Trẻ vị thành niên đang mù mờ kiến thức pháp luật, nên các em không biết tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bạn bè và điều chỉnh hành vi, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.
Mỗi năm 10.000 vụ phạm pháp hình sự do thiếu niên
Cộng đồng phẫn nộ và bàng hoàng đặt câu hỏi vì sao một nhóm bạn trai trong đó 5/6 thành viên là học sinh THPT có thể cùng tham gia xâm hại tình dục một nữ học sinh lớp Mười? Vì sao không một trẻ nào hiểu biết pháp luật và biết sợ hoặc can ngăn bạn bè?
Trước đó chưa lâu, ngày 12/3 dư luận cũng xôn xao với vụ một nữ sinh lớp Mười ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tố cáo nam sinh cùng tuổi xâm hại tình dục. Vụ việc xảy ra từ đầu tháng 2/2019, nhưng vì sợ hãi nên nạn nhân đã giấu gia đình. Đầu tháng Ba, khi đoạn clip về việc Q. bị cưỡng bức xuất hiện trên mạng xã hội, gia đình mới phát hiện và thuyết phục Q. làm đơn tố cáo.
Đáng ngại hơn, không chỉ xâm hại tình dục bạn học, nam sinh (sinh năm 2003) còn quay clip, sau đó đoạn clip được chuyển cho bạn bè qua tin nhắn và được đăng trên mạng xã hội. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, các nam sinh khi xâm hại tình dục bạn học có biết đây là hành vi phạm tội?
Trong vụ một học sinh lớp Chín bị năm bạn học lột quần áo và đánh đập dã man ở Hưng Yên, cũng có dư luận băn khoăn nếu có kiến thức về pháp luật, đủ để bảo vệ mình và bạn bè, các học sinh chứng kiến có chấp nhận im lặng hay sẽ tìm cách cứu bạn?
Bạo lực học đường có thể giảm nếu học sinh được trang bị kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè. |
Riêng Y., nếu em hiểu về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, biết đâu chừng em đã mạnh dạn báo cơ quan chức năng. Khi vụ việc ở Hưng Yên còn chưa lắng xuống, clip 5 học sinh ở Nghệ An đánh bạn học sinh lớp Bảy lại được đăng tải lên mạng xã hội.
Bạo lực học đường, xâm hại tình dục hay làm nhục bạn học có lẽ chỉ là một phần trong mảng tối về thực trạng phạm pháp của học sinh và trẻ vị thành niên. Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội ngành giáo dục năm 2018 cho biết: năm học 2017-2018, có trên 2.000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và vi phạm pháp luật liên quan đến 5.000 đối tượng, chiếm khoảng 0,024% học sinh phổ thông.
Khảo sát mới đây của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công bố trên các phương tiện truyền thông cũng khiến nhiều người giật mình: trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người vị thành niên thực hiện. Đáng ngại hơn, tỷ lệ người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi chiếm 8% số vụ vi phạm. Nếu như trước kia, trẻ vị thành niên thường chỉ liên quan đến các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thì gần đây, hành vi tội phạm nguy hiểm hơn: giết người cướp của, hiếp dâm, mua bán ma túy…
Mơ hồ kiến thức pháp luật
Giáo dục pháp luật cho học sinh có đưa vào chương trình dạy học; tuy nhiên cần lộ trình và triển khai từ bậc tiểu học, với những kiến thức và từ ngữ đơn giản, gần gũi với tầm hiểu biết và khả năng tiếp nhận vấn đề của học sinh ở từng độ tuổi, cấp học. Dù học sinh ở lứa tuổi nào thì phương pháp trực quan sinh động cũng mang lại hiệu quả tốt nhất. Điều luật gắn với đời sống, lấy hiện tượng, vấn đề để dẫn dắt các em hiểu về luật pháp, về hành vi vi phạm… sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đưa ra các điều luật để tự các em liên tưởng, kết nối với thực tế để hiểu rõ những điều mình đã được học, được đọc trong sách giáo khoa. Bà Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương |
Vô số ngả đường dẫn đến hành vi phạm pháp của học sinh, nhưng kiến thức về luật pháp của các em lại mơ hồ đến đáng ngại. Trong buổi ngoại khóa về pháp luật cuối tháng 2/2019 tại một trường THPT ở Q.1, TP.HCM, khi ông Nguyễn Văn Tính (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) hỏi “Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?", chỉ một học sinh trả lời đúng là 14 tuổi. Còn lại là những câu trả lời 18 hoặc 16. Nhiều em bày tỏ ngạc nhiên với thông tin Luật Hình sự quy định người đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cưỡng dâm, cướp giật…'
Học sinh “mù” pháp luật có lẽ không phải điều bất ngờ với những ai theo dõi sát giáo trình môn giáo dục công dân (GDCD) của học sinh bậc THCS và THPT. GDCD được xem là môn học bổ sung kỹ năng, kiến thức góp phần hình thành, phát triển ý thức và hành vi của công dân, trang bị niềm tin, kiến thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật.
