Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động chuyện học sinh… chém nhau!

Tạp Chí Giáo Dục

Em Trà Phan Lợi – nạn nhân của vụ học sinh chém nhau trước cổng trường THPT Phan Đăng Lưu đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Thời gian gần đây, nạn bạo lực học đường bùng phát nghiêm trọng, liên tiếp những vụ học sinh “thanh toán” nhau theo kiểu băng nhóm xã hội đen. Nhiều vụ đánh, chém gây thương tích xuất phát từ những nguyên nhân… rất đơn giản!
 “Xử nhau” theo kiểu… xã hội đen!
Ngày 24-11-2008 Phạm Hoài Ân – học sinh lớp 12A2 thấy Nhung – bạn gái Hoàng Văn Phong – 12A3 chờ lâu trước cổng trường nhưng Phong không ra đưa bạn gái về, thấy vậy, Ân vào gọi Phong ra. Lúc này Phong đang chơi bóng chuyền, nghe Ân gọi nên bực mình quát: “Đây là chuyện của tao”. Và sau đó, Ân gọi bạn cùng lớp ra đánh Phong. Từ mâu thuẫn đó, lúc 11 giờ 30 ngày 25-11-2008, Phong gọi thêm bốn đồng bọn là thanh niên từ nơi khác mang dao đến trước cổng trường “tính sổ” Ân để trả thù. Vụ trả thù gây náo động cổng trường THPT Gò Vấp. Kết quả, Phạm Đoàn Châu Tuấn và Nguyễn Trọng Tài – học sinh lớp 12A3 Trường THPT Gò Vấp, là bạn học của Ân bị chém ở tay và vai, phải nhập viện cấp cứu. Bam giám hiệu Trường THPT Gò Vấp cũng đã đình chỉ việc học của Phong và Ân.
Vào ngày 25-11-2008, tại cổng trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh xảy ra vụ học sinh “thanh toán” nhau bằng hung khí gây khiếp đảm học sinh trong trường và làm cho các bậc phụ huynh hoang mang. Theo điều tra của Công an phường 6, quận Bình Thạnh: Lúc 11 giờ 45 ngày 25-11 học sinh Trà Phan Lợi vừa ra đến cổng thì bị một nhóm thanh niên dùng mã tấu chém tới tấp khiến cánh tay Lợi gần đứt lìa và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước đó, cũng tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, do xúc phạm nhau, hai học sinh khác đánh nhau đến… gãy sống mũi. Ban giám hiệu nhà trường đã đưa hai em ra hội đồng kỷ luật.
Em Trà Phan Lợi cho biết: “Em ra cổng trường mua nước rồi nhìn thấy Nam – bạn cũ em đứng đó nên nán lại chào hỏi vài câu. Tự nhiên thấy hai xe máy ập tới, xe nào cũng chở ba. Một tên mặc áo trắng dùng mã tấu chém vào người em nhưng chém hụt. Tên đó chém liên tiếp, em đưa tay đỡ đến khi chịu không nổi thì tháo chạy và ngất xỉu”. Khi hỏi về nguyên nhân, em Lợi cho biết: “Nghe bạn em nói do ba mẹ Nam là giáo viên vừa đuổi học một bạn nào đó nên bọn này tìm Nam “tính sổ”. Do thấy em đang nói chuyện với Nam nên chúng tưởng em là đồng bọn nên chém luôn. Em nhận thấy một tên trong nhóm này mặc đồng phục Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Nam thoát được vụ này nhưng ngay hôm sau bị chém ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu”.
Ông Đỗ Vĩnh Ngọc – Công an phường 6, quận Bình Thạnh cho biết: “Vụ học sinh đánh, chém nhau tại Trường Phan Đăng Lưu có liên quan đến học sinh trường khác. Nhiều em học sinh là nhân chứng khai đối tượng chém em Lợi mặc áo có logo Trường Hoàng Hoa Thám. Còn phụ huynh đến đón con cho biết đối tượng gây ra vụ “thanh toán” táo tợn này mặc đồng phục có logo Trường Nguyễn Thị Diệu. Mấy ngày sau đó tiếp tục xảy ra vụ học sinh đánh nhau tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu có liên quan đến bạn của Lợi. Công an địa phương có bắt được một số đối tượng, chúng tôi có tổ chức cho các nhân chứng nhận dạng nhưng do sự hung hãn của đối tượng