Thay vì ê-kíp cấp cứu của một bệnh viện (BV) phải tự xoay xở với tình trạng “thập tử nhất sinh” của bệnh nhân (BN) thì nay nhiều BV tại TP.HCM “bắt tay nhau” để cứu sống BN. Đó chính là quy trình báo động đỏ liên viện (BĐĐLV)…
Các bác sĩ và điều dưỡng BV Thống Nhất chuẩn bị cấp cứu cho một BN vừa nhập viện (ảnh chụp ngày 7-10). Ảnh: M.Châu |
Chớp “thời gian vàng” cứu nhiều BN
Sáng 21-9, BV Thống Nhất tiếp nhận BN Nguyễn Thị Hiếu Thảo (20 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn) đang mang thai ở tháng thứ 9 trong tình trạng nguy kịch: co giật toàn thân, sùi bọt mép, huyết áp rất cao, sau đó ngưng tim và ngưng thở. Các triệu chứng cho thấy BN bị sản giật nặng, thai nhi có nguy cơ tử vong cao. Vấn đề lo ngại nữa là BV không có khoa sản, khoa nhi nhưng BN cũng không thể chuyển viện vì có thể gây nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con. Ngay lập tức, các bác sĩ BV Thống Nhất đã hồi sức cấp cứu cho BN này và Phòng Hành chính – Tổng hợp liên hệ với BV Hùng Vương qua hỗ trợ.
BS.CKII Trương Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Thống Nhất cho biết: “Chưa đầy 30 phút, 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng của BV Hùng Vương đã có mặt để kịp thời phối hợp với các bác sĩ của BV chúng tôi phẫu thuật lấy thai nhi. Sau đó, chị Thảo được giữ lại BV Thống Nhất, còn con của chị được đưa về BV Hùng Vương chăm sóc”. Được biết BN này đã sinh được một bé trai cân nặng 3,4kg và hai mẹ con vừa mới xuất viện.
Trước đó, BV Q.Thủ Đức cũng đã giành lại sự sống cho một BN nguy kịch nhờ quy trình BĐĐ. Theo đó, BN Lê Phước Lê (36 tuổi, ngụ tại Bình Dương) nhập viện trong tình trạng gãy xương chậu, toác khớp mu, toác khớp vùng chậu, xuất huyết nội… Ngay lập tức, BV đã huy động các bác sĩ liên khoa khẩn trương đến phẫu thuật. Sau 3 giờ phẫu thuật, BN đã qua khỏi nguy kịch.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều BN đã được cứu sống bằng quy trình BĐĐLV. Các BV Nhi đồng 1, Q.Thủ Đức, Hùng Vương… đã triển khai mô hình này từ nhiều năm nay. Theo đó, quy trình BĐĐ cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chuẩn, xét nghiệm, siêu âm để chuyển BN từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ. Chỉ từ 5-10 phút, các bác sĩ đã được huy động kịp thời để sẵn sàng cứu sống BN.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức chia sẻ: “Quy trình này đã chớp lấy “thời gian vàng”, huy động nguồn lực bác sĩ kịp thời và bỏ qua nhiều quy trình để cứu sống những BN nguy kịch. Nếu không chớp “thời gian vàng”, cho dù có cứu sống được thì BN cũng bị di chứng…”.
BĐĐ sẽ được “phủ sóng” toàn TP
Theo bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Nhi đồng 1: “Sự thành thạo trong điều trị cấp cứu chỉ có bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu mới thực hiện tốt, các bác sĩ khoa khác (nội tổng quát, ngoại khoa) chưa thành thạo, bác sĩ trẻ chưa có kinh nghiệm. Nhiều trường hợp cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như trường hợp sốc mất máu sau đa chấn thương cần phẫu thuật ngay nhưng hiện các BV thực hiện còn chậm trễ, chưa có quy trình”.
Từ thực tế này, bác sĩ Quang Minh cho rằng việc mở rộng quy trình BĐĐLV là điều hết sức cần thiết để kịp thời cứu sống các BN.
BV Nhi đồng 1 bắt đầu áp dụng quy trình BĐĐLV cho những ca siêu khẩn cấp từ năm 2010 nên đã cứu sống hàng chục bệnh nhi nhập viện trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Tất cả bác sĩ của BV phải mở điện thoại 24/24 giờ, khi nhận tín hiệu báo động ca khẩn cấp để nhanh chóng có mặt tại phòng mổ.
Học tập mô hình này từ BV Nhi đồng 1, BV Q.Thủ Đức cũng đã áp dụng quy trình BĐĐ từ 3 năm nay. Bác sĩ Nguyễn Văn Quân cho hay: “Từ khi thực hiện đến nay, chúng tôi đã cứu sống hàng chục BN”.
Thực tế, quy trình BĐĐLV được các BV áp dụng từ nhiều năm nay nhưng còn lẻ tẻ, chủ yếu là các BV học tập mô hình lẫn nhau và chủ động kết hợp khi có các ca khó. Nhận thấy quy trình BĐĐLV thực sự có hiệu quả đối với nhiều BN, vừa qua Sở Y tế TP.HCM đã “chuẩn hóa” quy trình bằng việc diễn tập tình huống cấp cứu sản khoa tại BV Q.11, Từ Dũ, Truyền máu Huyết học. Đồng thời, quy trình này sẽ được tập huấn ở nhiều BV khác nhằm nhân rộng, tiến tới “phủ sóng” toàn bộ các BV trên địa bàn TP. Hiện quy trình gồm có 39 bác sĩ chuyên khoa về hồi sức, ngoại khoa, sản khoa của các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115… Đồng thời, khi cần các chuyên khoa khác, Sở Y tế TP sẽ yêu cầu các BV khác hỗ trợ.
Sau khi Sở Y tế TP “chuẩn hóa” quy trình, đại diện các BV cho rằng đã có sự khác biệt hơn so với trước đây. “Dù BV Thống Nhất thực hiện quy trình BĐĐ từ nhiều năm nay rất nhanh do đã xây dựng đội ngũ trực điều hành, trực lãnh đạo, trực Phòng Kế hoạch – Tổng hợp… Tuy nhiên, khi Sở Y tế TP.HCM thực hiện “chuẩn hóa” quy trình này (khoảng tháng 8 – PV) thì sự phối hợp giữa các BV đã triển khai nhanh hơn do ê-kíp được tập huấn và luôn trong tư thế sẵn sàng. Cụ thể như ca cứu sống mẹ con chị Thảo vừa qua, chỉ chưa đầy 30 phút ê-kíp BV Hùng Vương đã có mặt thay vì trước đây phải mất cả tiếng”, BS Anh Vũ, BV Thống Nhất, cho biết.
Minh Châu
Bình luận (0)