Mục tiêu là vậy, nhưng những gì học sinh được học ở môn này lại là những kiến thức khái quát, trừu tượng ở tầm vĩ mô quá xa xôi so với suy nghĩ, nhận thức ở lứa tuổi của các em, trong khi thời gian dành cho môn học này lại quá ít ỏi, chỉ 1 tiết/tuần.
Chương trình GDCD lớp Sáu có bài Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm với câu chuyện đọc kể về ông nông dân chăng dây điện để bẫy chuột làm chết người. Một số câu hỏi sau bài đọc: “Vì sao ông Hùng gây nên cái chết cho ông Nở? Việc ông Hùng bị khởi tố chứng tỏ điều gì?”.
Những phiên tòa giả định – nổ lực giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh chỉ như muối bỏ biển và phần lớn không có sức hút |
Những kiến thức lẽ ra học sinh lớp Sáu phải biết để có thể bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước hành vi bạo lực học đường chỉ được nhắc ngắn gọn qua câu hỏi: “Khi thân thể, tính mạng, danh dự bị người khác xâm phạm thì em phải làm gì và làm như thế nào?”, và câu trả lời là “trình báo công an, nhà trường hoặc bố mẹ để bảo vệ em”.
Có những kiến thức ở tầm rất vĩ mô và… xa xôi, lại được giảng dạy ở từng cấp lớp. Lớp Bảy, có phần bài học về bộ máy nhà nước cấp cơ sở, muốn xin giấy khai sinh thì xin ở đâu? Bài học phần Pháp luật và kỷ luật sách GDCD lớp Tám có câu chuyện về vụ án của Vũ Xuân Trường với câu hỏi sau phần đọc hiểu: Vũ Xuân Trường và đồng bọn đã có những hành vi vi phạm pháp luật như thế nào? Để chống lại những âm mưu xảo quyệt của bọn tội phạm ma túy, các chiến sĩ công an cần có những phẩm chất gì?…
Lớp Chín, học sinh được học quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân; quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế. Phần 1 của sách GDCD lớp Mười: Công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học – làm cả người lớn cũng “chóng mặt”.
Lớp 11 học sinh được trang bị kiến thức kinh tế chính trị với nội dung quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa… Chưa kể, nay đã là năm 2019, nhưng những câu chuyện, bài đọc trong sách giáo khoa được trích từ thông tin được đăng tải trên báo chí từ năm 1997, 2001…
Một số giáo viên khi được hỏi cũng thừa nhận: “Kiến thức pháp luật ở sách giáo khoa quá hàn lâm, thiếu những bài học sinh động, gần gũi với tâm sinh lý học sinh và những vấn đề xã hội đang trực tiếp tác động đến các em. GDCD lẽ ra là một trong những kiến thức, kỹ năng rất quan trọng với học sinh nhưng lại trở thành môn học đối phó, học cho xong chương trình. Có giáo viên biết những khoảng trống kiến thức pháp luật và mong muốn lấp đầy cho học sinh, nhưng lại không có đủ thời gian do bị vướng khối lượng bài giảng theo yêu cầu của chương trình”.
