Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 600 bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt. Trong những ngày cuối tháng 6 bệnh viện đã cứu sống thành công một bệnh nhi rơi từ lầu 7 và một trường hợp chơi súng săn bị viên bi găm vào trán. Bác sĩ nhi khoa khuyến cáo phụ huynh cần cẩn trọng để ý đến trẻ đặc biệt trong những ngày hè, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Phụ huynh nên thiết kế rào chắn hoặc lưới hành lang nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ |
3 ngày: Cấp cứu 2 vụ tai nạn
Vào chiều 6-7, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tổ chức buổi họp báo chia sẻ thông tin cứu sống thành công bệnh nhi rơi từ lầu 7 bị đa chấn thương nặng nề. Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, bệnh nhi là một bé gái 4 tuổi, ngụ tại TP.HCM. Bé được gia đình đưa vào cấp cứu khuya 26-6 trong tình trạng lơ mơ, chảy nhiều máu, gãy tay, vết thương hở ở chân, bụng trướng, tri giác không ổn định… Kết quả kiểm tra ban đầu xác định bé bị tụ máu dưới màng cứng, giập gan, gãy hở độ 3 xương cánh tay trái, tổn thương động mạch cánh tay trái… Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, người trực tiếp thực hiện nối mạch cho bệnh nhi chia sẻ, tình trạng của bé lúc đó rất nghiêm trọng vì bị đa tổn thương nặng nề, men gan tăng cao, nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, chảy máu nhiều, mạch máu bị giập có nguy cơ tắc lại nhưng không được dùng thuốc chống đông nên quá trình phẫu thuật vô cùng căng thẳng, thời gian mổ cho bé cũng không được kéo dài 2-3 tiếng như các ca khác vì có thể gây nguy hiểm tính mạng của bé. Do đó, đội ngũ bác sĩ đã nỗ lực phối hợp trong ca phẫu thuật trong khoảng một giờ.
Sau hơn một tuần điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức, bé có dấu hiệu phục hồi tốt và được chuyển về Khoa Ngoại thần kinh để theo dõi và điều trị nội khoa. Được biết trước ngày họp báo, bệnh nhi đã xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc bình thường. Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20 giờ 30 đêm 26-6, sau khi tắm cho bé xong thì chị tiếp tục vào nhà tắm để tắm cho bé lớn. Một lúc sau chị ra ngoài thì không thấy con đâu, nhưng khi nghe tiếng mọi người hô to thông báo có em bé vừa té lầu, chị vội vã chạy xuống thì thấy nạn nhân chính con mình trong tình trạng máu chảy lênh láng và bị thương nặng.
Sau trường hợp té lầu 7, vào ngày 28-6 Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục cấp cứu cho một bé trai 33 tháng tuổi bị viên bi găm vào trán do nghịch súng săn. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Pi Doanh (Khoa Ngoại thần kinh) cho biết, bệnh nhi được chuyển đến từ Bệnh viện Bình Thuận với chẩn đoán vết thương sọ não trán. Tai nạn xảy ra do bé chơi súng săn tự chế của người thân, vì vô tình làm súng bóp cò nên viên bi bay thẳng vào trán, xuyên sâu vào bên trong. Kết quả thăm khám cho thấy viên bi nằm trên bờ hốc mắt khoảng 2cm, máu và dịch não tủy chảy ra theo nhịp đập. Tuy nhiên, khi tiến hành phẫu thuật ê-kíp cho biết viên bi đã gần như xuyên hoàn toàn qua lớp xương sọ, làm vỡ mảnh xương sọ đâm vào nhu mô não, làm rách màng cứng, chảy dịch não tủy và giập nhu mô não trán. May mắn là viên bi có kích thước to, lực súng bắn ra không cao nên không xuyên quá sâu vào bên trong nhu mô não. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bé hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Không nên lơ là dù chỉ trong phút chốc
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trịnh Hữu Tùng (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2), hiện nay đang là thời gian trẻ em được nghỉ hè, các bé được ở nhà nên thường đối mặt với những tai nạn nguy hiểm như té ngã, ngạt nước, ngộ độc, điện giật… Do đó, phụ huynh cần phải thường xuyên để ý đến trẻ, không được vì công việc mà quên lãng dù trong một phút chốc. |
Từ vụ tai nạn của bệnh nhi ở Bình Thuận, bác sĩ Nguyễn Ngọc Pi Doanh lưu ý, trước đây Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã tiếp nhận vài trường hợp tổn thương não do đạn của súng tự chế gây ra, trong đó có trường hợp tử vong. Do đó, các gia đình nên cẩn trọng với những vật dụng tự chế, vật sắt nhọn, nên để xa tầm tay trẻ nhằm phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đối với vụ trẻ té lầu, theo nhận định của bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, những ca tai nạn do té lầu thấp, té gác được cấp cứu ở bệnh viện là thường gặp, nhưng trường hợp té từ lầu 7 xuống đất mà vẫn duy trì được mạng sống là rất hiếm. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận điều trị 656 trẻ em bị tai nạn sinh hoạt vào cấp cứu và điều trị. Trong đó có 54 ca bị chấn thương đầu, sọ não và nguyên nhân do té ngã chiếm tỉ lệ cao.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trịnh Hữu Tùng (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2), hiện nay đang là thời gian trẻ em được nghỉ hè, các bé được ở nhà nên thường đối mặt với những tai nạn nguy hiểm như té ngã, ngạt nước, ngộ độc, điện giật… Do đó, phụ huynh cần phải thường xuyên để ý đến trẻ, không được vì công việc mà quên lãng dù trong một phút chốc. Riêng đối với các gia đình ở nhà cao tầng, chung cư, phụ huynh nên thiết kế hệ thống rào chắn hành lang, cửa sổ, cầu thang, vì đây là những nơi rất nguy hiểm cho bé. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên rèn tập kỹ năng cho con, giúp con nhận biết những tình huống nguy hiểm cần tránh, nhằm đảm bảo an toàn cho con một cách tốt nhất.
Đinh Vũ
Bình luận (0)