Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo chí trong thế giới phẳng

Tạp Chí Giáo Dục

1. Khoảng thập niên 1930-1940, khi phát thanh trở thành phương tiện truyền thông phổ biến và có sức lan tỏa lớn, người ta đã bắt đầu nói đến sự cáo chung của báo in. Thế nhưng, dù phát thanh đã phát triển rất mạnh mẽ sau đó nhưng báo in không những không chết mà còn tiếp tục lớn mạnh. Đến thập niên 1960, truyền hình lên ngôi và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động thông tin cũng như giải trí, thì cũng có người dự báo chính nó sẽ giết chết báo in. Nhưng, như chúng ta đã biết, báo in dẫu có bị cạnh tranh nhất định thế mà vẫn đường hoàng tồn tại, không chỉ tiếp tục là phương tiện truyền thông thiết yếu mà còn có những những bước phát triển mới.

Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi khi internet ra đời, tiếp theo đó là báo điện tử (hay báo trực tuyến, báo online). Thập niên 1990 chứng kiến sự đổi ngôi đột ngột của truyền thông nhân loại, khi báo in dần mất vai trò của mình, từ khả năng chuyển tải thông tin, định hướng dư luận cho đến là phương tiện giải trí. Đến những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3 thì tình thế trở nên bi đát thực sự đối với báo giấy. Ở Mỹ, Rocky Mountain News đóng cửa vào tháng 2-2009; Seattle Post-Intelligencer chỉ còn xuất bản online; Detroit Free Press và The Detroit News đã cắt giảm giao báo tận nhà còn 3 lần/tuần, trong khi yêu cầu độc giả truy cập vào trang internet của tờ báo vào những ngày khác. Tháng 7-2018, tờ The New York Daily News, có lượng phát hành lớn nhất nước Mỹ, đã giảm một nửa nhân viên. Tại Anh, cuối năm 2008, Independent đã tuyên bố cắt giảm việc làm và đến năm 2016, ấn bản in của Independent đã ngừng hoạt động; tháng 7-2011, tờ báo lá cải có hàng triệu bản News of the World cũng phải đình bản…

Một thống kê cho thấy, số lượng người đọc báo in trên 100 triệu dân đã giảm từ 1.200 người (năm 1945) xuống còn 400 (năm 2014). Cùng thời gian, lượng phát hành bình quân đầu người giảm từ 35% vào giữa những năm 1940 xuống dưới 15%… Ở Việt Nam, trong khoảng 5 năm gần đây, số lượng phát hành của các tờ báo lớn cũng giảm mạnh; một số báo từng đình đám giờ trở nên teo tóp…

2. Báo điện tử đã phát triển thần kỳ trong khoảng 20 năm qua và rất khó đoán rằng nó sẽ như thế nào trong thời gian tới. Mới ngày nào, chúng ta có thể truy cập báo điện tử trên máy tính bàn với sự cập nhật hàng giờ, điều mà chỉ có phát thanh và truyền hình làm được. Trước màn hình, chúng ta có thể chọn những bài, những mục mình yêu thích và dễ dàng copy lại nội dung đó để làm tư liệu. Chính bản thân báo cũng luôn tự tạo ra các thư mục có tính tư liệu, là các vấn đề nổi bật, được sự quan tâm cao, và luôn có các link dẫn dắt người đọc đến các bài cùng mục hoặc có liên quan.

Rồi thì các audio ra đời. Những bài quan trọng được đọc, để người xem trở thành người nghe trong một chốc lát, để họ có thể vừa làm công việc khác. Nhưng chỉ ít lâu, các video gần như chiếm lĩnh vị trí của audio, dù rằng tính năng của nó không thực sự tiện lợi cho công chúng báo điện tử như audio, bởi người xem phải… xem chứ không thể nghe được. Nhưng chính cách này, những hình ảnh sống động được đến với người đọc một cách tiện lợi, không lúc này thì lúc khác, điều mà truyền hình không làm được, vì tính hình tuyến của nó.

Gần đây, về mặt thể loại, những inforgraphic (đồ họa) cả động và tĩnh lại ra đời, giúp cho người đọc hình dung được sự kiện một cách sinh động, chính xác. Chẳng hạn, một vụ khủng bố vừa xảy ra, các báo thiết kế một đồ họa để giúp người đọc biết hung thủ đang ở vị trí nào, các nạn nhân đang ở đâu, hung thủ di chuyển ra sao, hành động thế nào, cảnh sát tiếp cận hiện trường vào lúc nào, họ hành động cụ thể ra sao, kết cục cuối cùng là gì… Như vậy, người đọc dễ dàng nắm bắt được tình huống thay vì phải đọc các bài báo có khi đăng tải cách xa nhau. Hay các loại hình nữa là mega story, e-magazine, long form… tạo ra các tác phẩm vừa có chữ, có ảnh, có video, có inforgraphic…, mà các phần kết nối với nhau, giúp người đọc có thể tuần tự đọc và xem các phần của bài báo.

