Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Báo động thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi ngày có hàng trăm lao động ở Bình Dương và TPHCM đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm lao động và giải thể trong thời buổi kinh doanh khó khăn được cho là nguyên nhân khiến thất nghiệp gia tăng.

Trong tháng 8 dự báo thị trường lao động vẫn u ám khiến tình trạng thất nghiệp có thể tăng lên. Ảnh: L.N.

Tấp nập đăng ký

Sáu điểm tiếp nhận đăng ký thất nghiệp tại TPHCM gần như ngày nào cũng có hàng trăm lao động ghé qua. Ghi nhận của PV sáng 10-8 cho thấy, tại phòng bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM chỉ trong buổi sáng có hơn 300 người đến làm hồ sơ đăng ký thất nghiệp. Họ đến với nhiều lý do để nghỉ việc, chủ yếu do mức lương cơ bản quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
“So với năm trước, những tháng gần đây số người đến đăng ký thất nghiệp tăng lên. Mỗi ngày nơi đây giải quyết không dưới 500 trường hợp đăng ký thất nghiệp”- một cán bộ tiếp nhận đăng ký thất nghiệp ở Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM cho biết.
Cả năm 2010 toàn TPHCM chỉ có hơn 67 nghìn người đăng ký thất nghiệp, trong khi chỉ 7 tháng đầu năm nay các điểm đăng ký thất nghiệp đã tiếp nhận hơn 70 nghìn người.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản và cắt giảm lao động trong thời buổi kinh doanh khó khăn.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TPHCM cho biết, trước tình trạng kinh doanh èo uột, không ít doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM phải giải thể. Điều này khiến nhu cầu lao động sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cũng vì thế tăng cao.
“Việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng không còn như trước. Những ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông như: Dệt may – giày da, dịch vụ hay điện tử, cơ khí, xây dựng… cũng giảm, khoảng 60% so với những tháng trước”- ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, tình hình vẫn u ám trong tháng 8 khi dự báo nhu cầu việc làm sẽ giảm 20% so với tháng 7, với chỉ 20.000 lao động được tuyển.
Ba điểm đăng ký thất nghiệp ở Bình Dương mỗi tháng tiếp nhận khoảng 4 nghìn lao động đăng ký thất nghiệp. Từ đầu năm đến nay, nơi đây tiếp nhận khoảng 40 nghìn trường hợp đăng ký thất nghiệp và đã ra quyết định cho khoảng 17 nghìn lao động hưởng trợ cấp với số tiền hơn 52 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2010 tỉnh này chỉ có hơn 49,5 nghìn người đến Trung tâm Giới thiệu việc làm đăng ký thất nghiệp thì năm nay con số thất nghiệp đã nhảy vọt.

“Việc làm không ổn định, lương thấp rất nhiều công nhân nghỉ việc vì muốn đổi chỗ làm hoặc ở nhà buôn bán”- bà Ngô Nguyễn Thái Hằng – đại diện Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương cho biết.

Trục lợi từ…thất nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Hữu Phong – Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đã xuất hiện tình trạng thất nghiệp giả tạo khi phần đông số người thất nghiệp ở đây không phải là không có việc làm mà là thất nghiệp tự nguyện.
Theo ông Phong, đã xuất hiện trường hợp sau một năm làm việc, đóng đủ 12 tháng cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp người lao động tìm cách nghỉ việc tạm thời, sau đó đi đăng ký thất nghiệp để được hưởng trợ cấp 3 tháng thất nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Xê- Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết: Có hiện tượng người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động đến đăng ký thất nghiệp để được hưởng trợ cấp sau đó xin việc làm ở nơi khác hoặc đã có việc làm mới nhưng không thông báo, để tiếp tục được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định có hiện tượng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp hiện nay một phần do các quy định còn lỏng lẻo. Cụ thể: Theo quy định sau khi mất việc người lao động phải đăng ký thất nghiệp và sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký mà vẫn chưa tìm được việc thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, không ít trường hợp vừa nghỉ việc được vài ngày là tìm được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký để nhận trợ cấp thất nghiệp, trong khi việc giám sát xem họ tìm được việc làm hay chưa trong vòng 15 ngày sau khi đăng ký gần như là việc không thể.
Đó là chưa kể không ít trường hợp công ty giải quyết cho người lao động rút sổ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp rồi sau đó được công ty ký hợp đồng trở lại.
Trợ cấp ít, lao động thất nghiệp chê học nghề
Mặc dù trợ cấp học nghề cho lao động sau khi thất nghiệp được quy định trong bảo hiểm thất nghiệp là 300.000 đồng/tháng/người trong vòng 6 tháng, tuy nhiên theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM lượng người thất nghiệp học nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý do số tiền trợ cấp ít; rất nhiều người thất nghiệp không nhận được trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp “xù” đóng bảo hiểm. Từ năm 2010 đến nay TPHCM hơn 130 nghìn người đăng ký thất nghiệp nhưng thực sự chỉ có 300 người học nghề.

 

Lê Nguyễn – Vy Khánh / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)