Phần thứ 3 của báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được công bố ngày 4.4, hoàn tất 10.000 trang báo cáo báo động đỏ của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Hai báo cáo trước đó công bố tháng 8.2021, tháng 2.2022.
Phương tiện giao thông di chuyển trên tuyến đường tại Berkeley, California, Mỹ, tháng 2.2022.
"Bây giờ hoặc không bao giờ"
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần đạt đỉnh trước năm 2025 để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các giải pháp đang ở trong tầm tay, các quốc gia đang hành động và một số chi phí công nghệ xanh quan trọng đã giảm trong những năm gần đây.
Nhìn chung, vẫn có hy vọng và các chính sách về khí hậu có thể tích cực cho sự phát triển kinh tế. Ví dụ, từ năm 2010 đến 2019, chi phí năng lượng mặt trời giảm 85%, năng lượng gió 55% và pin lithium-ion 85%. Trong cùng khoảng thời gian này, việc triển khai năng lượng mặt trời đã mở rộng gấp 10 lần và con số này là 100 lần với xe điện.
Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết: "Chúng ta đang ở giao lộ. Những quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ có thể đảm bảo một tương lai sống được. Chúng ta có các công cụ và bí quyết cần thiết để hạn chế sự nóng lên".
Báo cáo của Nhóm Công tác III của IPCC (WGIII) tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải, cũng như chi phí, phương pháp và tác động với các lĩnh vực và công nghệ. Báo cáo do 278 nhà khoa học thực hiện và được công bố sau các cuộc đàm phán giữa các tác giả và các quan chức chính phủ từ gần 200 quốc gia. Đây là kỳ đánh giá thứ ba và cuối cùng trong nhiều năm của IPCC về khoa học, tác động và giải pháp với biến đổi khí hậu. Đây là báo cáo gây tranh cãi nhất trong ba báo cáo, Straits Times lưu ý. Điều này là do báo cáo giải quyết những vấn đề khó nhất trong biến đổi khí hậu do con người tạo ra: Nhu cầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, tốc độ cần phải thực hiện và chi phí khổng lồ trong việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu bằng cách đi theo hướng xanh, đặc biệt là với các quốc gia nghèo hơn.
“Nếu không giảm phát thải ngay lập tức và sâu trên tất cả các lĩnh vực, thì việc kiềm chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là điều nằm ngoài khả năng” – IPCC cảnh báo. Hạn chế nóng lên ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp là mục tiêu chính của thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Vượt quá ngưỡng này, Trái đất trong tương lai sẽ có thời tiết khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng nhanh hơn – điều mà nhân loại chưa từng trải qua. Hiện thế giới đã nóng lên 1,1 độ C.
Theo IPCC, việc hạn chế sự nóng lên ở mức khoảng 1,5 độ C đòi hỏi lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải đạt mức đỉnh điểm muộn nhất là trước năm 2025 và giảm 43% vào năm 2030. Khí mêtan, chất gây giữ nhiệt trong khí quyển mạnh hơn CO2, cũng sẽ cần giảm khoảng 1/3. “Nếu chúng ta muốn hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thì thời điểm là bây giờ hoặc không bao giờ" – đồng chủ tịch WGIII, Giáo sư Jim Skea của Đại học Hoàng gia London, cho biết.
9% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm
Cùng ngày 4.4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin: "Gần như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) hít thở không khí vượt quá giới hạn chất lượng không khí của WHO và đe dọa sức khỏe của họ". Trong báo cáo cách đây 4 năm, WHO phát hiện ra hơn 90% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kể từ đó tới báo cáo mới nhất, WHO đã siết chặt các giới hạn về vấn đề này, AFP lưu ý.
Nghiên cứu của WHO cung cấp dữ liệu chất lượng không khí từ hơn 6.000 thành phố và thị trấn ở 117 quốc gia. Tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, phát hiện này rất đáng báo động và nêu bật tầm quan trọng của việc nhanh chóng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Những lo ngại về năng lượng hiện nay nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch hơn, lành mạnh hơn. Giá nhiên liệu hóa thạch cao, an ninh năng lượng và sự cấp bách của việc giải quyết các thách thức sức khỏe kép là ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, nêu bật nhu cầu cấp bách phải tiến nhanh hơn tới một thế giới ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch".
Báo cáo cung cấp dữ liệu về nồng độ của các hạt vật chất nguy hiểm có đường kính từ 2,5 đến 10 micromet (PM10) và các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5). PM2.5 bao gồm các chất độc như sunfat và carbon đen, gây nguy cơ sức khỏe lớn nhất vì có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ tim mạch. Lần đầu tiên, báo cáo công bố ngày 4.4 của WHO cũng cung cấp kết quả các phép đo trên mặt đất về nồng độ trung bình hàng năm của nitơ điôxít (NO2) – chất gây ô nhiễm đô thị phổ biến có liên quan đến các bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn.
Báo cáo của WHO chỉ ra, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm dạng hạt tồi tệ hơn nhiều ở các nước nghèo hơn nhưng hầu hết các thành phố trên thế giới đều phải đối phó với nitơ điôxít. Trong khi không khí ở 17% thành phố thuộc các quốc gia có thu nhập cao có ngưỡng PM2.5 hoặc PM10 dưới mức tiêu chuẩn của WHO về chất lượng không khí thì chưa đến 1% thành phố ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đạt ngưỡng khuyến nghị. Trong số khoảng 4.000 thành phố ở 74 quốc gia đã thu thập dữ liệu NO2, các phép đo cho thấy 23% người dân hít thở khí có nồng độ trung bình hàng năm đáp ứng các mức trong hướng dẫn cập nhật gần đây của WHO.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)