Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động bệnh dại tăng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những tháng vừa qua, hàng loạt trường hợp bị chó cắn xảy ra ở nhiều địa phương khiến người dân lo ngại. Trong đó trên địa bàn tỉnh Nghệ An, một xã có đến 53 trường hợp bị chó cắn. Tính đến nay, ở Nghệ An và Thanh Hóa đều đã có trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ

53 người bị chó cắn trong một xã

Đó là xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Theo thống kê của Trạm y tế xã Thanh Mai, tính đến ngày 22-3-2017, toàn xã có 53 người bị chó cắn, riêng ở xóm Nam Sơn là 40 người. Trong số đó, chỉ có 17 người đã tiêm phòng bệnh dại, còn 36 người chưa tiêm. Đáng lưu ý trong số 36 người chưa tiêm có 22 người (phần lớn ở xóm Nam Sơn) đang sử dụng thuốc nam để chữa bệnh. Điều đáng tiếc trong số 53 trường hợp bị chó cắn, đã có 1 người tử vong vì bệnh dại. Đó là em Lê Việt Hoàng (4 tuổi, thuộc xóm Nam Sơn). Được biết, Hoàng bị chó nhà nuôi cắn vào ngày 17-1-2017. Nghe lời dân trong xóm, cha mẹ đã đưa em xuống Cửa Lò chữa trị bằng thuốc nam. Sau 1 tháng uống thuốc, thầy lang cho biết đã hết virus, nhưng đến ngày 19-3 Hoàng bị lên cơn dại. Lập tức cha mẹ đã đưa em xuống BV Sản Nhi, rồi lại chuyển đến BV Nhi Hà Nội nhưng em không qua khỏi và tử vong vào ngày 22-3.

Theo ông Hà Quang Nam (Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai), ngay sau khi có trường hợp tử vong, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền, đưa người đi tiêm phòng, thực hiện tiêm phòng cho chó trên toàn xã, tiến hành phun hóa chất khử trùng tại xóm. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu không được dịch chuyển đàn chó trên địa bàn, nhưng người dân nhanh chóng bán đổ bán tháo với giá rẻ cho các thương lái.

Trong tháng 2 và tháng 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do chó cắn. Đó là chị Đ.T.H (33 tuổi, ngụ xã Xuân Du, huyện Như Thanh) và em Ly Văn Xuân (11 tuổi). Sau đó, con chó này đã cắn 6 người nữa. 2 trong số 7 người bị chó cắn đã đi tiêm phòng bệnh dại. Riêng em Xuân không đi tiêm phòng mà chỉ được sơ cứu bằng thuốc lá và xử lý vết thương tại nhà. Đến ngày 5-3, tình trạng sức khỏe của Xuân trở nên xấu đi với các triệu chứng đau đầu dữ dội, mệt mỏi, sốt cao, khó thở, la hét, tăng tiết đờm dãi, nên đã được đưa đến BV Đa khoa huyện Mường Lát cấp cứu. Mặc dù các BS đã tích cực điều trị nhưng không cứu được em.

Nguy cơ bệnh dại tăng cao

Theo PGS.BS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế), bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, trong đó miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại, với hơn 80% số ca tử vong. BS Phu khuyến cáo, người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của công tác phòng chống bệnh dại trong thời gian sắp tới, Cục Thú y Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ chú trọng nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại cho 4 phòng xét nghiệm của ngành thú y gồm: Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Cơ quan Thú y vùng V, Cơ quan Thú y vùng VI và Chi cục Thú y TP.HCM. 

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 12 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nguy cơ bệnh dại tăng cao bắt đầu từ thời điểm này. Một trong những nguyên nhân khiến số ca bệnh dại còn cao là do công tác quản lý và đăng ký nuôi chó ở các địa phương chưa được chặt chẽ, tình trạng chó thả rông còn phổ biến nhất là ở nông thôn, công tác tiêm phòng chó nuôi chưa được thực hiện đầy đủ, nạn nhân chủ quan không đi khám và điều trị ở cơ sở y tế chiếm tới 65% số ca tử vong.

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 14 tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại (trong đó có Nghệ An), 14 tỉnh có nguy cơ trung bình (trong đó có Thanh Hóa) và 35 tỉnh có nguy cơ thấp (trong đó có TP.HCM). Căn cứ vào nguy cơ của từng vùng, bộ đề xuất các địa phương áp dụng những giải pháp chủ đạo gồm tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người, quản lý chó nuôi (nuôi nhốt hoặc xích chó trong khuôn viên gia đình), tăng cường truyền thông trong cộng đồng… Riêng đối với vùng đang có ổ dịch, UBND cấp xã phường cần thành lập tổ hoặc đội bắt chó có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mắc bệnh dại và chó thả rông trong vùng có ổ dịch dại để xử lý. Theo đó, bộ sẽ xem xét hỗ trợ vaccine từ quỹ dự phòng vaccine dại để xử lý ổ dịch bệnh dại động vật tại những địa phương có nhu cầu.

Bài, ảnh: Vũ Phương

Bình luận (0)