Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Báo động tai nạn vì dải phân cách

Tạp Chí Giáo Dục

Chiếc xe buýt số 6 leo lên trên dải phân cách cao gần 1m khiến hành khách hoảng loạn (ảnh Đội tuyên truyền, điều tra tai nạn cung cấp)
Tai nạn giao thông (TNGT) do dải phân cách xảy ra cả ngày lẫn đêm, hiện đang ở mức báo động. Nguyên nhân có thể do thiết kế không phù hợp, cũng có thể do ý thức của người tham gia giao thông gây nên.
Tháng nào cũng có TNGT
Địa bàn TP.HCM thời gian qua tháng nào cũng có TNGT ở dải phân cách. Vụ tai nạn mới nhất xảy ra khoảng 15 giờ ngày 2-8 là một ví dụ. Chiếc xe gây tai nạn là chiếc Camry 4 chỗ, BKS: 51A-510.40. Lưu thông từ  hướng quận 4 về quận 1, qua cầu Calmette, chiếc xe này lưu thông với tốc độ nhanh, khi tới gần giữa cầu bất ngờ lao sang bên phần đường của chiều ngược lại, ủi văng dải phân cách bằng sắt dài hàng chục mét. Sau khi cuốn hàng chục mét dải phân cách, chiếc Camry đã lao vào 2 xe máy khiến 2 người điều khiển bị thương và xe bị hư hại nặng. Sau khi gây ra tai nạn, 4 người từ trong xe bước xuống vẫn còn nồng nặc mùi rượu. Một người trong số đó tự xưng tên H.L (57 tuổi, ngụ Thủ Đức) nhận mình là tài xế gây ra vụ tai nạn trên và biện minh rằng chiếc ô tô đang lưu thông thì nổ bánh trước nên ông không thể điều khiển tay lái, khiến chiếc xe phóng tự do và gây ra vụ tai nạn trên. Tuy nhiên, theo thẩm định của CSGT tại hiện trường, chiếc xe lao vào dải phân cách và tông vào vật cứng gây vỡ lốp chứ không nổ trước khi tông vào dải phân cách. CSGT – Công an quận 4 cũng đã tiến hành đo nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế L. và biên bản thể hiện nồng độ cồn là 1,168 miligam/lít khí thở, vượt gấp nhiều lần so với mức cho phép.
Vụ tai nạn xảy ra lúc 14 giờ 25 ngày 21-7 vừa qua tại chân cầu Sài Gòn (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) là một ví dụ khác. Vào thời điểm trên, chiếc xe buýt số 6 mang BKS 53N-6099, chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn – ĐH Nông lâm do tài xế Đoàn Mạnh Cường điều khiển, lưu thông trên xa lộ Hà Nội, hướng từ quận Thủ Đức về quận Bình Thạnh. Khi đến đoạn cách chân cầu Sài Gòn khoảng 50m thì bất ngờ gặp một chiếc xe ô tô du lịch bị hư hỏng đang dừng lại trên đường. Tài xế Cường lập tức lái xe lách sang phải làn đường xe hai bánh để tránh. Tuy nhiên, do chạy với tốc độ cao nên xe buýt va phải phần khung giới hạn chiều cao trong làn đường xe máy. Luống cuống, tài xế lại điều khiển xe sang trái trở lại làn đường ô tô thì lại va vào thanh giới hạn và trong phút chốc chiếc xe đã leo lên trên dải phân cách cao gần 1m khiến hành khách hoảng loạn. Vụ tai nạn khiến giao thông dưới chân cầu Sài Gòn bị ùn tắc kéo dài gần 3 giờ đồng hồ.
Và còn hàng loạt các vụ tai nạn tương tự khác. Theo phản ánh của một số người dân sống ở gần ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Thị Thập (phường Bình Thuận, quận 7), tại dải phân cách gần ngã tư này, hầu như ngày nào cũng có một vài vụ người dân lưu thông va quẹt với dải phân cách và tự gây tai nạn, do khu vực này không có đèn chiếu sáng, không có biển báo.
Một vài “điểm đen” đáng lưu ý nữa trên đoạn quốc lộ 1, là nơi đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Điển hình là khu vực từ ngã tư Gò Dưa đến cầu vượt Sóng Thần. Chỉ chưa đầy 3 tháng đã có 2 người tử vong khi băng qua dải phân cách. Dải phân cách này được trồng hoa giấy, vì không có đoạn mở dải phân cách nên người đi bộ vẫn len qua hàng rào hoa để qua lại. Đơn vị quản lý đã cắm cọc sắt và căng dây cáp tròn nhưng người dân vẫn nâng cáp, cắt cáp để người đi bộ cùng xe thô sơ, xe gắn máy qua đường.
Khắc phục những “điểm đen” và TNGT
Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (gọi tắt Đội tuyên truyền, điều tra tai nạn) thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM được thành lập vì sứ mệnh trên. Thực hiện trọng trách của mình, đội đã khảo sát nhiều tuyến đường trọng điểm và đề xuất nhiều biện pháp hạn chế, kéo giảm TNGT ở những “điểm đen” dải phân cách trên địa bàn thành phố.
Thiếu tá Trần Thái Bảo, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra tai nạn cho hay đối với dải phân cách ở quốc lộ 1A, đội đã đề xuất “không mở dải phân cách mà thay thế dây cáp tròn bằng các song sắt để tránh nạn nâng dây cáp chui qua, đồng thời kiến nghị khu quản lý giao thông nghiên cứu xây cầu vượt cho người đi bộ vì đây là địa bàn đông dân cư”.
Đối với nút giao cầu vượt trạm 2 trên quốc lộ 1, đoạn qua quận Thủ Đức, nơi xảy ra 2 vụ TNGT làm 3 người chết, Thiếu tá Bảo cho biết ngay sau khi tai nạn xảy ra, Sở GTVT đã gắn gờ giảm tốc, biển cảnh báo và dải phân cách bê tông. Tuy nhiên, đội vẫn khảo sát và tiếp tục kiến nghị gắn thêm các biển chỉ dẫn lưu thông cho xe gắn máy và ô tô, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm điểm bơm vá, sửa ô tô trên đoạn cong gần 300m để tránh việc cản trở tầm nhìn của người điều khiển các phương tiện.
Bích Vân
Cùng chung tay góp sức khắc phục
Theo Thiếu tá Bảo, sắp tới hàng tháng đều có đợt khảo sát căn cứ từ báo cáo của các đội CSGT, phản ánh từ các phương tiện truyền thông hoặc người dân. Vị Thiếu tá trăn trở: “TNGT là nỗi đau không chỉ của gia đình mà toàn xã hội. Chúng tôi không chỉ mong người dân nâng cao ý thức mà còn rất mong các cơ quan chức năng cùng chung tay góp sức khắc phục những bất cập trên đường, hạn chế được một vụ TNGT là mang lại một niềm vui cho xã hội chúng ta”.
 
 

Bình luận (0)