Nhiều trường đang mở lối đi riêng bằng những buổi ngoại khóa, những phiên tòa giả định… nhằm trang bị thêm cho học sinh những kiến thức pháp luật nhất định, nhưng tất cả chỉ như muối bỏ bể. Chưa kể, liệu có bao nhiêu học sinh ở sân trường thực sự tập trung chú ý để nắm bắt tất cả vấn đề đặt ra trong buổi sinh hoạt ngoại khóa khi mà hình thức ngoại khóa chưa thu hút?
Mơ hồ trong nhận thức pháp luật, thiếu kỹ năng phòng vệ, thiếu thông tin là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh trở thành tội phạm hoặc tòng phạm trong những vụ vi phạm pháp luật. Thực tế quá đau lòng khi có những phiên tòa, bị cáo tuổi học sinh ngơ ngác nghe luận tội và cũng chưa hiểu vì sao hành vi của mình lại vi phạm pháp luật.
Giáo dục pháp luật cho học sinh bằng những bài học mang tính ứng dụng, để học sinh vận dụng vào thực tế, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè và điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực của luật pháp, của đạo đức là điều cần làm ngay. Ít nhất những kiến thức pháp luật cơ bản và liên quan lứa tuổi sẽ góp phần giúp các em điều chỉnh hành vi và có kỹ năng, ý thức phòng vệ, tự bảo vệ mình và bạn bè trước những hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 3/4, dư luận sửng sốt trước thông tin một học sinh lớp Năm ở Nghệ An mang theo dao bấm từ nhà đến trường đâm bạn chỉ vì một xích mích nhỏ xảy ra từ ngày 29/3 và bạn chưa xin lỗi theo yêu cầu của mình. Rất may, vết thương chỉ ở phần mềm. Dù vậy, vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự hung hăng của thanh thiếu niên và thực trạng vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Công an tại chương trình làm việc ở phiên họp thứ 26, về công tác phòng chống tội phạm tháng 8/2018, sáu tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện 3.110 đối tượng tội phạm là trẻ vị thành niên, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2017. Điều này cho thấy tội phạm ngày càng có tuổi đời trẻ hơn trước đây nhưng nhiều vụ phạm tội lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thống kê của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng cho thấy, tội phạm trong độ tuổi chưa thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng người chưa thành niên gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng tăng. Trong số trẻ chưa thành niên phạm tội, có 13% dưới 14 tuổi, 34,7% trẻ 14-16 tuổi và 52% trẻ 16-18 tuổi. PV |
Tội phạm tuổi 15 ở Mỹ được xử thế nào? Tòa án Colorado, Mỹ, tháng Ba vừa qua đã tuyên Aidan Zellmer (17 tuổi) án phạt chung thân vì hành vi cưỡng hiếp và đánh chết bé gái 10 tuổi Kiaya Campbell hai năm trước. Khi phạm tội, Aidan Zellmer chỉ mới 15 tuổi và các công tố viên phải thốt lên rằng: “Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến một vụ phạm tội bạo lực như thế mà người phạm tội chỉ mới 15 tuổi”. Cha của Kiaya và em dọn đến sống chung với người bạn gái của ông và Aidan chính là một trong hai cậu con trai của người bạn gái ấy. Hành vi phạm tội của Aidan Zellmer là vô cùng nghiêm trọng vì cậu ta đã cố tình bày kế hoạch dẫn Kiaya ra ngoài góc khuất và cố tình dựng nên câu chuyện giả khi cảnh sát điều tra. Vì Aidan phạm tội khi mới 15 tuổi nên cậu ta có quyền đệ trình giảm án nếu cải tạo tốt sau 30 năm giam giữ thay vì mức 40 năm như người trưởng thành bình thường. Trước mắt, Aida sẽ ở tù gần hai năm ở trại giáo dưỡng thiếu niên cho đến khi cậu ta đủ 18 tuổi sẽ được chuyển đến trại giam dành cho người trưởng thành. Dựa trên những quy định của luật pháp quốc tế về người chưa thành niên, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra các quy định về người chưa thành niên nói chung, người chưa thành niên phạm tội nói riêng, các chế tài xử lý người chưa thành niên phạm tội phù hợp với điều kiện kinh tế – văn hoá – xã hội, phong tục, tập quán, pháp luật của mỗi nước. Anh Thông (theo Daily Mail) |
Thảo Vân/Phunuonline
Bình luận (0)