Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động tình hình nguy cấp lưu vực sông Mê Kông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Giới chuyên môn cho rằng cơ quan chức năng cần cảnh báo người dân và có biện pháp cứu vãn sông Mê Kông, thay vì chỉ quan sát và ghi nhận tình trạng nguy cấp.
Sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Loei ở đông bắc Thái Lan	 /// AFP
Sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Loei ở đông bắc Thái Lan. AFP
Trong báo cáo thường niên vừa công bố, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho hay lưu vực sông Mê Kông đang biến đổi nghiêm trọng do tác động của con người và các yếu tố môi trường, gây dòng chảy cực kỳ thấp hoặc lũ lụt trên diện rộng. Báo cáo dài 100 trang ghi nhận chi tiết các đợt hạn hán nghiêm trọng ở vùng hạ du gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng, tác động đến môi trường và ảnh hưởng đời sống người dân.
Thiếu dữ liệu từ Trung Quốc
Đáng chú ý, báo cáo cho biết dù ghi nhận việc Trung Quốc chia sẻ dữ liệu trong mùa mưa, MRC “luôn bày tỏ nhu cầu có được dữ liệu quanh năm để quan sát và báo cáo về lũ lụt, hạn hán và những biến đổi thủy văn hiệu quả hơn”.
Về thiệt hại, MRC nêu ví dụ về đợt hạn năm 2016 gây thiệt hại kinh tế ước tính đến 1,7 tỉ USD tại Thái Lan, trong khi toàn bộ vùng hạ du sông Mê Kông dự báo sẽ còn hạn nặng trong nhiều thập niên tới. Bên cạnh đó, mực nước thất thường do các đập thủy điện gây ra và lũ quét do biến đổi khí hậu cũng sẽ là các thách thức lớn.
Dù vậy, báo cáo ghi nhận thành tựu của MRC trong việc phối hợp với các đối tác như Trung Quốc, cơ chế Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (MLC), các tổ chức và đại diện những cộng đồng bị ảnh hưởng, nhằm đề cập đến các vấn đề lũ lụt, hạn hán và thúc đẩy phát triển có trách nhiệm. MRC còn được MLC trao tư cách quan sát viên và dự các cuộc họp thường niên. Ban Thư ký MRC và Trung tâm nước MLC đã ký bản ghi nhớ về trao đổi thông tin, dữ liệu, giám sát toàn lưu vực và đánh giá chung về nguồn nước, các tài nguyên. Trung Quốc cũng đồng ý tiếp tục cung cấp dữ liệu mực nước và lượng mưa cho MRC trong mùa lũ, từ ngày 1.6 – 31.10 hằng năm trong 5 năm.
Cần hành động thực tế
Chia sẻ nhận định về báo cáo trên, Trưởng chương trình nước ngọt châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Marc Goichot nhấn mạnh rằng khủng hoảng môi trường ở khu vực sông Mê Kông đang rất nghiêm trọng và mọi chỉ dấu môi trường đều báo động. “Chúng ta cần hành động khẩn cấp nhằm cải thiện tình trạng của dòng sông vì lợi ích cho hàng chục triệu người. Nhưng thay vì tập trung vào hành động cần thiết để cứu vãn dòng sông, báo cáo của MRC lại tập trung vào các hoạt động như thu thập thêm dữ liệu, giám sát và dự báo lũ lụt, hạn hán cũng như quan hệ đối tác, tham vấn”, ông phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng MRC nên cảnh báo về nguy cơ đánh mất tài sản thiên nhiên, văn hóa, kinh tế, xã hội vô giá và không thể thay thế được trong khu vực. “MRC nên đưa ra lời khuyên về các chương trình thay đổi quy mô lớn mà các nước thành viên cần bắt đầu áp dụng ngay để ngăn chặn chiều hướng hủy diệt và vạch ra phương hướng bền vững cho sông Mê Kông, thay vì chỉ ghi nhận thảm họa đang xảy ra”, ông nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi thế giới (International Rivers) Gary Lee cho rằng việc chia sẻ thông tin, dữ liệu về sông Mê Kông là quan trọng, nhưng đến nay điều này chỉ được thực hiện qua các kênh chính phủ. “Người dân chưa được cung cấp các thông tin đầy đủ và kịp thời, nhất là các cộng đồng sống ven sông Mê Kông”, ông chia sẻ với Thanh Niên. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc chỉ chia sẻ thông tin vẫn chưa đủ nếu xét về các tác động xuyên biên giới như hệ thống 11 đập của Trung Quốc cản trở dòng chảy, trầm tích và tàn phá vùng hạ du. “Trung Quốc cùng chính phủ các nước trong khu vực cần lắng nghe tiếng nói của người dân sống ven sông vì họ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự phát triển. Cần thay đổi vận hành và quản lý hệ thống đập trên thượng nguồn nhằm ưu tiên duy trì hệ sinh thái vốn có ý nghĩa sống còn đối với các cộng đồng dân cư ở hạ du”, ông kêu gọi.
Campuchia lo ngại về nguồn thủy sản
Tờ Khmer Times hôm qua dẫn lời Cục trưởng Cục Thủy sản Campuchia Hong Ky cảnh báo về nguồn cá sụt giảm do mực nước sông hồ tại nước này đang ở mức thấp, đặc biệt là trên sông Mê Kông và hồ Tonle Sap. “Cuối tháng 6 thường là mùa sinh sản của nhiều loài cá, đặc biệt là Pangasius (cá tra, basa), nhưng năm nay vẫn chưa có dấu hiệu chúng di cư, sinh sản. Nếu mực nước tiếp tục giảm, sự sinh sản của các loài thủy sản sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến không đủ nguồn cung cho thị trường”, ông lo ngại. Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất trong khu vực, thường cung cấp 500.000 tấn thủy sản, tương đương 70% tổng lượng protein tiêu thụ hằng năm ở Campuchia. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên tại đây vào năm ngoái chỉ đạt 14.023 tấn.
Theo Khánh An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)