Theo thông tin từ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) thuộc Sở GTVT TP.HCM, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng GPLX giả đang trở nên phổ biến và ngày càng diễn biến phức tạp. Vì sài “hàng giả” nên khi bị tạm giữ GPLX do vi phạm giao thông, người vi phạm thường “bỏ của chạy lấy người” để tránh nộp phạt, sau đó báo mất để xin cấp lại GPLX.
CSGT đang kiểm tra GPLX của một trường hợp vi phạm Luật Giao thông
11 tháng: Phát hiện gần 300 GPLX giả
Ông Ngô Đình Quang (Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện 282 GPLX giả trong tổng số 720 hồ sơ cần xác minh được gửi đến từ các lực lượng CSGT (Công an TP.HCM), thanh tra giao thông và các công ty bảo hiểm xe cơ giới. Trong số 282 trường hợp vi phạm, GPLX giả hạng A1 có số lượng nhiều nhất với 146 trường hợp (chiếm 51,77%), 60 GPLX giả hạng B2 (21,27%), 29 GPLX giả hạng C (10,28%), 20 trường hợp GPLX hạng D (7,09%)… Ông Quang lưu ý, thực tế có những trường hợp sử dụng GPLX giả, khi vi phạm Luật Giao thông bị tạm giữ GPLX thường bỏ luôn để tránh nộp phạt. Một trong những yếu tố khiến GPLX giả thu hút những người có nhu cầu thi GPLX là do mức phí “bao đậu” chỉ bằng 1/10 chi phí thi GPLX chính quy. Chính vì không được đào tạo chính quy, không áp dụng kiến thức vào thực tiễn nên người sử dụng GPLX giả khi điều khiển phương tiện thường khó xử lý tình huống phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT khi lưu thông trên đường.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triển khai cấp, đổi GPLX từ có bọc nilon sang GPLX loại thẻ nhựa (PET). Tuy nhiên, mẫu mới này vẫn bị các đối tượng làm giả cực kỳ tinh vi, bằng mắt thường rất khó phân biệt. Theo nhận định của cơ quan chức năng, đối tượng sử dụng GPLX giả thường là người có trình độ học vấn thấp hoặc đã lớn tuổi. Nguyên nhân là do công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian sắp tới.
Cách nào khắc phục?
Những quy định xử phạt Khoản 5, điều 21 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp (GPLX giả) thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000-1.200.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng còn chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu GPLX giả và bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. Điều 49, khoản 9, Thông tư 46/2012/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 38/2013/TT-BGTVT) quy định: “Người giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc, còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Người có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu. |
Theo khuyến cáo của Trung tá Đặng Văn Cường (Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an tỉnh Tiền Giang), thủ đoạn làm GPLX giả của các đối tượng chủ yếu bằng phương pháp in lưới và in phun màu hình dấu, chữ ký không đóng dấu trực tiếp mà giả phương pháp in. Thậm chí có nhiều trường hợp còn cả gan sử dụng GPLX thật rồi tẩy xóa bằng phương pháp cơ học, hóa học, sau đó in lại nội dung mới cho phù hợp với “người mới”. Với thủ đoạn tẩy xóa để “cải tạo” GPLX cho người mới, ông Nguyễn Xuân Vinh (chuyên viên Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe, Trường Cao đẳng GTVT Trung ương III, quận 12) lưu ý, đây là “màn kịch” khiến nhiều người nhầm tưởng rằng chỉ cần “chung tiền” cho các đối tượng thì được “bao đậu” nên GPLX được cấp cũng là “hàng thật”. Vì thực tế khi đăng nhập vào trang thông tin GPLX (www.gplx.gov.vn) để kiểm tra, người truy cập nhận thấy họ tên, số seri, hạng bằng, ngày cấp, ngày hết hạn, nơi cấp đều trùng khớp với thông tin trong GPLX của mình, nhưng vì không có hình ảnh cá nhân nên không thể phát hiện mình đang sở hữu GPLX giả. Nhằm hạn chế tình trạng này, ông Vinh cho rằng trang thông tin GPLX cần được nâng cấp thêm mục tra cứu thông tin có hiển thị hình ảnh, giúp chủ sở hữu GPLX có thể xác định “chủ quyền” một cách dễ dàng và chính xác. Đây cũng là cách khiến các đối tượng cơ hội không thể lợi dụng để tiếp tục “sản xuất hàng giả” nhằm trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân cảnh giác tránh rơi vào “bẫy hàng giả”.
Trước tình trạng một số địa phương phát hiện người vi phạm bị tạm giữ GPLX giả, nhưng vẫn tiếp tục làm hồ sơ xin cấp lại GPLX, ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN) đề xuất xây dựng hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu giữa cơ quan xử lý vi phạm giao thông với cơ quan cấp GPLX, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi gian dối của người đã sử dụng GPLX giả. Ủng hộ đề xuất này, bà Phan Thị Thu Hiền (Phó Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng việc kết nối liên thông dữ liệu xử phạt vi phạm giao thông của công an và dữ liệu cấp GPLX của ngành GTVT là rất cần thiết. Bà Hiền cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc được tổng cục xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2012, đến nay đã quản lý trên 22 triệu GPLX bằng vật liệu PET (gồm 16 triệu GPLX mô tô và 6,5 triệu GPLX ô tô).
Đinh Vũ
Bình luận (0)