Hay về sự “linh hoạt” của các tác phẩm báo chí cũng là một lợi thế cho báo điện tử. Vì đưa thông tin rất nhanh, cập nhật rất nhanh nên không tránh được các sai sót, báo điện tử vẫn hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng vài thao tác đơn giản, để thay bài khác, điều mà báo giấy, phát thanh, truyền hình không thể làm được. Không chỉ vậy, sự tương tác của người đọc đối với từng bài báo cũng rất dễ dàng, thuận tiện, và nhiều trường hợp trở thành chất liệu hoặc định tính cho bài báo đó, nhưng người đọc có thể cung cấp thêm thông tin, có thể phản bác một thông tin không chính xác, thái độ của họ đối với thông tin đó… Các đài phát thanh và truyền hình cũng có trang web và đôi khi trang web đó hoạt động như một tờ báo điện tử. Các báo in cũng hoạt động tương tự.

3. Hơn 10 năm nay, chính báo điện tử lại bị những đối thủ khác cạnh tranh quyết liệt. Lúc đầu là các blog, có tính chất như các trang web cá nhân và trong một số trường hợp hoạt động như tờ báo cá nhân, khi mà chủ nhân nó thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh mới. Sau đó là mạng xã hội. Tùy từng nước có thể có những loại mạng xã hội phổ biến riêng nhưng về tổng thể, facebook, twitter, instagram… là những mạng xã hội được dùng rộng rãi ở nhiều nước. Sự liên kết rộng và sự lan tỏa nhanh khiến mạng xã hội được chuộng hơn nhiều so với các blog và do đó, một lượng đáng kể các thông tin về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội cũng được phổ biến từ đây. Chẳng hạn, một vụ tai nạn, một vụ hỏa hoạn, một vụ ẩu đả… có thể được livestream (tường thuật trực tiếp) từ hiện trường do bất kỳ cá nhân nào thực hiện và sau đó báo chí mới tiếp cận, vào cuộc.

Không chỉ vậy, cùng với sự phát triển của công nghệ, của kỹ thuật truyền phát sóng, thay vì dùng máy tính kết nối internet bằng cáp, giờ đây công chúng báo chí có thể tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện thông tin cá nhân, như máy tính bảng, điện thoại, laptop… bằng wifi. Và nhờ vậy, người ta có thể tiếp cận thông tin và truyền tải thông tin ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào miễn có được internet. Các thiết bị và kỹ thuật phức tạp của báo chí các loại hẳn phải đi sau rồi!

4. Vì hoạt động báo chí đã thay đổi căn bản nên hoạt động giảng dạy báo chí cũng đã thay đổi rất nhiều. Khoảng 20 năm trước, sinh viên ngành báo chí ở Việt Nam ra trường có tấm bằng “cử nhân báo chí”, nhưng khả năng hoạt động thực tiễn ít nhiều còn hạn chế, thì hiện nay, điều này đã được khắc phục cơ bản. Hay khi đó, các trường báo chí chủ yếu dạy để viết báo in, những người làm phát thanh, truyền hình phải học thêm nhiều thứ mới tác nghiệp được, còn hiện nay, sinh viên ngành báo chí và truyền thông được học nhiều kỹ năng để có thể tác nghiệp ở nhiều loại hình báo chí, như học quay phim, dựng phim, kỹ thuật phát thanh, kỹ thuật tác nghiệp báo trực tuyến, làm các chương trình talkshow, học dẫn chương trình (MC), quan hệ công chúng (PR), tổ chức sự kiện… Trên thực tế, nhiều người vẫn xem cách dạy để hoạt động báo in là chủ đạo nên trong chương trình giảng dạy và cách dạy có lúc có nơi còn lệch về phía báo in trong khi thực tiễn thì báo in đã nhạt dần vai trò của mình.

Dĩ nhiên, vì báo in có trước, nên nhiều môn học trong ngành báo chí phải dựa trên nền tảng của loại hình này và không thể thay thế. Chẳng hạn, môn biên tập thì trước hết là biên tập cho báo in; hay môn nhiếp ảnh, các kỹ thuật cơ bản cũng từ ảnh cho báo in; các thể tài khác như phóng sự, điều tra, ký… cũng gắn chặt với báo in…

Một sự đổi khác nữa, dạo trước, học ngành báo chí thì hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực báo chí, ai làm việc khác thì coi như trái nghề. Hiện nay, báo chí luôn gắn với truyền thông, nên biên độ rất rộng. Người tốt nghiệp ngành này ngoài làm được nhiều công việc của báo chí thì có thể làm công tác truyền thông, tổ chức sự kiện, quảng bá, PR… cho các cơ quan, doanh nghiệp…

Trong thế giới phẳng, hoạt động báo chí thay đổi rất nhanh chóng. Do đó, không chỉ những người hoạt động báo chí (phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, lãnh đạo các cơ quan báo chí…) phải liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng mà cả các giảng viên dạy báo chí – truyền thông và sinh viên ngành này cũng phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy và học tập. Nhất là với các giảng viên, phải là những người thường xuyên tiếp nhận các kỹ năng, các phương thức làm báo mới mẻ mới có thể truyền thụ đầy đủ, tích cực cho sinh viên của mình. Còn với sinh viên ngành báo chí truyền thông, ở thế giới phẳng này, có lẽ tâm thế của người học để làm cái công việc gắn với quyền lực xã hội như trước đây cần đổi thành tâm thế sẽ gắn kết mọi người lại với nhau nhiều hơn!

Trnh Minh Giang

 

Bình luận (0)