Hiện nay, Youtube thu hút nhiều người, đặc biệt là giới trẻ bởi sự tiện ích, đa dạng về thông tin. Tuy nhiên, Youtube cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho giới trẻ bởi một số nội dung thiếu tính giáo dục.
Trò dán băng dính khi ngủ (hình ảnh cắt từ clip) |
Biến tướng
Đầu năm 2017, nhiều video xoay quanh nhân vật Elsa, Spiderman… do chính người Việt Nam sản xuất có nội dung phản cảm đăng tải trên Youtube và được truyền trên các trang mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Những bộ phim hoạt hình thuộc thể loại cosplay (tạo hình giống nhân vật trong truyện) được rất nhiều trẻ em ưa chuộng. Điển hình nhất trong thời gian gần đây là bộ phim có tựa đề “Người Nhện và Nữ hoàng Băng Giá” (tên tiếng Anh là Spiderman Elsa) được hàng trăm triệu đứa trẻ theo dõi và tìm kiếm mỗi ngày. Nắm bắt tâm lý này, hàng loạt clip gắn mác “phim hoạt hình” xuất hiện tràn lan.
Phim hoạt hình là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với trẻ em nhưng không ít phim đã biến tướng với nhiều hoạt cảnh, clip ngắn không phù hợp với độ tuổi của các em. Nhắm đến đối tượng trẻ em giúp cho những clip này có lượng xem rất lớn, bởi lẽ trẻ em thường dành nhiều thời gian để xem video trên Youtube có thói quen xem lui xem lại một đoạn clip… điều này sẽ giúp tăng lượng xem của các đoạn clip. Chính lượng xem lớn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhóm làm phim thông qua quảng cáo trên Youtube.
Không ít phụ huynh phải giật mình khi xem những thước phim “gắn mác” là “phim thiếu nhi”, “phim ngắn cho giới trẻ” nhưng nội dung phản cảm, dung tục. Nhân vật khoe thân nhiều hơn, hành động phản cảm, dung tục, bạo lực, không những không gắn mác 18+ mà lại hướng tới đối tượng xem chính là thiếu nhi, trẻ em.
Mức độ nguy hiểm không chỉ dừng lại ở đó, Youtube còn là nơi để những người trẻ thích thể hiện mình với những trò tiêu khiển vô bổ và có phần mạo hiểm. Trên kênh Prank HD, hàng loạt clip ngắn như: Hút thuốc lá khi ngủ, uống coca với nước mắm, trò đùa đốt lông nách, dán băng dính khi ngủ… Điều đáng báo động là những clip này lại được nhiều bạn trẻ thích thú và hào hứng làm theo. Điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… những đồ dùng công nghệ cao ngày nay trở thành thiết bị quen thuộc mà đứa trẻ nào cũng có thể sử dụng thành thạo. Không ít những đứa trẻ chỉ mới học mẫu giáo nhưng đã “lướt” smartphone. Sẽ chẳng ai có thể nói trước được hậu quả khi những đứa trẻ xem các clip ngắn như thế và học cách làm theo.
Ảnh hưởng lâu dài
Dù đã có rất nhiều cảnh báo về hậu quả của việc “nuôi con bằng smartphone” nhưng không ít phụ huynh vẫn thờ ơ với vấn đề này. Với những trẻ đang trong độ tuổi dễ thu nhận và ghi nhớ lâu, những clip lạ, độc đáo luôn thu hút trẻ, kích thích trẻ làm theo. Điều này rất nguy hiểm vì thời gian ảnh hưởng lâu dài. Mạng xã hội, Youtube luôn tồn tại những “mặt trái” mà nếu không có sự định hướng, trẻ em rất dễ dẫn đến những hành động tiêu cực, gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người xung quanh.
Sự tràn lan của các clip giải trí “bẩn” với những nội dung phản cảm, phi giáo dục đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Khi người trẻ tiếp cận với những thông tin thiếu tính giáo dục này quá nhiều sẽ dễ đẩy đến những hậu quả khó lường. |
Theo Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT mới được Bộ TT&TT ban hành tháng 12-2016, những đơn vị cung cấp nội dung qua biên giới như Youtube, facebook… phải có trách nhiệm xử lý các thông tin vi phạm quy định quản lý của Việt Nam khi được Bộ TT&TT có văn bản đề nghị phối hợp xử lý. Đầu năm 2017, sau khi được báo chí và truyền thông phản ánh về nhiều clip “người lớn” đội lốt trẻ em, các clip này đã bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều clip chỉ đơn thuần chặn IP tại Việt Nam (không cho phép truy cập từ Việt Nam) nhưng vẫn tồn tại và có thể truy cập từ nước ngoài. Đây là kẽ hở để người truy cập càng hiếu kỳ và có thể dễ dàng tìm xem chỉ với vài thao tác nhanh gọn.
Không thể phủ nhận sự phát triển của mạng xã hội phát triển, các kênh như Youtube đã mang đến cho người dùng nhiều kiến thức và niềm vui mới mẻ. Thế nhưng, hằng ngày, không ít thông tin biến tướng vẫn đang “đầu độc” người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Sự tràn lan của các clip giải trí “bẩn” với những nội dung phản cảm, phi giáo dục đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Khi người trẻ tiếp cận với những thông tin thiếu tính giáo dục này quá nhiều sẽ dễ đẩy đến những hậu quả khó lường.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)