Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Báo động tình trạng chậm nói ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ được lượng giá và tư vấn chậm nói tại đơn vị ngôn ngữ trị liệu, Khoa VLTL và PHCN, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM
Anh Hoàng Văn Quyên (kỹ thuật viên trưởng chuyên về ngôn ngữ trị liệu, Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (VLTL và PHCN), Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Trung bình mỗi ngày đơn vị ngôn ngữ trị liệu của khoa tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi mới có vấn đề về nói, ngôn ngữ, giao tiếp, ăn uống đến điều trị. Còn con số bệnh nhi đến điều trị theo lịch hẹn khoảng 65-70”. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trẻ chậm nói trong xã hội hiện nay.
Thiếu sự tương tác
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ở cả Khoa Tâm lý và Khoa VLTL và PHCN có rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám do trẻ bị chậm nói. Anh Nguyễn Quang Vinh (35 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) ngồi chờ gọi tên trước Khoa Tâm lý buồn bã chia sẻ: “Hai vợ chồng chở cu Bin bằng xe máy từ Vũng Tàu lên để khám bệnh. Bé được 4 tuổi rồi mà chỉ nói miết có 1 từ “ba”, ban đầu vợ chồng tôi cứ tưởng bé chậm nói hơn những đứa trẻ khác nên cũng không chú ý, nhưng bây giờ lên 4 mà cũng không nói được, đành lặn lội lên đây khám xem thế nào”. Hàng ghế chờ trước Khoa Tâm lý còn có rất nhiều phụ huynh khác có con cùng cảnh ngộ với anh Vinh. Ngồi bên cạnh là chị T.A (ngụ quận Gò Vấp) với cậu con trai rất kháu khỉnh, khôi ngô, tuấn tú. Chị tâm sự: “Vợ chồng tôi đi làm suốt nên để bé ở nhà cho người giúp việc chứ không cho đi nhà trẻ. Bé P. được 5 tuổi, sắp đến tuổi đi học mà không biết đối thoại với cha mẹ, dạy hoài cũng như vậy chỉ nhắc lại chứ không nói được từ khác. Người ta hỏi cũng không nói, không biết trả lời, thấy thế mà tôi lo vô cùng vì cháu cũng sắp đi học”. Theo anh Quyên: “Chậm nói thường gặp ở các trẻ bị tự kỷ, bại não, hội chứng down, chậm phát triển đơn thuần, chậm phát triển toàn bộ, có vấn đề về sức nghe hoặc rối loạn phát triển… Đây là một thuật ngữ chung được cả nhà chuyên môn và những người dân bình thường sử dụng. Tuy nhiên, phải tùy vào từng dạng trẻ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp”. Anh Quyên chia sẻ: “Vấn đề chậm nói ở trẻ là mối lo lắng của nhiều gia đình và xã hội hiện nay khi số trẻ chậm nói, chậm phát triển về ngôn ngữ lên đến con số đáng báo động. Riêng Khoa VLTL và PHCN mỗi ngày có từ 65-70 trẻ đến điều trị thì có khoảng 20 trẻ chậm nói là do thiếu sự tương tác, thiếu kích thích”. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại, phụ huynh bị cuốn mình theo công việc mà bỏ bê việc chăm sóc con cái. Chính vì vậy, thường giao trắng cho người giúp việc hay ông bà nên trẻ không được vui chơi, không được tương tác mà chỉ biết ăn, biết ngủ theo một cái thời khóa biểu có sẵn.
Dành thời gian tương tác với trẻ
Dấu hiệu điển hình để nhận biết trẻ chậm nói là khi bé dưới 6 tháng tuổi mà trẻ gặp khó khăn về ăn uống hay trẻ không giao tiếp bằng mắt khi bú mẹ, hoặc có dấu hiệu bị nhiễm trùng tai thì cần đưa trẻ đến chuyên viên ngôn ngữ trị liệu để được lượng giá và tư vấn. Anh Quyên cho biết: “Khoa VLTL và PHCN thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhi khác nhau, sau khi thăm khám, tư vấn sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng bé. Đối với trẻ dưới 1 tuổi phải nói được các từ đơn như ba, mẹ, cơm, gà… Theo giới chuyên môn trước 4 tuổi là “thời gian vàng” để trẻ phát triển mạnh nhất về kênh ngôn ngữ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao quá trình phát triển ở trẻ, đặc biệt là ngôn ngữ, nếu phát hiện muộn và can thiệp muộn thì quá trình trị liệu ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn hơn”. Đứng ở góc độ chuyên môn, anh Quyên khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn về mặt ngôn ngữ, lời nói, cách giao tiếp, không nên chủ quan, thường xuyên quan sát những đứa trẻ có cùng độ tuổi để so sánh sự phát triển về ngôn ngữ, nếu những đứa trẻ khác mà nói được trong khi con mình chậm nói, chưa nói được cần đưa bé đến cơ sở chuyên khoa để được khám và tư vấn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên giữ vai trò là trung tâm trong việc chăm sóc và tương tác với trẻ ngay từ khi còn nhỏ để tránh tình trạng “bỏ quên” trẻ khiến trẻ chậm nói do thiếu sự kích thích. Chúng ta có thể cùng đọc sách hình với trẻ mỗi ngày, cùng chơi… sẽ là biện pháp giúp trẻ phát triển tư duy về ngôn ngữ một cách tốt nhất”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Theo anh Quyên thì quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ bình thường: Trẻ từ 6-9 tháng tuổi có thể bập bẹ được baba, mama, trẻ từ 12-15 tháng nói được các từ đơn, trẻ từ 18-24 tháng tuổi có thể nói được từ đôi, trẻ từ 1-4 tuổi là khoảng thời gian vàng trong quá trình hoàn thiện khả năng phát triển ngôn ngữ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)