gây án nên học sinh trong trường không dám nhận dạng vì sợ bị trả thù”. Ông Ngọc còn cho biết, gần đây cũng có một vụ án “trẻ con” mang đậm dấu ấn… xã hội đen. Đó là nhóm học sinh lớp 6 Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh trấn lột một bạn học. Nhóm học sinh này biết một bạn cùng lớp là con nhà giàu nên đe dọa, buộc em này phải cống nộp tiền, mỗi lần 1 triệu đồng. Em này sợ quá nên về nhà lấy cắp tiền của cha mẹ để cống nộp. Đến khi không có tiền nộp nên bỏ trốn, cả nhóm học sinh “giang hồ” này kéo đến nhà nạn nhân. Cha mẹ nạn nhân thấy nhóm học sinh lạ, lại có dấu hiệu nghi ngờ nên báo công an. Nhóm học sinh này khai đã trấn lột của em học sinh này được khoảng 7, 8 triệu đồng. Vì đối tượng gây án còn quá nhỏ nên công an phường chỉ xử lý hành chính, buộc phụ huynh bồi thường tiền trấn lột lại cho gia đình nạn nhân.
Đừng “khoán trắng” cho nhà trường
Có thể nói, thời gian gần đây nạn bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề nhức nhối làm “đau đầu” gia đình, nhà trường và xã hội. Việc tìm ra những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn cũng như xử lý kịp thời vấn đề này vẫn là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ cho những người có liên quan.
Thầy Võ Văn Liễu – Phó hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp nói: “Vụ việc đang được cơ quan công an địa phương điều tra làm rõ. Về phía nhà trường, chúng tôi đã xử lý kỷ luật, đình chỉ học một năm đối với hai em Ân và Phong”. Trung tá Nguyễn Quang Trọng – Trưởng công an phường 3 quận Gò Vấp cho biết: “Xét thấy đây là vụ án học sinh “trả thù” nhau rất nghiêm trọng, có liên quan đến thanh niên bên ngoài nên đã chuyển hồ sơ lên Phòng Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp. Hiện hai em Tuấn và Tài vẫn đang điều trị, chưa có kết luận giám định mức độ thương tật”. Liên quan đến vụ học sinh chém nhau trước Trường THPT Phan Đăng Lưu, thầy Ngô Thanh Hải – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vụ việc xảy ra bên ngoài trường nhưng có liên quan đến học sinh của trường. Công an địa phương đang điều tra”. Về vụ em Lợi bị chém, Công an phường 6, quận Bình Thạnh cho biết: “Nguyên nhân đến nay vẫn chưa được xác định rõ, sau khi gây án đối tượng đã trốn thoát hết nên phường phải chuyển hồ sơ lên Phòng Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh. Có nhiều khả năng vụ này và vụ học sinh chém nhau tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu có liên quan. Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: “Bạo lực học đường ngày càng tăng là do các em thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Các em có biểu hiện ban đầu về rối nhiễu hành vi. Việc giáo dục học sinh không thể “khoán trắng” cho nhà trường mà gia đình, xã hội cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục và ngăn chặn. Nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực học đường là do cách giáo dục của gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn chưa thật sự chú trọng giáo dục các em làm người mà chỉ chú trọng đến việc dạy chữ. Môi trường xã hội hiện nay cũng làm cho các em bị ảnh hưởng. Game bạo lực, sách vở trôi nổi… dẫn đến việc rối nhiễu hành vi của các em. Để giải quyết vấn đề này cần phải dạy các em về nhân cách con người, về cách ứng xử, dạy các em định hình về lối sống, định hình hành vi, thực hành xã hội.
Công Việt

Bình luận (0)