Thay vì ký hợp đồng xử lý rác thải công nghiệp (RTCN) với đơn vị có chức năng xử lý rác, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) sản xuất ở TPHCM thuê xe tải, xe ba gác chở đổ lén ra sông rạch hoặc khu vực vắng nhà dân để tiết giảm chi phí.
Trong khi đó, biện pháp chế tài hành vi đổ lén RTCN, cũng như giải pháp kéo giảm ô nhiễm môi trường từ RTCN hiện chưa phát huy hiệu quả. RTCN đã và đang bức tử môi trường sống ở nhiều nơi.
40% RTCN đổ lén ra môi trường
Lúc 20 giờ ngày 16-10, ông Trần Thanh Tám (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) sử dụng xe ba gác chở RTCN gồm bã dừa, da giày, bì nhựa, vải vụn… đến đổ lén tại một bãi đất trống tại tổ 20, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B.
Hành vi vi phạm này của ông Tám bị tổ bảo vệ dân phố xã Vĩnh Lộc B tuần tra phát hiện, phối hợp cùng công an, cán bộ môi trường địa phương lập biên bản xử lý. Khai với lực lượng chức năng, ông Tám cho biết được chủ của 3 cơ sở sản xuất da giày, quần áo, dệt nhuộm ở ấp 2 xã Vĩnh Lộc B thuê chở số RTCN trên đi đổ lén với giá 100.000 đồng. Trước lần bị phát hiện này, ông Tám đã nhiều lần chở RTCN đến đổ lén trót lọt ở khu vực kênh Trung Ương, giáp ranh 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.
Rác thải công nghiệp đổ lén trên đường Liên ấp 2 – 6, xã Vĩnh Lộc A
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã phát hiện, xử lý gần 100 trường hợp người dân, chủ DN đổ lén RTCN ra môi trường xung quanh, phạt tiền gần 400 triệu đồng.
Tại quận 8, ông Nguyễn Hồng Lam, Phó phòng TN-MT quận, cho biết trong 10 tháng năm 2018, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý 21 trường hợp đổ RTCN ra đường, các khu đất trống, xử phạt số tiền 319 triệu đồng. Khu vực vi phạm tập trung nhiều nhất ở phường 7 và phường 16. Theo ông Lam, thời gian qua, dù quận 8 đã triển khai rất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng đổ lén RTCN ra môi trường, song đến nay chỉ có khoảng gần 70% khối lượng RTCN được xử lý.
Tương tự, tại huyện Bình Chánh, số lượng hộ kinh doanh, DN chưa đăng ký, hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý RTCN hiện nay chiếm khoảng 40% tổng số DN trên địa bàn, chủ yếu tập trung ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng.
“Không đăng ký xử lý RTCN theo quy định, các DN này sẽ trộn lẫn rác công nghiệp vào rác sinh hoạt để được thu gom, hoặc đổ lén ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm nặng”, ông Ngô Nguyên Hồng, Tổ trưởng Tổ Môi trường Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, cho hay.
Ngoài quận 8, huyện Bình Chánh, tình trạng đổ lén RTCN ra kênh rạch, dọc các tuyến đường, những khu đất trống cũng diễn ra phổ biến tại các quận 9, Thủ Đức, Tân Phú, 12, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn…
Ghi nhận tại khu đất trống giáp ranh giữa 2 phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ (quận 9), mỗi ngày có hơn chục xe tải, xe ba gác chở RTCN từ khắp nơi đến đây đổ lén.
“Rác thải đủ loại gồm vải vụn, nhựa phế phẩm, bao bì… đổ cao như núi. Bức xúc, chúng tôi nhiều lần phản ánh đến chính quyền, ngành chức năng địa phương, thậm chí ra đường chặn xe nhưng không ăn thua. Thấy rác đổ nhiều, một số người bật lửa đốt, khí độc, mùi hôi tỏa ra cả một khu vực rộng lớn khiến môi trường càng ô nhiễm nặng hơn”, bà Đặng Thị Loan (nhà trên đường Số 1, phường Long Thạnh Mỹ) bức xúc.
Giải pháp nhiều, hiệu quả ít
Tình trạng đổ RTCN ra môi trường ngày càng phổ biến, song các biện pháp ngăn chặn của chính quyền địa phương, ngành chức năng nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn nhìn nhận, chủ trương vận động người dân, chủ DN cam kết không đổ rác thải công nghiệp ra môi trường, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý RTCN được Huyện ủy đưa ra từ đầu năm 2017, song đến nay rất ít UBND các xã, công an, đoàn thể triển khai; công tác này được thực hiện phần lớn bởi cán bộ môi trường.
“Tương tự, công tác xử lý vi phạm, hành vi đổ RTCN ra môi trường cũng vậy, chưa được chính quyền các xã thực hiện quyết liệt. Do đó, tình trạng chủ doanh nghiệp đổ lén RTCN ra môi trường vẫn còn phổ biến”, đại diện UBND huyện Hóc Môn cho hay.
