Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động nạn bạo hành trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cha mẹ cần phải kìm sự ức chế và nổi nóng của mình để tránh bạo hành trẻ em. Ảnh: I.T

Người ta thường nói cha mẹ là người yêu thương con nhất, nhưng xem ra điều này không hoàn toàn đúng với những ông bố, bà mẹ thường xuyên đánh đập, hành hạ dã man những đứa con mà chính họ rứt ruột đẻ ra.
Nhiều vụ bạo hành trẻ
Người dân ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) thật sự ái ngại cho cách dạy con của bà Huỳnh Thị Kim Liễu. Do ham chơi game nên hai anh em sinh đôi L.V.N và L.V.T, học sinh Trường THCS Hùng Vương không đạt danh hiệu học sinh giỏi kỳ 1. Kết quả là hai anh em bị chính mẹ ruột là bà Liễu bắt lột hết quần áo chỉ còn chừa lại chiếc quần lót trên người giữa trời rét buốt, hai chân bị xích chặt cứng vào cột điện bên lề đường. Do bị dây xích khóa ở chân và ngại ngùng trước cảnh đông người qua lại nên hai anh em ngồi thu mình co rúm, mặt cúi xuống đường vì xấu hổ. Nơi Nâu và Tím bị xích nằm sát ngay gần xe nước của bà ngoại hai em. Nhiều giờ sau đó khi những người qua đường xúm lại và cán bộ phường đến thì hai đứa trẻ mới được cởi trói.
Bà Phạm Thị Mai (ngụ ấp 4, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) đánh đập đứa con ruột là Phạm Huy Hoàng 5 tuổi tới mức bất tỉnh. Cho dù được hàng xóm đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng vì vết thương quá nặng nên Hoàng đã chết sau đó 5 ngày.
Những vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua được dư luận xã hội rất quan tâm có thể kể ra như : Tại Nghệ An người bố đẻ dùng ống tuýp bằng sắt đánh 3 đứa con là Nguyễn Tiến Việt (3 tuổi) Nguyễn Tiến Anh (7 tuổi) và Nguyễn Thi Uyên (10 tuổi). Kết quả Việt chết tại chỗ, Anh và Uyên bị thương nặng ở đầu sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Vụ ông Mai Văn X. (ngụ ở Bình Thạnh), dùng gậy đánh con trai (sinh năm 1999) chấn thương sọ não và dẫn tới tử vong. Rồi vụ bé gái Nguyễn Thị Thanh T. (sinh 1997) bị cha ruột chém đứt gân và gẫy xương cẳng tay với tỷ lệ thương tật 24%…
Đâu là nguyên nhân
Với những người làm cha, làm mẹ có tư tưởng phong kiến, vẫn theo quan niệm cũ “thương cho roi cho vọt”, họ coi con cái là thuộc quyền sở hữu của riêng mình, tự cho mình toàn quyền dạy dỗ kể cả đánh đập, chửi bới thậm tệ mà không biết rằng đó là hành vi xâm hại trẻ em. Tư tưởng này hiện vẫn còn khá nặng nề nhất là ở nông thôn. Theo cán bộ thanh tra quyền trẻ em và bình đẳng giới thì nạn bạo hành gia đình nói chung và bạo hành trẻ em nói riêng đã xảy ra từ lâu trong xã hội. Thời trước mọi người coi đó là chuyện nội bộ của mỗi gia đình và thường không có sự can thiệp mạnh mẽ. Việc cha mẹ thường xuyên chửi bới đánh đập vào mặt, vào người gây ra thương tích nặng thậm chí gây tử vong không chỉ xuất hiện ở những gia đình nghèo sống ở nông thôn mà còn cả ở thành thị nơi kinh tế phát triển, bố mẹ là những người có trình độ học vấn cao.
Trẻ em được nhà nước ta coi là một đối tượng đặc biệt và đã ban hành bộ luật về quyền chăm sóc và bảo vệ trẻ em thì ở gia đình cha mẹ lại chưa công nhận trẻ là một chủ thể. Ngoài ra cũng cần phải nói tới cuộc sống hiện đại, áp lực từ công việc của gia đình và xã hội làm cho người lớn bị ức chế và dễ nổi nóng, do đó họ rất dễ trút cơn giận lên con cái gây nên những tổn thương lớn cho trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần dù chúng chỉ mắc lỗi nhỏ.
Để xảy ra những vụ bạo hành trẻ em trong gia đình trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể. Có những vụ bạo hành diễn ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết, cán bộ chuyên trách thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn nên việc giải quyết vấn đề còn gặp nhiều hạn chế.
Bùi Minh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)