Thông tin anh Nguyễn Văn Tuấn Em (SN 1998, quê Đồng Tháp) đang thực hiện công việc xây tô ở tầng 17 của một tòa nhà ở quận 3, TP.HCM thì xảy ra tai nạn, tử vong tại chỗ vào chiều 27-10 vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tai nạn lao động (TNLĐ) trong ngành xây dựng.
Một vụ tai nạn lao động do sập sàn thi công
Tai nạn do công trình thiếu an toàn
Mới đây, vụ tai nạn ở Đà Nẵng xảy ra vào sáng 29-10, tại công trình xây dựng ở giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Hành. Tai nạn xảy ra khi anh Nguyễn Văn Phú (26 tuổi, tỉnh Quảng Nam) đi bộ lên tầng 4 của công trình thì bất ngờ bị trượt chân ngã xuống đất và tử vong. Theo quan sát của lực lượng chức năng địa phương, công trình xây dựng này cao 7 tầng, không có biển cảnh báo “khu vực đang xây dựng”, không có lưới vòm bao quanh để hứng vật liệu rơi vãi khi thi công, công nhân cũng không có bảo hộ lao động. Trước vụ tai nạn này 9 ngày, trên địa bàn quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng xảy ra vụ tai nạn rơi từ máy tời xuống đất khiến 2 công nhân là ông Nguyễn Hữu T. (65 tuổi) và anh Nguyễn Văn S. (27 tuổi) tử vong.
Tình trạng TNLĐ cũng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM. Ngày 11-9, khi 2 công nhân tên Hà Văn Khoa (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Quắng (59 tuổi) đang thi công ở tầng 10 công trình Saigon Homes (quận Bình Tân) thì bất ngờ bị sập giàn giáo. Sự cố khiến cả hai người rơi xuống đất ở độ cao khoảng 50 mét và tử vong tại chỗ. Theo phản ánh của người dân, công trình này được che chắn không đảm bảo khiến vật liệu rơi vãi ra xung quanh. Sau vụ tai nạn ở quận Bình Tân, vào ngày 24-9 tại công trình xây dựng Trung tâm thương mại Gigamall (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) lại tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn khi 3 công nhân đang đứng ở tầng cao của công trình thì bất ngờ ngã xuống đất bị thương nặng. Sự cố khiến 2 người bị đa chấn thương (gãy xương) và một người bị chấn thương sọ não. Nguyên nhân do công nhân chất nhiều giàn giáo lên sàn thao tác nên khiến sàn bị sập.
TP.HCM đứng thứ hai danh sách số vụ tử vong vì TNLĐ
Theo số liệu thống kê tình hình TNLĐ trong 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ LĐ-TB&XH, toàn quốc đã xảy ra 3.988 vụ TNLĐ, làm cho 4.102 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng). Trong đó có 363 vụ TNLĐ chết người, 384 người chết; 56 vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên, 813 người bị thương nặng. Đứng đầu danh sách trong số 10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất là Hà Nội (46 người), TP.HCM (38 người), Đồng Nai (16 người),
Chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nhằm khắc phục tình trạng TNLĐ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành đôn đốc các đơn vị quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai và huấn luyện cho người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây TNLĐ do sập giàn giáo, té ngã, điện giật, vật rơi… |
Qua phân tích 71 biên bản điều tra TNLĐ chết người, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ngành xây dựng tiếp tục đứng đầu danh sách với 21,8% tổng số vụ tai nạn thuộc lĩnh vực xây dựng; 10,1% trong sản xuất vật liệu xây dựng; 6,5% lĩnh vực cơ khí – luyện kim; 3,5% đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thấp nhất là lĩnh vực dịch vụ (1,35%). Cơ quan chức năng lưu ý, các yếu tố làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao (29,62%); điện giật (22,22%); máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn (11,11%); vật rơi, đổ sập (7,84%); vật văng bắn (7,84%). Trong số các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người, thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 50,7% với các vi phạm như không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (23,94% tổng số vụ); không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động (7,04%); thiết bị không đảm bảo an toàn lao động (7,04%); tổ chức lao động và điều kiện lao động (11,27%); không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động (1,4%). Trong khi đó nguyên nhân người lao động chỉ chiếm 15,49% với các hành vi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động (14,08%) và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (1,4%). Còn lại 33,81% là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khác như TNGT, hoặc do hành vi của người khác tác động.
Đinh Vũ
Bình luận (0)