Tạp chí Giáo dục TP.HCM số 121 ra ngày 27-9-2023 có bài “Báo động tình trạng học sinh thừa cân, béo phì: Năm học mới, nỗi lo cũ” phản ánh về tình trạng học sinh thừa cân, béo phì (TCBP) đang ở mức báo động, nhất là ở mầm non và tiểu học. Riêng TP.HCM, tỷ lệ học sinh TCBP trung bình mỗi năm tăng thêm 2,2%. Ai cũng biết, việc TCBP ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tâm lý và cả việc học tập của trẻ nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ can đảm để giảm cân cho con. Theo đó, công tác giảm cân cho trẻ TCBP tại các trường học, nhất là trường mầm non vô cùng khó khăn…
Chạy xe đạp không dây xích là một trong những bài vận động dành cho trẻ thừa cân, béo phì tại Trường Mầm non Họa Mi 3, Q.5
Con thích gà rán mà cô cho ăn rau
Bé Quang Minh – con trai chị Phương Mai (TP.Thủ Đức) năm nay 4 tuổi, cao 105cm, nặng 32kg. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì với chiều cao và cân nặng này, bé Quang Minh bị béo phì mức độ II.
Chị Phương Mai kể: “Bé Quang Minh sinh ra chỉ nặng 2,9kg. Lúc nhỏ ăn uống rất khó khăn, gia đình sợ bé suy dinh dưỡng nên tìm đủ mọi cách ép bé ăn. Chúng tôi đổi người chăm trẻ liên tục vì không biết cho bé ăn. Phải đến chị thứ 5 mới ép bé ăn được. Từ khi bé được 17 tháng, gia đình nhận thấy sự tăng cân nhanh dần. Rồi càng ngày bé càng tròn, thậm chí cười không thấy mắt đâu, tay chân có ngấn. Nhưng cả nhà ai cũng thích, nhất là ông bà nội, ông bà ngoại. Mỗi khi dẫn bé ra ngoài, ai thấy cũng nựng. Có một công ty sữa bột còn liên hệ với gia đình để cho bé đóng quảng cáo. Khi bé 3 tuổi, gia đình gửi đi học mầm non. Chẳng biết ở trường cho ăn thế nào mà cứ đi học về là bé mở tủ lạnh lục lọi đồ ăn. Năm nay lên lớp chồi, nói rõ ràng hơn, tối ngồi vào bàn ăn, bé nói: Con thích ăn gà rán mà ở trường cô bảo ăn rau ngon hơn…”.
Đúng vậy. Rau là một “vị thuốc” mà các trường mầm non sử dụng để “chữa bệnh” TCBP cho các bé tròn.
Tại Trường Mầm non 6, Q.4, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức khám sàng lọc cho trẻ. Theo đó những trẻ TCBP sẽ có chế độ dinh dưỡng và vận động riêng. Với những trẻ này, cứ mỗi cuối tháng, giáo viên sẽ thực hiện đo chiều cao, vòng bụng và cân nặng để từ đó đưa ra kế hoạch giảm cân phù hợp nhất.
“Về chế độ ăn của trẻ TCBP, bữa sáng trẻ sẽ uống sữa ít béo hoặc sữa tách béo – có lượng calo thấp. Bữa trưa (bữa chính), khẩu phần ăn của trẻ cũng giống như trẻ bình thường nhưng trước khi trẻ ăn cơm và thức ăn, cô giáo sẽ khuyến khích trẻ ăn rau. Khi trẻ ăn rau lưng lửng bụng rồi thì các con sẽ ăn ít cơm, hoặc không xin thêm cơm nữa…”, cô Lê Phương Trinh – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ.
Tuy nhiên cái khó là trẻ không thích ăn rau, các bé chỉ thích đồ chiên và đồ nướng. Vậy làm sao để trẻ chịu ăn rau đây?
Theo cô Nguyễn Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3, Q.5, nếu giáo viên cứ ra rả nói “ăn rau tốt cho sức khỏe” thì sẽ chẳng có tác dụng gì với những đứa trẻ 3, 4 tuổi.
