LTS: Cuộc sống hiện đại với quá nhiều mối lo, áp lực công việc lại cao khiến nhiều người trẻ tuổi rơi vào tình trạng stress. Khi chưa đủ kinh nghiệm để đối mặt, giải quyết những trạng thái căng thẳng thì sẽ dẫn đến hành động tiêu cực… Hiện nay số lượng người trẻ, đặc biệt là HS-SV bị trầm cảm cũng đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, trong tổng số người có biểu hiện bất bình thường đến khám, tư vấn thì 30% là HS-SV. Báo động và can thiệp kịp thời, đó là cách “giải cứu” trình trạng này cho các bạn trẻ…
Những cái chết đau lòng!
Liên tục những người trẻ tìm đến cái chết khiến ai cũng thấy xót xa, vừa thương lại vừa giận khi họ chọn kết thúc cuộc đời mình ngay trong lứa tuổi đẹp nhất của đời người.
Những hoạt động ngoại khóa tích cực sẽ giúp người trẻ có lối sống lạc quan, tích cực |
Vượt mức báo động
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 1 triệu thanh thiếu niên chết vì tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai với những người trẻ tuổi, chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Mỗi năm, các phương tiện truyền thông đã đưa biết bao thông tin về các vụ tự tử ở những người trẻ.
Mới đây, vụ việc nữ sinh H.T.L. học sinh lớp 11C12, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tự tử tại ao nước trước nhà được cho là xuất phát từ nguyên nhân bị phát tán clip L. và bạn trai hôn nhau tại lớp học. Câu chuyện đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đối với những người lớn trong việc định hướng, chia sẻ cùng con cái cách sử dụng facebook sao cho có trách nhiệm, hiệu quả.
Không chỉ là những bế tắc, những dại dột bởi yêu sớm, bởi ngỡ tình yêu là tất cả cuộc đời này, những xung đột nhỏ với người thân trong gia đình cũng khiến các em dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Đến hôm nay, nhiều người vẫn chưa hết hoang mang sau sự việc một nữ sinh tử vong sau khi rơi từ lầu 3 tòa nhà Bitexco. Theo lời người mẹ của nữ sinh, trước khi xảy ra vụ việc đau lòng này, giữa hai mẹ con có xảy ra mâu thuẫn, cãi vã qua lại. Em giận mẹ rồi bỏ sang nhà một bạn nữ học cùng lớp ngủ nhờ vì không muốn về nhà gặp mẹ. Tối ngày hôm sau thì em tử vong tại tòa nhà Bitexco.
Những câu chuyện về 5 em học sinh nữ lớp 7 ở tỉnh Hải Dương tự tử tập thể, hay 3 em học sinh THCS ở tỉnh Đắk Nông uống thuốc độc dẫn đến tử vong… hẳn vẫn còn khiến dư luận phải rùng mình khi nhớ lại.
Sau mỗi cái chết, câu chuyện nóng lên vài ngày rồi lại rơi vào quên lãng. Chỉ có những người thân, người dứt ruột sinh ra họ mới thực sự đau lòng, ám ảnh về cái chết của những người trẻ.
Còn lại những bỏ ngỏ
Từ đầu năm 2018 đến nay, số vụ tự tử ở người trẻ tại Việt Nam gia tăng đến mức báo động. Và dường như những lời kêu cứu của một thế hệ trẻ cô đơn, không lối thoát vẫn còn bỏ ngỏ trong im lặng. Không chỉ riêng người trẻ cô đơn, loay hoay trước cuộc sống mà ngay cả những người đã kết hôn, bế tắc trong hôn nhân cũng tìm đến cái chết.
Ngày 1-4, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã có thông tin chính thức về vụ việc người phụ nữ không mặc quần áo tử vong trong ao cá của gia đình ở khu vực. Nạn nhân là chị N.T.N. (SN 1988, ngụ tỉnh Bình Phước, trú tỉnh Đồng Nai).
Qua điều tra, công an xác định chị N. tử vong là do tự tử. Theo lời khai của Cương (SN 1986, ngụ tỉnh Đồng Nai, chồng chị N.) với công an, chị N. bị bệnh trầm cảm trong thời gian gần đây. Trước lúc xảy ra vụ việc, giữa anh Cương và chị có mâu thuẫn dẫn tới cãi nhau. Chị N. bực tức dắt con bỏ đi. Sau đó, anh Cương đã đi tìm và đưa cả 2 mẹ con về nhà. Sáng 27-3, chị N. nói với anh Cương là đi giặt đồ ở sau nhà. Anh Cương đợi lâu không thấy vợ đi vào nên đi tìm thì phát hiện chị N. đã tử vong dưới ao trong tình trạng không mặc quần áo. Người chồng hô hoán và báo công an. Nhận tin báo, công an đã có mặt khám nghiệm hiện trường, tử thi, lấy lời khai các nhân chứng, điều tra làm rõ. Sau khi khám nghiệm xong, công an đã bàn giao thi thể chị N. cho gia đình để an táng.
Theo WHO và nhiều tác giả nghiên cứu, có 3-5% dân số trên thế giới (khoảng 200 triệu người) có các triệu chứng trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Hơn nữa, người ta còn thấy tỉ lệ tái phát của trầm cảm là 50-80% các trầm cảm đơn cực và cao hơn nữa ở rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều mối lo, áp lực công việc lại cao khiến nhiều người trẻ tuổi rơi vào tình trạng stress. Khi chưa đủ kinh nghiệm để đối mặt, giải quyết những trạng thái căng thẳng thì sẽ dẫn đến hành động tiêu cực.
Tự tử không phải là một sự giải thoát. Tự tử ở giới trẻ đã trở thành một hiện tượng và đang có xu thế tăng nhanh. Hiện nay, người tự tử chủ yếu ở lứa tuổi rất trẻ. Những cái chết đau lòng như thế vẫn liên tục diễn ra, để lại bao nỗi day dứt khôn nguôi cho người ở lại.
Bài, ảnh: Thục Quyên
Bình luận (0)