Kinh tế - Giáo dục

Báo động khai thác nước ngầm tại ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Khai thác nước ngầm tại ĐBSCL thời gian qua diễn ra tràn lan, dẫn đến đất đai một số khu vực bị sụp lún nghiêm trọng. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và thiếu kiểm soát sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho ĐBSCL.

Khai thác tràn lan
Tại vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu, nhiều gia đình cho lắp đặt cây nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ông Nguyễn Văn Yên, ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, cho biết: “Nhiều năm qua cả nhà sử dụng cây nước cho sinh hoạt, tắm rửa, nấu nướng… Trước đây, khi khoan cây nước chỉ cần bơm tay là có thể lấy được nước lên rất nhẹ, nhưng dần dần phải sử dụng mô-tơ mới lấy nước lên được. Dẫu vậy, sử dụng vài năm phải bỏ và khoan cây nước mới…”.
Tại Cà Mau có 3 mặt giáp biển, nên đa số nguồn nước từ các sông chảy qua trên địa bàn đều nhiễm mặn. Vì vậy, nước sinh hoạt hàng ngày của nhiều cư dân Cà Mau là lấy từ nước ngầm. Không những thế, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thủy sản đóng ở địa bàn hầu như không sử dụng nước từ các công ty cấp nước (giá thành cao), mà tự khoan sử dụng nguồn nước ngầm.

Tình trạng sụp lún đất tràn lan trên địa bàn Cà Mau

Chính việc khai thác, sử dụng nước ngầm tràn lan đã khiến một số tỉnh của ĐBSCL xảy ra tình trạng sụp lún đất. Tình trạng này đã và đang xảy ra ở Cà Mau và một phần vùng U Minh Thượng (Kiên Giang). Tình trạng này xưa nay chưa từng xảy ra…
Suy giảm tài nguyên nước
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: “Ở các vùng nông thôn của tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 150.000 cây nước phục vụ cho các hộ gia đình. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm ở đây cạn kiệt; mực nước thấp đi là một trong những nguyên nhân làm cho vùng bán đảo Cà Mau lún sụp”. Trước thực trạng khai thác nước ngầm đang “quá mức”, ông Nguyễn Văn Thể đề xuất cần quản lý chặt hơn, vùng nào sử dụng nước ngầm, vùng nào sử dụng nước mặt… để cung cấp cho sinh hoạt. Nếu quản lý không khéo thì nước mặt ngấm qua các đường ống xuống đất sẽ làm nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vùng ĐBSCL có trữ nước tiềm năng dưới đất khoảng 23,8 ngàn m³/năm, phân bố ở 8 tầng chứa nước chính, có độ sâu phân bố sâu nhất khoảng 350m, ước tính đang khai thác khoảng 3,6 ngàn m³/năm. Hiện diện tích xâm nhập mặn trong tầng chứa nước cho thấy diện tích nước bị giảm từ 20.070km² xuống còn 17.213km².

Theo số liệu các giếng quan trắc, tầng chứa nước tại các đô thị có mức suy giảm trung bình hàng năm khoảng 0,4 – 0,6m. Một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức. Trong đó, có việc khai thác nước dưới đất tập trung ở những tầng nông khoảng 100m, các tầng nước sâu (200 – 350m) chưa được khai thác nhiều. Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên nước, trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp. Hiện nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn nhiều nơi, suy giảm mực nước liên tục chưa có dấu hiệu hồi phục…
Cục Quản lý Tài nguyên nước đưa ra giải pháp, cần tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công. Theo đó, tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, kết hợp từ kết quả này để xây dựng các công trình khai thác nước ngầm nhằm ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.

 Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụp lún bề mặt đất ở khu vực TP Hà Nội, TPHCM, ĐBSCL; định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất. Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.

NGỌC CHÁNH (SGGP)

 

Bình luận (0)