Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ mầm non: Cẩn trọng từ những việc nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt tai nạn đáng tiếc đã xảy ra ở trường học, gần đây nhất là cái chết của cháu bé độ tuổi mầm non (MN), một lần nữa đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về sự cần thiết của cán bộ y tế (CBYT) chuyên trách trong trường học để kịp thời sơ cứu khi cần thiết.

Trẻ mầm non cần được chăm sóc và nuôi dạy cẩn trọng. Ảnh: Trung Kiên

Với các trường MN, sự việc ấy thêm một lần nhắc nhở giáo viên các trường không thể lơ là trong việc thực hiện quy chế nuôi dạy để bảo đảm sức khỏe cho trẻ, bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ…

 

Không chỉ đơn giản là đón – trả trẻ

Quy chế nuôi dạy trẻ yêu cầu giáo viên phải biết tình hình sức khỏe của trẻ khi đến trường và quy định: trẻ sức khỏe bình thường mới được nhận vào lớp. Trẻ bị bệnh dịch (sởi, thủy đậu, quai bị…), sốt cao hoặc có triệu chứng bất thường thì cần giao lại cho gia đình để kịp thời đưa trẻ đi khám bệnh… Những điều này lại vừa được Sở GD – ĐT Hà Nội quán triệt tới các trường MN nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ. Cũng bởi thế, với công việc tưởng chừng như rất nhỏ của các cô giáo mỗi ngày là đón – trả trẻ lại thực sự không hề đơn giản. Để nhận biết trình trạng sức khỏe của cháu, các cô có rất nhiều cách: sờ trán, áp má, nhìn mắt, thậm chí chỉ nghe tiếng thở… Theo quy định, những trẻ bị ốm nhẹ như sổ mũi, hắt hơi, hoặc ho nhẹ có gửi thuốc được ghi lại trong sổ.

 

Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng nhận được sự quan tâm chu đáo của gia đình. Không ít phụ huynh vì mải công việc mà phó mặc hoàn toàn cho cô. Hiệu trưởng một trường MN quận Long Biên cho biết, đã có trường hợp trẻ bị ốm đột xuất, nhà trường phải gọi điện thoại vài lần, hết cho bố lại mẹ, mãi mới có người đến. Còn cô giáo trường MN Minh Cường (Thường Tín) kể: Có cháu bị gãy chân bó bột, hoặc sốt cao mà bố mẹ vẫn đưa đến gửi vì mọi người còn bận đi làm. Lại có gia đình con bị sốt dịch cũng không biết. Có người còn giấu không cho cô biết con mình bị ốm. Tuy nhiên, không phải lúc nào các cô giáo cũng có thể trao đổi với gia đình như vậy. Hầu hết các trường đều cho rằng khó có thể cứng nhắc thực hiện theo quy định: trẻ sức khỏe bình thường mới được nhận vào lớp. Các cô giáo cho biết, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, có khá nhiều trẻ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi vào buổi sáng kiểu như dị ứng thời tiết, sau đó lại hết, rất khó phân biệt với những bệnh lý có cùng triệu chứng. Nhưng lại có trẻ lúc đón bình thường, tới trưa lại có biểu  hiện bất thường… vì vậy, việc đón – trả trẻ mỗi ngày với cô giáo phải rất cẩn trọng để xác định chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ để cùng gia đình chăm sóc trẻ tốt nhất.

 

Khi nào có cán bộ y tế chuyên trách? 

Sự cần thiết của cán bộ y tế (CBYT) chuyên trách trong trường học là điều không thể phủ nhận, song thực tế hiện nay, hầu hết CBYT trường học đều là kiêm nhiệm – tức là vừa làm giáo viên hoặc nhân viên kiêm CBYT. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ CBYT trường học chuyên trách trung bình ở các cấp học chỉ đạt 15,1%, trong đó thấp nhất là ở khối mầm non với 5,9% – điều rất đáng lo ngại, bởi đây là cấp học với đối tượng HS phải chăm chút nhiều nhất. Hà Nội có số lượng CBYT trường học chuyên trách ở các cấp học đạt khá cao – với 65%, song với khối MN cũng còn nhiều gian nan. Trong số 22 trường MN quận Hoàn Kiếm, chỉ có 5 trường có CBYT chuyên trách; Hoàng Mai có 3/18 trường; Long Biên có 6/30 trường; Ba Đình có 2/20 trường…

 

Cách đây chưa lâu, đang trong giờ ăn tại một trường MN quận Long Biên, bỗng có một trẻ gục mặt xuống bàn, khi kiểm tra thấy không bình thường. Trước khi đưa tới bệnh viện, cháu đã được đưa xuống phòng y tế sơ cứu. Theo các bác sỹ, cháu bị cảm đột ngột, nếu không được sơ cứu kịp thời mà đưa thẳng tới bệnh viện thì rất nguy hiểm…

 

Dư luận đã rất nhiều lần đề cập tới sự cần thiết của CBYT chuyên trách trong trường học, bởi họ được đào tạo bài bản và biết cách giải quyết những tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ nhỏ và HS, khác với người làm kiêm nhiệm chỉ được học vài khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ. Tuy nhiên, mãi tới năm 2007, Bộ GD – ĐT và Bộ Nội vụ mới có thông tư hướng dẫn về việc tuyển biên chế CBYT cho các trường MN.

 

Trước đó, nhiều nơi đã tạo điều kiện để các trường MN tuyển dụng CBYT chuyên trách, song theo phản ánh, với mức lương thấp (khoảng một triệu đồng/người/tháng), nên ít người mặn mà. Nhiều người muốn xin vào làm ở các phòng khám hoặc bệnh viện tư vì mức lương hấp dẫn hơn. Tình trạng các trường MN thiếu CBYT chuyên trách lại càng thiếu…

 

Thống Nhất (Hà Nội mới)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)