Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Báo động trẻ béo bụng

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề nóng trên số báo này là đi tìm nguyên nhân và giải pháp để xử lý cảnh báo từ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: tỉ lệ trẻ béo bụng quá cao.

Nhiều phụ huynh đã cố gắng thu xếp cho con em tham gia lớp tập thể lực tăng chiều cao, giảm béo bụng - Ảnh: Tấn Phúc
Nhiều phụ huynh đã cố gắng thu xếp cho con em tham gia lớp tập thể lực tăng chiều cao, giảm béo bụng – Ảnh: Tấn Phúc

Lời cảnh báo này được đưa ra từ nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thực hiện trên gần 5.000 trẻ em trong độ tuổi 10 – 15 ở TP.HCM. Kết quả: 22,1% số này bị thừa cân, 13,4% béo phì và 31,3% bị béo bụng. 

Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 trẻ lại có 1 trẻ bị béo bụng.

Đây thật sự là một con số đáng báo động bởi tình trạng béo bụng thường chỉ được nhắc đến với người lớn. 

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết nghiên cứu này được tiến hành trên khắp TP. Do đó, có thể xem đây như một tỉ lệ chung của trẻ em TP.HCM.

Nạp nhiều năng lượng

Bác sĩ Ngọc Diệp nói: “Béo bụng là tình trạng dư thừa mỡ ở vùng bụng, còn béo phì là dư thừa mỡ ở toàn thân. Điều này khiến nhiều người tưởng rằng béo bụng ít nguy hiểm hơn béo phì nhưng sự thật lại trái ngược. Cả béo phì lẫn béo bụng đều phản ánh nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, các tác hại xấu về cơ xương khớp… Và các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng người béo bụng có nguy cơ còn cao hơn cả béo phì”.

Nhìn chung, cả tỉ lệ béo bụng lẫn béo phì của trẻ em TP.HCM là quá cao. Theo bác sĩ Ngọc Diệp, điều này xuất phát từ hai nguyên do: nạp quá nhiều năng lượng và lối sống thụ động. Theo khảo sát từng đối tượng trong những nghiên cứu cho thấy rất nhiều trẻ em ở TP.HCM nạp nhiều hơn 2.500 kcal/ngày, trong khi con số vừa phải với một trẻ vào khoảng 10 tuổi là 2.100 kcal/ngày.

Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết phỏng vấn từng em bị béo phì, béo bụng trong cuộc nghiên cứu về lý do ít chơi thể thao thì phần đông nhận được câu trả lời: “Không có thời gian chơi”. Điều này đến từ một thực trạng của trẻ em VN là học thêm quá nhiều. Đã ít thời gian vì lịch học dày đặc, trong khi giờ học thể chất trên trường cũng chưa đủ để đốt bớt năng lượng cho trẻ.

Các học sinh thừa cân học thể dục tại lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao ở Trung tâm TDTT Hoa Lư - Ảnh: Đ.V.
Các học sinh thừa cân học thể dục tại lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao ở Trung tâm TDTT Hoa Lư – Ảnh: Đ.V.

Vận động quá ít

Ông Nguyễn Thành Nam, giáo viên thể dục Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), cho biết số tiết học thể dục hiện tại ở trường với các học sinh tiểu học là 2 tiết/tuần và con số này không đủ với các em.

Ông Nam nói: “So với các nước, trẻ em VN có rất ít điều kiện vận động như trường học quá chật không thể chạy nhảy, đường sá đông đúc khó đạp xe… Do trẻ em chỉ có điều kiện vận động qua các giờ thể dục nên tôi nghĩ chương trình học ở VN cần có nhiều tiết thể dục hơn”.

Học thể dục đã ít, hiệu quả đến từ 2 tiết học thể dục trên trường cũng khó được đảm bảo. Chị Phan Thị Minh Huệ, phụ huynh em Nguyễn Minh Đăng (lớp 7 Trường THCS Bình Quới Tây), nói: “Ở trường con tôi một tuần cũng có một buổi giáo dục thể chất mà nghe nó nói chỉ khua chân múa tay cho có. Tôi thấy chỉ có những trẻ thon gọn, lanh lợi mới năng động trong lớp học, còn mấy cháu ù lì, học thể dục cũng như không”.

Ông Nguyễn Thành Nam cũng thừa nhận giáo trình dạy thể dục hiện tại ở VN mang lại rất ít hiệu quả.

“Ở VN trường nào có sân bóng thì mới chia ra 1 tiết học thể thao, còn phần đông trường không có sân thể thao thì áp dụng cả 2 tiết đều là học thể dục tay chân. Những bài tập này có rất ít tác dụng với trẻ em béo phì. Đã vậy, một lớp học lại thường quá đông học sinh, trong khi giờ học thì chưa đầy 90 phút, chúng tôi không thể lo cho từng em được”.

Trong khi đó, một giảng viên của Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM cho biết hiện trường này đang xây dựng chương trình giáo dục thể chất mới cho lứa tuổi học sinh tiểu học, mẫu giáo.

“Một thực trạng là trường học ở VN quá thiếu sân bãi nên có muốn cho học sinh chơi thể thao nhiều cũng không được." 

"Chúng tôi muốn cho các em tập những bài tập như đi cầu thang sao cho đúng cách, ném đồ vật vào rổ chuẩn xác… Đây là cách thức dạy kỹ năng cho trẻ của Singapore, tận dụng cơ sở vật chất hiện có và giúp học sinh đam mê vận động hơn. Chứ cách học thể dục hiện tại của học sinh hoàn toàn không hiệu quả, chỉ giống như “giữ trẻ” ngoài giờ học văn hóa mà thôi” – giảng viên này nói.

Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)