Báo chí – Văn nghệ cùng các bạn dựng vở kịch “Cái chết của người chào hàng”. Vở kịch được Báo Tuổi trẻ viết bài khen ngợi vì sự nỗ lực và sáng tạo.
Về báo chí, tôi cùng anh em làm tờ tập san chào Năm học mới đầu tiên nước Việt Nam thống nhất. Tập san có in bài thơ của tôi “Gửi em năm học mới”. Tập san là một kỷ niệm làm báo thời sinh viên thật gian khổ, ngọt ngào và đậm đà tình bè bạn.

Tôi tốt nghiệp và về dạy tại Trường THPT Đốc Binh Kiều (Cai Lậy, Tiền Giang). Năm 1981, chuyển về Trường Trung học Sư phạm TP.HCM. Năm 1992, Viện Khoa học Giáo dục (GD), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo về kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy và thay sách giáo khoa, tôi lúc đó là Tổ trưởng môn tiếng Việt nên nhà trường cử tham dự hội thảo.
Nhà báo Kiều Phan (Báo Sài Gòn giải phóng) đến trường gặp và nói tôi viết bài về hội thảo. Tôi nhận lời, viết xong gửi cho báo qua đường bưu điện. Một lần nữa nhà báo Kiều Phan gặp tôi cầm theo bài viết. Anh góp ý rất chân tình là bài dài quá, đầy đủ chi tiết, nhưng đây là nhật báo, thông tin đưa lên không cần dài như thế và kêu tôi viết lại, anh sẽ biên tập. Bài được đăng, anh cho tôi tờ báo. Tôi rất vui khi thấy tên mình in trên trang báo Sài Gòn giải phóng. Đây là bài đầu tiên về GD trong đời tôi.
2.Tôi chuyển công tác về Sở GD-ĐT TP.HCM. Tôi được Phòng GD Tiểu học và Ban Giám đốc sở cho phép trả lời báo chí những vấn đề chung do phòng phụ trách và thực hiện. Tôi cũng báo cáo với Ban Giám đốc sở rằng làm GD là sự kết hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Nhà quản lý phải nghe dư luận, nhận thông tin của truyền thông phản ánh và kịp thời đánh giá để có biện pháp GD tốt hơn, điều chỉnh những sai sót, tiêu cực. Đồng thời giải thích để phụ huynh hiểu và cùng nhau GD trẻ.
Tôi thường xuyên được Đài Truyền hình TP (HTV) phỏng vấn hay trực tiếp ghi hình để làm rõ những chủ trương, phương pháp GD trong thời kỳ có nhiều đổi mới. Tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà báo, phóng viên.
Mỗi sáng ra, trên các vỉa hè, quán cà phê lề đường người ta thấy bên ly cà phê người ngồi nhấm nháp từng ngụm cũng đồng thời tay cầm tờ báo. Tôi cũng vậy, trước khi đến Sở GD-ĐT thì ngồi góc quán cà phê lật trang GD. Phần lớn các báo đưa tin GD làm chưa tốt, những cái tít chữ to trên trang báo cứ xoáy vào lòng làm đau nhói con tim. Tôi luôn kiểm điểm, nhìn nhận, trực tiếp xuống trường hay liên lạc điện thoại những chuyện được đưa tin. Giải trình với Ban Giám đốc sở, giải thích với báo chí. Tôi không giận các phóng viên, tôi chỉ buồn vì các bạn chưa hiểu hết, chưa nhận ra hết các hiện tượng với chiều rộng của hoạt động GD mà người dân mong mỏi càng ngày phải được tốt hơn, hay hơn. Tôi cũng tâm sự với các bạn và cũng biết các bạn có nhiều áp lực trong nghề nghiệp.
Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 1995, môn tiếng Việt – đề tập làm văn yêu cầu HS nói về Bác Hồ. HS không đọc kỹ đề nên nói về Bác không đúng. Phóng viên đã tìm được nhiều bài các em viết sai lệch, ngây ngô và phản ánh trên mặt báo tạo ra một cơn “địa chấn” trong dư luận về chất lượng dạy học. Lãnh đạo TP đã mời Sở GD-ĐT lên làm việc và muốn tổ chức lại kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Tôi đã thu thập rất nhiều bài làm tốt của HS trong TP và trình bày với lãnh đạo về tỉ lệ sai sót là có nhưng ở mức độ thấp. Lãnh đạo xem xét và đồng ý.
Hay lần đổi mới đánh giá xếp loại HS tiểu học. Các báo đưa tin rất giật gân về mức ỳ của giáo viên vẫn làm theo cách đánh giá cũ.
Báo chí và GD đồng hành từng ngày, trên từng trang GD. Tôi cũng trả lời, viết bài mà đến hôm nay còn cất giữ hàng trăm bài. Cảm động nhất làm tôi muốn khóc và biết ơn các bạn phóng viên khi HĐND TP khảo sát mức độ hài lòng của người dân trong lĩnh vực công, Ban Giám đốc sở đã chọn GD tiểu học. Hôm công bố kết quả tại UBND TP, Chủ tịch HĐND TP đọc “GD tiểu học đứng đầu với 75% hài lòng, 23% không ý kiến và chỉ 2% chưa hài lòng”. Các phóng viên đưa mắt tìm tôi và cuối buổi họp đến bắt tay chúc mừng với nụ cười tươi. Tôi vô cùng hạnh phúc trong đời làm nhà giáo của mình.
Lê Ngọc Điệp
(Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bình luận (0)