Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo động tình trạng học sinh – sinh viên tự tử

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ Cuối: Không phải trẻ nào tự tử cũng muốn chết

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh: Trẻ tự tử vì bị dồn đến đường cùng

Buồn chuyện gia đình, học hành sa sút, thất tình… có đến 1.001 lí do xui khiến các bạn trẻ tìm đến cái chết. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Kim Quý, giảng viên Khoa Tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội.
PV: Bà nghĩ sao về “hiện tượng” tự tử ở giới trẻ hiện nay, đây có phải là một vấn đề mới của xã hội?
TS. Nguyễn Kim Quý: Tự tử không phải là vấn đề mới, nó đã xảy ra từ trước nhưng báo chí không vào cuộc nên dư luận cũng ít quan tâm. Cách đây 10 năm, người ta đã cảnh báo nguy cơ tự tử của thế hệ trẻ sẽ gia tăng, đặc biệt là tự tử tập thể.
Nước ta đang trong thời kỳ mở cửa nên tất cả những cái tốt, cái xấu đều được du nhập. Trong khi đó kinh nghiệm của lớp trẻ rất ít, họ lóa mắt bởi những cái mới của nước ngoài nên không có chọn lọc dẫn đến bắt chước. Thậm chí bắt chước cả việc tự tử.
Một trong những lý do khiến trẻ tự tử nhiều nhất là áp lực học tập, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Áp lực này xảy ra chủ yếu ở các thành phố lớn. Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều ở con, có thể do cha mẹ đã đỗ đạt nên muốn con phải hơn hoặc bằng mình. Ngược lại cũng có những trường hợp cha mẹ không thành đạt nên ép con phải thực hiện tiếp ước mơ của mình. Cha mẹ bắt con học đủ thứ, không cho trẻ thời gian nghỉ ngơi.
Mặt khác, quan niệm học gạo để đi thi vẫn còn tồn tại. Trong khi đó công tác hướng nghiệp chưa mở rộng, chưa hiệu quả. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng cả xã hội đi thi, thi theo phong trào.
Ngay cả bản thân trẻ cũng có sức ép, trẻ tự ép mình phải học giỏi, phải thành đạt. Chính vì vậy sau mỗi đợt thi tuyển ĐH, năm nào cũng có vài trường hợp tự tử.
Có thể nói giới trẻ hiện nay đang gặp rất nhiều bế tắc, nhưng tại sao bế tắc đó lại không được giải tỏa trong gia đình, thưa bà?
Theo tôi, cái quan trọng nhất là cha mẹ thiếu kiến thức, do đó giữa cha mẹ và con cái nảy sinh mâu thuẫn thế hệ. Người lớn không chịu hiểu trẻ con, trẻ con cũng không chịu hiểu người lớn. Trẻ có xu hướng hòa nhập thế giới, suy nghĩ của trẻ cũng rất khác. Trong khi đó, cha mẹ vẫn nghĩ con cái còn nhỏ dại cần được bao bọc.
Cha mẹ cũng có lỗi khi nuông chiều con quá mức khiến năng lực cố gắng vươn lên của trẻ không có. Do vậy khi vấp ngã, trẻ không đủ năng lực để đứng dậy và thường tìm đến cái chết.
Xin cảm ơn bà!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh: Trẻ tự tử vì bị dồn đến đường cùng
Ở Bệnh viện Nhi đồng I, những trẻ tự tử khi được cứu sống đều được chuyển tới phòng tâm lý. Do vậy, tôi có điều kiện tiếp xúc với khá nhiều trường hợp. Trong số đó chỉ có một số ít thật sự muốn chết, số còn lại dùng hành động tự tử để nói với người lớn rằng: “Tôi đau khổ lắm”…
Các em đau khổ vì cha mẹ không hòa thuận, chửi đánh nhau trước mặt con. Tệ hơn, nhiều ông bố, bà mẹ còn chỉ thẳng vào mặt con mà nói rằng: “Tại mày. Tại mày mà tao mới khổ thế này”. Lúc đó trẻ cảm thấy mình sống không có ý nghĩa nên tìm đến cái chết. Cũng có trường hợp, chat với bạn qua mạng rồi yêu nhau. Sau một thời gian yêu nhau trên mạng (cả hai chưa hề gặp mặt), cậu bạn trai đòi chia tay, cô bé thất tình và mua thuốc uống để tự tử. Không chỉ chuyện gia đình, tình cảm mới khiến trẻ tìm đến cái chết mà chuyện học hành, mối quan hệ ở trường lớp cũng khiến trẻ bị stress và tự tử. Trẻ học kém, bị thầy cô rầy la nên không dám đi học. Hoặc có trường hợp, đi học, bị bạn bè bắt nạt, đánh đập, dọa dẫm. Sợ quá, trẻ không dám tới trường. Thấy trẻ nghỉ học không có lý do, nhà trường báo với gia đình, cha mẹ không tìm hiểu nguyên nhân mà chỉ biết đánh mắng con. Trẻ bế tắc vì không ai hiểu, không ai lắng nghe nên… tự tử. Có thể nói, khi trẻ có hành vi tự tử nghĩa là các em đã bị dồn đến đường cùng. Các em gặp vấn đề nan giải nhưng không ai giúp giải quyết.
Để hạn chế tình trạng tự tử, nhà trường và gia đình cần tìm hiểu tâm lý của trẻ. Cha mẹ nên lắng nghe và thấu hiểu con trẻ, không áp đặt trẻ phải làm cái này mà không được làm cái khác. Cha mẹ cũng nên cho trẻ cái quyền lựa chọn trường học, quyền vui chơi, thư giãn… Còn ở trường học, nhiều trẻ than phiền là chương trình quá nặng, đặc biệt là những lớp đầu cấp như lớp 6, 10. Người lớn nên giúp trẻ học theo năng lực chứ không phải ép trẻ học giỏi, học trường chuyên, lớp chọn, ngoại ngữ, tin học vì sức của các em chỉ có giới hạn. Nếu bị ép quá, trẻ sẽ không chịu thấu rồi dẫn đến hành vi tự tử.
Mặt khác, gia đình và nhà trường cũng cần phải dạy cho trẻ các kỹ năng sống. Được trang bị các kỹ năng, trẻ có thể dễ dàng vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống…
Hòa Triều (ghi)
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)