Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo động tội phạm… “áo trắng”

Tạp Chí Giáo Dục

Khoác trên người chiếc áo trắng học trò, nhiều nam nữ tuổi teen với khuôn mặt tròn trĩnh, ngây thơ nhưng khi hành động lại tỏ ra rất liều lĩnh và manh động. Thực trạng này đang báo động tại các trường học trên cả nước.
“Áo trắng” hành xử kiểu… giang hồ
Cách đây chưa lâu, ngày 22-5 tại khuôn viên Trường THCS Nông Nghiệp (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) xảy ra vụ hành hung giữa một nhóm bạn nữ tuổi teen trong trường. Nạn nhân là em Ngô Thị Huyền T, học sinh lớp 9B bị các bạn nữ sinh trong trường “dằn mặt”. Em T. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tâm lý hoảng loạn, trên người mang đầy thương tích do cuộc hỗn chiến, ẩu đả.
Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện 4 học sinh nữ  là Vũ Thu Hương, Lê Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thúy Anh, Nguyễn Thị Việt Anh (đều là học sinh lớp 9) là hung thủ gây ra vụ dằn mặt đối với em T.
 Điều đáng nói ở đây là vụ đánh dằn mặt này đã được sắp xếp từ trước mặc dù có nhiều bạn trong trường tận mắt chứng kiến cảnh đánh nhau thế nhưng ai cũng tỏ thái độ thờ ơ, lãnh đạm. Thậm chí một bạn nữ sinh đã lấy điện thoại quay video clip dài gần 15 phút rồi tung lên mạng gây xôn xao cả giới học đường. Trong đoạn video clip, 4 nữ sinh mặc áo trắng học đường sau khi bạt tai, túm tóc em T. còn xé áo quần, lăng mạ bạn.        
Tại cơ quan công an điều tra cả 4 nữ sinh đều khai nhận chỉ vì nghi ngờ T. đã đi bêu xấu bạn mình với các bạn khác trong trường nên đã ra tay hội đồng (trước đó em T. có cho một bạn trong nhóm của Hương vay tiền nhưng chưa trả hết số nợ – PV).       
Quốc Anh, “đầu gấu” ở một trường THPT nội thành Hà Nội cho biết hầu như ngày nào ở các trường cũng có những cuộc chiến giữa các băng nhóm trong ngoài lớp, nhẹ thì dùng nắm đấm nặng thì  vác dao, búa rượt đánh đuổi nhau. Để có tiền cho những cuộc ăn chơi của các nhóm nhiều áo trắng sẵn sàng phóng xe máy kẹp ba, kẹp bốn rú ga ra đường đi trấn lột, cướp tiền của người đi đường một cách trắng trợn.
Mới đây ngày 8-12 cũng chỉ vì thiếu tiền ăn chơi sau khi chặn chặn đường cướp của lấy đi số tiền 450 ngàn đồng và 131 USD cùng với một chiếc điện thoại, thẻ ATM của người đi đường đối tượng Nguyễn Tâm Hoàng, ngụ tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội và hiện đang là học sinh lớp 12 đã bị công an bắt giữ điều tra.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều áo trắng bỏ học, đi lang thang sẵn sàng bày mưu tính kế để kiếm tiền thỏa mãn tính đua đòi, ham chơi của mình. Ngày 30 – 11 công an Quận Đống Đa phối hợp với phòng cảnh sát PC 14 và PC21 Hà Nội đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp và ra lệnh khởi tố vụ án gây hoang mang dư luận đối với cặp tình nhân tuổi teen đang còn trong độ tuổi đến trường là B.H.N (15 tuổi, ngụ ở Quận Hai Bà Trưng) và P.Đ.H (17 tuổi, ngụ tại khu tập thể Cống Quỳnh, phố Võ Thị Sáu) với hành vi giết người, cướp của nạn nhân là anh P.V.T (SN 1969, trú tại Mễ Trì Hạ, Từ Liêm), kế toán trưởng Công ty cổ phần Nacico từng là người quen của 2 “áo trắng” qua mạng.
