Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động thanh niên phạm tội do dùng ma túy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy chiếm khoảng 50% và gấp 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Đây là con số đáng báo động khi mỗi năm VN có thêm 9.300 người nghiện.
Học viên cai nghiện được tham vấn về hành vi sử dụng ma túy tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội số 5 (Hà Nội) 	 /// Ảnh: H.Bình
Học viên cai nghiện được tham vấn về hành vi sử dụng ma túy tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội số 5 (Hà Nội). ẢNH: H.BÌNH

60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi
Báo động thanh niên phạm tội do dùng ma túy  - ảnh 1
Tại hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của luật Phòng, chống ma túy do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết tại VN chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội học năm 2017 tại 6 tỉnh, TP của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là 0,66% (khoảng 600/100.000) dân số trong độ tuổi điều tra từ 15 – 64 tuổi; 8% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Tuy kết quả được điều tra tại 6 tỉnh, TP không phải là con số đại diện cho cả nước, nhưng theo bà Hà, kết quả này cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH, tại một số địa phương, từ năm 2016, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và chất hướng thần mới phát hiện cao, trong đó Đồng Nai, Đà Nẵng và Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần. “Ngoài ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, cỏ Mỹ… xuất hiện ngày càng nhiều. Nguy hiểm hơn, có những loại ma túy ngay khi sử dụng lần đầu tiên đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, có thể tự sát, giết người”, bà Hà cho hay.
Ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết hiện gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định. Đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay. Đáng chú ý, nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam và nhà tạm giữ là 41,04%; tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%. “Đây là thực tế đáng chú ý khi xây dựng chính sách đối với người sử dụng, người nghiện ma túy không chỉ xem trọng khía cạnh y tế mà cần cân nhắc trọng tâm là các khía cạnh xã hội và trật tự xã hội để đảm bảo tính toàn diện”, ông Khánh nhìn nhận.
Thay đổi cách tiếp cận nhóm thanh niên có nguy cơ cao
Theo TS Alex Wadak, Chủ tịch Quỹ cải cách chính sách ma túy Úc, thị trường ma túy trên thế giới ngày càng mở rộng và nguy hiểm hơn. Ông Alex Wadak chia sẻ: “Hiện có hơn 200 loại ma túy tổng hợp hoành hành ở các quốc gia. Trung bình mỗi tuần có 2 loại ma túy mới ra đời tại các công xưởng “ngầm” ở châu Âu. Các loại ma túy mới này còn nguy hiểm hơn các loại cũ và đều nhắm tới giới trẻ”.
Cũng giống như ở nhiều quốc gia khác, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết tại VN lực lượng thanh thiếu niên đang là đối tượng chính để các tổ chức tội phạm về ma túy hướng vào. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, công tác truyền thông thời gian qua chỉ mang tính tổng quát, chưa chuyên sâu. Một trong những nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về phòng chống ma túy và HIV/AIDS là truyền thông phòng chống ma túy trong học đường và truyền thông về ma túy cho thanh niên ở các khu công nghiệp và thanh niên di cư. Tuy nhiên, sự phối hợp thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục giữa các cơ quan, ban, ngành để thấy tác hại của ma túy trong thanh thiếu niên từ đó họ thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi và miễn dịch với ma túy gần như bị buông bỏ. Ông Phong bày tỏ: “Đa phần các em cho rằng ma túy là chất kích thích, làm cho sảng khoái mỗi khi buồn. Chính điều đó đã khiến thanh niên bị dẫn dụ, lôi kéo và nghiện. Khi bị lệ thuộc vào ma túy, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để thỏa mãn cơn nghiện, kể cả trộm cắp, cướp giết. Lẽ ra, chúng ta phải tập trung vào những đối tượng này thì lại buông bỏ. Tỷ lệ tội phạm trong thanh thiếu niên nghiện ma túy cao hơn gấp 100 lần thanh niên không nghiện là một con số đáng báo động”.
 
Dưới góc độ chuyên gia y tế, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, nhìn nhận: “Những thông điệp truyền thông kiểu khuyên thanh niên ma túy nguy hiểm lắm, chúng ta phải tránh xa ma túy, nếu sử dụng ma túy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, sẽ bị đi tù, sẽ bị bắt… đã được chứng minh là không có hiệu quả trên thực tế. Theo các chuyên gia quốc tế, chúng ta phải chú ý đến những đứa trẻ trong gia đình có người nghiện ma túy, những nhóm đối tượng có nguy cơ rơi vào vòng ma túy. Mục tiêu của việc dự phòng này là làm sao để thanh thiếu niên được lớn lên khỏe mạnh, lành mạnh và phát huy được khả năng của mình, không để ma túy phá hủy cuộc đời của những người trẻ và để họ có thể là những người có ích cho cộng đồng, cho xã hội”.
Theo ông Alex Wadak, VN nên cải cách chính sách ma túy mới theo hướng từ bỏ cách tiếp cận ma túy là tệ nạn xã hội, mà phải coi đó là vấn đề về mặt y tế, xã hội phức tạp. “Những người nghiện ma túy có thể là người thân, con em chúng ta. Do vậy, chúng ta phải ngừng coi họ là tệ nạn xã hội, tăng cường việc điều trị nghiện và nâng cao công tác điều trị nghiện, quan tâm hơn đến thanh thiếu niên để họ không còn có những lo lắng về tương lai”, ông Alex Wadak nói.
Thu Hằng/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)