Theo ông Ngô Nguyên Hồng, việc xử lý các trường hợp đổ lén RTCN ra môi trường gặp rất nhiều khó khăn: “Một phần do lực lượng cán bộ chuyên trách về môi trường mỏng, phần khác các đối tượng đổ lén thường hành sự vào ban đêm nên rất khó phát hiện, bắt giữ. Cùng với đó, mức phạt, chế tài theo luật cũng còn nhẹ (3 – 5 triệu đồng), khó răn đe đối với các trường hợp vi phạm là DN”. Chính việc xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm, chưa đủ sức răn đe nên chủ DN, hộ kinh doanh không ngại đổ RTCN ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Đức, chủ cơ sở may mặc ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), cho biết trước đây ông có ký hợp đồng với đơn vị xử lý RTCN để xử lý khoảng 2 tấn vải vụn mỗi tháng, nhưng mới đây ông quyết định ngưng.
“Mình đã tốn hơn 1 triệu đồng phí xử lý mỗi tháng nhưng nhiều khi nhân viên công ty xử lý RTCN lại lấy cớ hẻm nhỏ, không vào cơ sở thu gom mà buộc mình phải chuyển ra đầu hẻm. Phiền phức quá nên mình ngưng luôn, giờ tới tháng gọi xe ba gác chở ra kênh đổ lén, chỉ tốn 100.000 đồng”, ông Đức tiết lộ.
Ông Đức cũng cho biết, sau khi ông ngưng hợp đồng với đơn vị xử lý RTCN, cán bộ môi trường có xuống vận động ký lại những ông từ chối với lý do “lượng RTCN thải ra tại DN ít”. Thực tế cho thấy, giải pháp ngăn chặn hành vi đổ RTCN ra môi trường, kéo giảm ô nhiễm môi trường do RTCN có nhiều, song hiệu quả mang lại chưa được bao nhiêu.
* Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM:
Tăng cường lực lượng giám sát, xử lý vi phạm
Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 2.300 tấn rác ở thành phố đổ ra môi trường, phần lớn trong số này là RTCN: xà bần, bao bì, nhựa phế phẩm, vải vụn…
Để kéo giảm ô nhiễm môi trường từ RTCN, Sở TN-MT đã kiến nghị thành phố cho triển khai các giải pháp: Tăng lực lượng xử lý, cụ thể là lực lượng quản lý trật tự đô thị và thanh tra xây dựng địa bàn, cần trao quyền lập biên bản xử phạt hành vi đổ rác thải ra môi trường cho 2 lực lượng này; cho phép phạt nguội qua hình ảnh trích xuất từ camera; có quy định xử phạt riêng với hành vi đổ trộm rác thải xây dựng; đề nghị người dân cùng hỗ trợ phát hiện và công khai bêu tên người vi phạm…
Sở TN-MT cũng nghiên cứu, đưa thêm nhiều đơn vị xử lý RTCN vào hoạt động, kéo giảm mức giá xử lý để người dân, chủ DN có nhiều phương án lựa chọn đơn vị xử lý, tránh tình trạng độc quyền, làm khó trong xử lý RTCN.
* Ông NGUYỄN HỒNG LAM, Phó phòng TN-MT quận 8:
Kiến nghị lắp nhiều camera để phạt nguội
Qua quá trình theo dõi, xử lý nạn lén lút đổ RTCN ra môi trường, chúng tôi thấy việc lắp camera quan sát là rất hiệu quả, vừa giúp có thêm chứng cứ để xử lý người vi phạm vừa nâng cao tính răn đe. Phòng TN-MT quận 8 sẽ kiến nghị UBND quận cho lắp thêm nhiều camera ở các tuyến hẻm có nhiều DN sản xuất và ở các điểm nóng – thường xuyên xảy ra tình trạng đổ lén RTCN.
Các cơ quan chức năng của quận 8 cũng sẽ đẩy mạnh vận động không đổ RTCN ra môi trường. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2018, tất cả các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất ở quận 8 sẽ ký hợp đồng với đơn vị xử lý RTCN.
* Ông NGÔ NGUYÊN HỒNG, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh:
Di dời các cơ sở sản xuất vào khu công nghiệp
Bên cạnh các giải pháp trước mắt như tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi đổ RTCN ra môi trường; vận động người dân, DN ký hợp đồng với đơn vị xử lý, hiện Bình Chánh cũng đang tập trung triển khai giải pháp di dời các cơ sở, DN sản xuất nhạy cảm với môi trường vào khu công nghiệp.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2018, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan vận động, yêu cầu di dời 42 cơ sở, DN sản xuất ở xã Vĩnh Lộc B vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.
|
PHẠM MINH (theo SGGP)
Bình luận (0)