Tại Việt Nam, bệnh cận thị học đường đang rất phổ biến và ngày càng gia tăng với trên 3 triệu học sinh, sinh viên mắc bệnh. Riêng ở khu vực thành thị, tỷ lệ học sinh bị cận thị là khoảng 30%. T P Hà Nội có khoảng 500.000 học sinh mắc tật khúc xạ, chủ yếu mắc tật cận thị.
Theo các chuyên gia y tế, cận thị gây ra nhiều hậu quả trong đời sống, cận thị nặng có thể kèm theo các biến chứng như lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính… dẫn tới mù lòa. Được biết, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù lòa.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học ở lứa tuổi học sinh. Khi đến trường các em phải học tập với cường độ cao trong điều kiện môi trường ánh sáng không bảo đảm, tư thế ngồi học không đúng, đọc sách với cự ly gần trong thời gian dài không nghỉ ngơi hợp lý, bàn ghế học sinh không phù hợp…
Khi về nhà các em thường xem ti vi, chơi máy vi tính nhiều giờ liên tục với khoảng cách rất gần, hay đọc sách trong tư thế nằm ngửa, đọc ở những nơi không đủ ánh sáng, tự ý đeo kính cận không đúng tiêu cự. Chính những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng xấu tới khả năng điều tiết của đôi mắt, dẫn tới cận thị học đường đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo BS Phạm Quang Trung, khi đã bị cận thị, việc đeo kính hoặc dùng thuốc đều không thể ngăn cản bệnh tiến triển. Tật này thường chỉ ngừng hẳn khi tới 25-30 tuổi. Một học sinh bị cận thị lúc mới được phát hiện phải đeo kính 0,5 điốp, thì đến 30 tuổi có thể phải đeo kính 2,5-5 điốp hoặc hơn. Vì vậy, việc phòng bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Quá trình học tập và giải trí thiếu khoa học ở tuổi học sinh có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng điều tiết của đôi mắt, dẫn tới cận thị học đường. Tật cận thị có 2 biểu hiện chính: độ hội tụ của mắt tăng và trục trước sau của mắt dài quá giới hạn bình thường. Hậu quả là thị lực giảm, mắt không nhìn rõ vật ở xa, chỉ thấy vật ở gần.
Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường. Dưới đây là một số chỉ dẫn cần được tuân thủ trong sinh hoạt và học tập:
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Giữ đúng tư thế ngồi khi học
Ngồi thẳng lưng, hai chân khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25 cm đối với học sinh tiểu học, 30 cm với học sinh trung học cơ sở, 35 cm với học sinh trung học phổ thông và người lớn. Thầy cô giáo và cha mẹ học sinh phải thường xuyên nhắc nhở, không để các em cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học khi đọc hoặc viết.
Lớp học, góc học tập phải đủ những điều kiện cần thiết
Kích thước phòng học; cách sắp xếp bàn ghế, bảng viết phải phù hợp với lứa tuổi để học sinh có thể ngồi đúng tư thế và giữ đúng khoảng cách từ mắt đến sách vở.
Đảm bảo đủ ánh sáng: nơi tối nhất không dưới 30 lux, nơi sáng nhất không quá 700 lux.
Chữ viết trên bảng và trong sách vở phải rõ nét, chiều cao ít nhất của chữ viết là 1/200 khoảng cách từ mắt tới chữ. Ví dụ, khoảng cách từ bảng tới học sinh là 8 m thì chiều cao tối thiểu của cỡ viết trên bảng phải là 4 cm. Chữ trong vở phải có chiều cao ít nhất 1,75 mm cho khoảng cách từ mắt đến vở là 35 cm.
Khi đọc sách buổi tối, cần đèn đủ sáng và có chụp phản chiều. Không dùng đèn ống neon, nên dùng bóng điện dây tóc.
Không viết mực đỏ, mực xanh lá cây. Không đọc sách có chữ quá nhỏ in trên giấy vàng hoặc giấy đen, vì tỷ lệ tương phản giữa chữ và nền quá nhỏ, khiến mắt bị mệt.
Duy trì mỗi tiết học 45 phút, sau đó nghỉ giải lao, đưa mắt nhìn xa, hết co thắt thị giác rồi mới bước vào giờ học tiếp theo.
Bỏ những thói quen có hại cho mắt:
Không nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài; Không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
Khi xem ti vi, video phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5 m, nơi ánh sáng phòng phù hợp. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem.
Không tự ý dùng kính đeo mắt không đúng tiêu chuẩn. Khi đeo kính cần tuân thủ hướng dẫn của nhà chuyên môn./.
Theo TH
(ĐCSVN)
Bình luận (0)