Tại cơ quan điều tra, khi bị bắt giữ cả 2 đối tượng còn tỏ thái độ ung dung, làm dáng trước ống kính phóng viên và thuật lại hành vi giết người, cướp của không chút ăn năn, hối hận và dường như đó cũng là hành vi chung của các “áo trắng” khi được công an tạm giam, xét hỏi. 
Đâu là nguyên nhân?
Thời gian gần đây, việc các băng nhóm học sinh, tuổi teen cắp sách tới trường giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng dao kiếm có xu hướng gia tăng. Đã qua rồi cái thời “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, chỉ cần có vài chục ngàn đồng đi trên bất cứ con phố nào bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua cho mình một cặp “song kiếm hợp bích”.        
Nếu như  trước đây, sát thủ áo trắng thường sử dụng những đoản đao, có tầm ngắn, với kích cỡ  khá dày và cụt thì nay nhiều HS thủ  sẵn trong cặp những thanh kiếm sắc lạnh, mỏng dí, sáng loáng. Nhiều ”áo trắng” còn bỏ công ra đặt hàng lạnh tại các quán theo yêu cầu, sở thích “50k (50.000 đồng) thanh dao đoản ngắn và 100k (100.000 đồng) cho thanh đao dài 30 phân còn nếu muốn đặt hàng theo sở thích phải bo thêm ít tiền cho chủ. Bây giờ băng nào cũng có hàng mang theo bên người hết”, Quốc Anh nói.       
Rút chiếc kiếm nhật sắc lạnh được gim chặt trước lồng ngực, Anh khoe “con kiếm này độc đó, phải đặt hàng từ cửa khẩu về nên giá chát lắm nhưng cứ mỗi lần vung ra bọn nhóm khác nhìn vào thấy chỉ có việc bỏ của chạy lấy người”.        
Theo ghi nhận của chúng tôi, khi dạo quanh một vòng các tuyến phố và chợ đầu mối, việc buôn bán dao kiếm, mã tấu diễn ra khá công khai. Một ông chủ ở phố Lò rèn (TP.Hà Nội) cho biết chỉ cần bỏ tiền đặt cọc chậm nhất 2 ngày sau sẽ có hàng với đủ màu sắc, kích cỡ từ hàng Nhật, Trung Quốc cho tới hàng Việt Nam sản xuất trong đó đắt nhất là kiếm nhật giá dao động trên 800 ngàn đồng, mỗi tuần tôi cũng bán được dăm bảy thanh kiếm còn dao tông, đoản đao thì nhớ không hết trong đó có không ít các cô cậu học sinh ở các trường học tôi đã quen nhờn mặt, bọn nó toàn chơi hàng đặt – ông nói.
Hiện việc buôn bán dao kéo và hung khí vẫn diễn ra hằng ngày và chưa có chế tài quy định nào cấm học sinh, trẻ tuổi vị thành niên mua bán dao kéo có  thể gây nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của người khác. Chỉ cần có tiền những sát thủ áo trắng có thể xách cả một bao tải mã tấu, dao kéo ngoài chợ về nhà chính điều này đã góp phần tiếp tay cho những hành động xốc nổi, bốc đồng của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên nhất là các cô cậu học trò vốn mang tâm lý thích xem phim kiếm hiệp và hành động.
Theo Th.S Nguyễn Đình Long, giảng viên bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì một khi não bộ con người không tiếp thu được nhiều sự  kiện cùng một lúc sẽ gây ức chế có thể dẫn tới những rối loạn tâm lý và ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần từ đó có những hành động thiếu kiểm soát.  
Một nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng bạo lực học đường gia tăng đó chính là từ phía gia đình và đây được coi là nguyên nhân chính. Sự thiếu quan tâm, yêu thương, dạy dỗ của gia đình sẽ là liều thuốc hại chết con em mình khi để các em ra ngoài xã hội.
Mạnh Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)