Sắp tới con tôi có chuyến đi chơi cùng trường ở miền sông nước. Điều này làm tôi hết sức lo lắng, nhất là chuyện đuối nước. Bởi dù trẻ có học bơi ở trường nhưng đó cũng chỉ là những hồ bơi nhỏ bé so với sông nước mênh mông. Lúc đầu, tôi có bảo là con không nên đi vì sự an toàn. Chỉ cần nói thế thôi con tôi đã giãy nảy. Trẻ con mà, nghe đi chơi, lại được ngồi trên thuyền ngắm sông thì khoái tít mắt, đâu thể cưỡng lại được. Vả lại, thằng bé nhất định phải đi vì sợ bị trừ điểm môn lịch sử. Dù tôi đã trấn an rằng không có thầy cô nào trừ điểm vô lý như thế nhưng cháu nhất định không chịu ở nhà. Vì vậy, tôi đành chiều theo con. Mà thầy cô cũng lạ, hà cớ gì lại dọa học sinh bằng điểm số (nếu không đi du lịch) để trẻ phải lo sợ.
Tôi có liên hệ với nhà trường về vấn đề an toàn của học sinh khi đi chơi thì nhà trường chắc chắn rằng sẽ bảo vệ các cháu mọi lúc, mọi nơi. Nhưng theo tôi tìm hiểu thì chỉ có vài thầy cô giám thị đi theo quản trẻ so với số học sinh lên đến hàng trăm thì đó là một sự so le. Đồng ý rằng khu du lịch sẽ cung cấp áo phao khi lên thuyền, có đội ngũ hướng dẫn viên chỉ dẫn tận tình nhưng hiểm họa sông nước luôn rình rập trẻ. Vì vậy, muốn chuyến du lịch vui vẻ trọn vẹn thì nhà trường nên tăng cường đội ngũ thầy cô để quản học sinh trong suốt hành trình cũng như chọn những người bơi giỏi (hoặc biết bơi) theo sát học sinh mọi nơi, nhất là khu vực gần sông. Không cho trẻ đùa giỡn trên thuyền và tuyệt đối không cởi áo phao ra; nên hướng học sinh hoạt động theo nhóm 5 hoặc 10 người để tự quản nhau. Khi có bạn tách nhóm thì báo ngay cho thầy cô biết… Riêng về phần phụ huynh, cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết về thoát hiểm, sinh tồn cũng như liên lạc, cầu cứu khi đi du lịch, nhất là nơi sông nước. Đó không phải là thừa vì không ai bảo vệ, chăm sóc con cái tốt hơn cha mẹ.
Nguyễn Hoàng Duy
Bình luận (0)