“Để trẻ chịu ăn rau thì giáo viên phải biết “dụ”. Chẳng hạn, cô giáo nói với các bé: “Con có thấy cô cao không, có thấy da trắng không, có thấy mắt cô sáng, có thấy tóc cô đẹp không, có thấy cô cười xinh không… Là vì cô ăn rau đấy”. Buổi trưa bé ăn rau, đến đầu giờ chiều khi bé ngủ dậy thì cô hôn lên má, vuốt tóc hay có một động thái tình cảm nào đó rồi nói với trẻ: “Tóc con mượt quá, người con thơm quá… Chắc tại con vừa ăn rau đấy”. Nói chung là giáo viên phải linh hoạt, tùy từng bé mà có những cách “dụ” ăn rau. Và đương nhiên không thể bắt các bé ăn nhiều rau ngay từ đầu mà phải từ từ, mỗi ngày tăng thêm một chút…”, cô Thủy cho biết.
1.001 bài vận động giảm cân
Trường Mầm non Họa Mi 3, Q.5 có hơn 500 trẻ, trong đó có nhiều trẻ là con cưng nên cứ ú na ú nu. Để giảm tỷ lệ trẻ TCBP xuống mức thấp nhất, ngoài chế độ dinh dưỡng tăng rau và chất xơ, các cô giáo đã thiết kế hàng trăm bài tập, trò chơi cho trẻ.
“Buổi sáng, sau giờ tập thể dục của toàn trường ở dưới sân, trong khi những bé có cân nặng bình thường di chuyển về lớp thì các bé TCBP ở lại sân trường vận động thêm khoảng 10 phút. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bé sẽ tham gia các trò chơi vận động như lò cò một chân, nhảy bao bố, ếch nhảy, chú bộ đội duyệt binh (các bé đi nhanh nguyên một vòng quanh sân trường), chơi cầu tuột, thi chạy xe đạp không dây xích, chạy nâng cao đùi… Các bài tập vận động sẽ từ nhẹ/chậm đến mạnh/nhanh và phù hợp với sức khỏe của từng trẻ. Nhà trường phân loại trẻ TCBP do ăn uống hay do bệnh để có kế hoạch giảm cân riêng. Ngoài ra trong từng lớp học, mỗi khi tổ chức các hoạt động những trẻ TCBP cũng được cô giáo khéo léo “ưu tiên” vận động nhiều hơn các bạn. Trong giờ ăn, để giáo dục trẻ biết tự phục vụ thì tất cả các bé đều phải dọn bàn ghế trước và sau khi ăn nhưng cô giáo sẽ “nhờ” những trẻ TCBP dọn nhiều hơn một chút. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cuộc thi vận động với sự tham gia của 100% trẻ. Trong đó với trẻ TCBP sẽ tham gia những trò chơi tiêu hao năng lượng nhiều hơn trẻ bình thường…”, cô Thủy chia sẻ.
“Mỗi lớp đều có kế hoạch giảm cân cho trẻ TCBP bằng các bài tập do giáo viên xây dựng. Chẳng hạn với bài tập “Chú ếch xinh”, trẻ vào vai những chú ếch đi chơi trong đầm sen. Trẻ bật trên những lá sen và vận động giống như ếch; bài “Kiến về tổ”, trẻ đội mũ hình kiến và bò bằng tay, cẳng chân; bài “Chơi với bóng”, 2 trẻ để bóng kẹp vào giữa bụng, không chạm tay vào bóng và chuyển bóng đến rổ, bỏ vào và chạy về lặp lại; bài “Những chú thỏ chuyển cát xây nhà”, trẻ đội mũ thỏ và đặt túi cát lên đầu. Khi nghe nhạc nhanh thì chạy nhanh, nhạc chậm thì chạy chậm, ngừng nhạc thì dừng lại và không làm rơi túi cát… Trung bình mỗi ngày các bé TCBP vận động nhiều hơn các bé bình thường khoảng 20-25 phút…”, cô Hoàng Thị Định – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 6, Q.4 – cho biết.
Cũng theo cô Định, việc giảm cân cho trẻ TCBP, nhất là trẻ béo phì rất khó. Sau một năm học vất vả với chế độ dinh dưỡng và vận động “đặc biệt”, những trẻ béo phì giảm xuống thành thừa cân đã là mừng rồi. Còn những trẻ thừa cân thì mong không tăng cân nặng chỉ tăng chiều cao…
(Còn tiếp)
Kim Anh
Bình luận (0)